A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần hoàn thiện các thể chế chính sách để khai thác hiệu quả đường bộ cao tốc

Hiện nay, hệ thống đường bộ cao tốc đã mang lại hiệu quả to lớn như giảm thời gian hành trình, tiết kiệm chi phí, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng tại nhiều vùng miền trên cả nước.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường phát biểu khai mạc Hội thảo.


Nhiều khó khăn, vướng mắc


Trong thời gian qua, cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong nước, Chính phủ và Bộ GTVT đã có nhiều nỗ lực cải thiện về chính sách, môi trường đầu tư trong việc huy động các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và đặc biệt là đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện tại hóa đất nước.

 

Các tuyến đường bộ cao tốc đến nay đã hoàn thành, đưa vào khai thác được 745 km đường, gồm 12 tuyến: Đại lộ Thăng Long (29,2km), Liên Khương - Đà Lạt (19km), Pháp Vân - Cầu Giẽ (29km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km), Vành đai 3 đoạn Phù Đổng - Mai Dịch (28km), Nội Bài - Lào Cai (264km), Hà Nội - Thái Nguyên (63,8km), Hà Nội - Hải Phòng (105,5km), Hà Nội - Bắc Giang (45,8km), TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (39,8km), TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (55km) và tuyến nối Nội Bài - Nhật Tân (khoảng 15/21km). Việc đưa các tuyến trên vào khai thác, sử dụngđã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là các địa phương có tuyến cao tốc đi qua.

 

Tuy nhiên, còn một số tồn tại về hệ thống đường cao tốc hiện nay, như hệ thống đường dân sinh, đường kết nối, trạm dịch vụ, Hệ thống giao thông thông minh (ITS), các tuyến hoàn trả địa phương chưa xây dựng hoàn chỉnh, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa thỏa đáng...

 

Trong quản lý, khai thác và bảo trì còn tồn tại các hành vi vi phạm trật tự, hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng, an toàn giao thông đường cao tốc: Phương tiện thô sơ, xe máy, người đi bộ vào đường cao tốc, phá rào, lấn chiếm hành lang an toàn, bắt xe khách dọc đường, bán quán ven đường...  như hiện tượng người dân còn ngang nhiên phá rào, lấn chiếm hành lang an toàn, bắt xe khách dọc đường trên tuyến Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên. Các điểm dừng đỗ và đặt trạm thu phí còn một số bất cập khiến các cơ quan chức năng địa phương gặp khó trong việc quản lý. Việc thu phí cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khi người dân và doanh nghiệp vận tải cho rằng phí quá cao còn các nhà đầu tư BOT gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoàn vốn. Ngoài ra, việc triển khai hệ thống thu phí không dừng theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT cũng còn nhiều vướng mắc.

 

Mức độ ứng dụng ITS trên các tuyến đường cao tốc đang khai thác còn khiêm tốn, Bộ đang đẩy nhanh ứng dụng ETC cho quốc lộ và cao tốc trong năm 2016. Có 5/13 tuyến được xây dựng tuyến giám sát điều hành giao thông. 6/13 tuyến áp dụng hệ thống giám sát tải trọng xe, Bộ GTVT đang quyết tâm áp dụng hệ thống thu phí.

 

Quy mô đang ở giai đoạn 1 trong quá trình phân kỳ đầu tư với quy mô 2 làn là chủ yếu, cá biệt có 1 số đoạn có quy mô 2 làn hạn chế là Yên Bái – Lào Cao, Thái Nguyên – Chợ Mới… Chỉ có một số tuyến khai thác 2 làn hạn chế khiến khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn giao thông và bảo trì.

 

Hệ thống quy định, quy trình liên quan đến tổ chức khai thác đường cao tốc hiện tại vẫn chưa được hoàn thiện và ban hành chính thức. Các tiêu chuẩn bảo trì; Định mức bảo dưỡng, sửa chữa đường cao tốc... hiện tại chưa được ban hành, gây khó khăn cho đơn vị tổ chức quản lý khai thác.

 

Sau hơn 4 năm đi vào khai thác, hệ thống biển báo trên các tuyến đường cao tốc không đồng bộ với nhau, quy định hệ thống biển báo thay đổi. Tại một số ví trí đường nhánh, nút giao chưa bố trí đầy đủ hệ thống thiết bị ATGT, biển báo hướng dẫn theo QCVN 83:2015/BGTVT mới ban hành. Việc này đã gây khó khăn cho đơn vị quản lý khai thác vì đã đầu tư giá trị lớn cho hệ thống biển báo để đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc, ngoài ra việc thay đổi phù hợp với các tiêu chuẩn mới cần có thời gian và kinh phí thực hiện. Cần xây dựng đường cao tốc có sự phản quang, ánh sáng tốt tạo điều kiện cho các lái xe trên 80 km vẫn bao quát được.

 

Hiện tại các tuyến đường cao tốc sau khi xây dựng xong đưa vào khai thác chưa phát huy hết tính ưu việt do hệ thống đường kết nối với đường cao tốc chưa hoàn chỉnh (như tuyến Cầu Giẽ Ninh Bình chưa hoàn chỉnh kết nối với QL1A) gây khó khăn cho các phương tiện khi di chuyển đi vào đường cao tốc. Ngoài ra, sau khi có đường cao tốc, hệ thống đường địa phương không còn phù hợp, nhiều tuyến đường bị chia cắt bởi đường cao tốc, do đó cần phải có sự quy hoạch điều chỉnh lại hệ thống đường bộ địa phương, đảm bảo kết nối với hệ thống nút giao của đường cao tốc tạo điều kiện cho nhân dân, doanh nghiệp thuận lợi tham gia vào đường cao tốc đồng thời giảm tình trạng đón bắt trả khách trên đường cao tốc.

 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo "Quản lý, khai thác đường bộ cao tốc - Một số vấn đề đặt ra", diễn ra vào sáng nay (8/6), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá: Hiện nay, hệ thống đường bộ cao tốc đã mang lại hiệu quả to lớn như giảm thời gian hành trình, tiết kiệm chi phí, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng tại nhiều vùng miền trên cả nước.

 

"Quản lý khai thác bảo trì hệ thống đường bộ cao tốc là công việc mới mẻ nên đã nảy sinh nhiều khó khăn vướng mắc, vì vậy việc đánh giá thực trạng cũng như trao đổi thảo luận để đề ra những giải pháp thực tế góp phần giải quyết một cách có hiệu quả những hạn chế trong quản lý khai thác bảo trì đường bộ cao tốc" - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

 

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

 

Đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác đường bộ cao tốc

Theo ông Nguyễn Văn Nhi - Phó Tổng Giám đốc TCty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC): để giảm thiểu mất an toàn giao thông (ATGT), chống thất thu trong công tác thu phí, thời gian tới, VEC sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng, CSGT trên tuyến thực hiện các biện pháp cụ thể như tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền giáo dục ý thức của người dân sinh sống dọc theo đường cao tốc và các phương tiện tham gia lưu thông trên đường cao tốc. Phối hợp với công an các tỉnh tổ chức điều tra xử lý tình trạng trộm cắp tài sản, ném đá vào các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc. Phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông C67 tuyên truyền, xử phạt xe dừng đỗ, đón trả khách. Tiếp tục từ chối phục vụ các phương tiện cố tình làm mất thẻ và các phương tiện xe khách cố tình dừng đỗ đón trả khách trên tuyến. Bố trí đầy đủ hệ thống cân tại các điểm vào đường cao tốc, tổ chức cân kiểm soát tải trọng xe 24/24h, thực hiện từ chối phục vụ đối với xe quá tải trọng cho phép.

 

Quản lý phương tiện vận tải cần tuân thủ các quy định của đường cao tốc, đồng thời cần xem xét điều chỉnh quy hoạch hệ thống mạng lưới đường giao thông của các địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua phù hợp với quy hoạch của đường cao tốc nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, cần hoàn chỉnh cơ chế chính sách liên quan đến quản lý khai thác đường cao tốc.

 

Đối với chính quyền các địa phương, cần chỉ đạo các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền giáo dục ý thức của người tham gia giao thông cũng như người dân sinh sống dọc theo hai bên đường cao tốc. Giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ tài sản đường cao tốc là một nhiệm vụ chính trị quan trọng đồng thời đưa tài sản đường cao tốc thuộc danh mục tài sản an ninh quốc gia. Điều chỉnh quy hoạch giao thông khu vực có tuyến cao tốc đi qua phù hợp với quy hoạch đường cao tốc. 

 

Các đại biểu tham gia Hội thảo.
 

Theo ông Trịnh Văn Sỹ - Phó phòng CSGT, Công an Hà Nội, khi chưa có các biện pháp thu phí hiện đại thì vào các dịp lễ tết thì ngày đầu và ngày cuối, đề nghị các đơn vị thu phí bố trí nhiều lực lượng ở nhiều điểm giải quyết vấn đề thu phí không gây ùn tắc; Mỗi một chiều đi có 1 phương tiện cứu hộ có thể di chuyển được các phương tiện trọng tải lớn; Mở các tuyến đường gom; Tăng cường hệ thống camera trong đó có camera chụp được biển số phục vụ công tác điều tra, xử lý phương tiện vi phạm như phạt nguội; Tổ chức lực lượng tuần tra xử lý các vấn đề cần được giải quyết, đảm bảo vấn đề xư lý, phát hiện nhanh nhất; Phân định trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn, hiện Hà Nội không quản lý các tuyến đường cao tốc liên tuyến nhưng lại vẫn phải chịu trách nhiệm. Việc này cần được xem xét, quy định rõ ràng, điều chỉnh hợp lý; Đề xuất với bộ GTVT, và chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị gửi đến giám đốc CAHN là các phương tiện đều phải có tài khoản để phục vụ cho việc cưỡng bức khi xảy ra sự cố, an toàn khi tham gia giao thông, cho phép lực lượng xử lý vi phạm với người lái xe khi tham gia giao thông.

 

Ông Vũ Quang Thái - Trung tá, Trưởng phòng Tuần tra kiểm soát Giao thông đường bộ, cao tốc - Cục CSGT đề xuất: để xây dựng cơ chế xã hội hóa hoạt động bảo đảm trật tự ATGTTrong tương lai, để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT, cần nghiên cứu ban hành hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT trên đường cao tốc, phân công phân cấp rõ ràng trách nhiệm của các bộ ban ngành và các cấp trong công tác trong công tác xây dựng, quản lí, bảo trì, bảo dưỡng và thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về TTATGT trên đường cao tốc. Đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành cách các cấp từ Trung ương đến địa phương trong quản lý nhà nước về TTATGT trên đường cao tốc.

 

Phối hợp giữa các đơn vị, ngành liên quan sớm hoàn thiện đưa vào khai thác, sử dụng thống nhất đồng bộ hệ thống giám sát, phát hiện vi phạm trên các tuyến đường cao tốc bằng hệ thống camera tự động. Có cơ chế xử phạt tại chỗ cũng như "xử phạt nguội" nghiêm khắc để tăng tính răn đê, giáo dục tuyên tuyền ý thức của người tham gia giao thông.

 

Xây dựng cơ chế xã hội hóa hoạt động bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường cao tốc; Đề nghị Tổng cục Đường bộ tham mưu cho Bộ GTVT kiểm tra rà soát các quy định về tiêu chuẩn đường cao tốc hiện nay, kien quyết không công nhận các tuyến đường cao tốc khi chưa đáp ứng tiêu chuẩn.

 

Theo ông Vũ Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ cao tốc Việt Nam: Tuy đã có một số nghiên cứu về ITS nhưng còn rời rạc, chưa có tổ chức thống nhất điều hành nghiên cứu hoạt động này. Chủ yếu sử dụng các tiêu chuẩn của nước ngoài dẫn đến nguy cơ hệ thống ITS VN không thể tích hợp và kết nối. Bên cạnh đó, cũng chưa xây dựng được bộ xử lý và điều hành, việc duy trì hoạt động liên quan đến bảo trì, bảo dưỡng, khắc phục hư hỏng còn thiếu. Công tác nghiệm thu trước khi đi vào sử dụng còn bị bỏ ngỏ. Cùng với đó, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu dẫn đến việc giải quyết khắc phục các vấn đề phát sinh còn chậm.

 

Ông Tuấn cũng cho rằng cần đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống ITS quy định trong tiêu chuẩn Việt Nam về giám sát, điều hành đường cao tốc. Nâng cao năng lực thẩm tra, thẩm định các dự án ITS; xây dựng quy chuẩn đánh giá hiệu quả kinh tế, kĩ thuật, môi trường của ITS, thực hiện công tác kiểm tra, kiểm định; đào tạo cán bộ thẩm tra, thẩm định, nghiệm thu các hệ thống ITS.

 

Bên cạnh đó, cần tích hợp các hệ thống giao thông tuyến. Các trung tâm điều hành liên kết trao đổi thông tin với nhau, cao hơn là trung tâm khu vực giữ quyền điểu khiển cao nhất, trong trường hợp có sự cố giao thông hoặc phân luồng giao thông có thể điều hiển từ trung tâm khu vực. Ngoài ra, cần lưu ý tích hợp quản lý giao thông giữa các tuyến cao tốc, và trung tâm điều hành giao thông giữa các tuyến đô thị để nâng cao hiệu quả dự án đầu tư ITS.
 

Phát biểu tổng kết Hội thảo, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, đối với các cơ quan tham mưu của Bộ cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật VN, quy tắc giao thông trên đường cao tốc, đặc biệt là vấn đề định mức, tiêu chuẩn, bảo trì trên đường giao thông. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân.

 

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư bổ sung hoàn chỉnh hệ thống các tuyến đường cao tốc. Tại đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai với nguồn lực hiện có, năm 2016 cần quy hoạch đường gom dân sinh, đón khách trên các nút giao cần hoàn thiện, đóng hết các điểm người dân phá rào. Tham khảo kinh nghiệm đường cao tốc nước ngoài hầu như có tấm chắn ồn, chắn để giảm thiểu tình trạng này.

 

Đồng thời xây dựng điều chỉnh quy hoạch kết nối giao thông các địa phương. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan để đảm bảo hành lang ATGT tại các địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua.

 

Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng nghiệm thu, phương án tổ chức giao thông. Đơn cử như hệ thống BOT cao tốc Bắc Giang vẫn cần hoàn thiện. Vấn đề dừng thu phí đang xây dựng phương án hoàn thiện, Bộ GTVT đã cho chỉ đạo khảo sát tiếp, làm xong đường gom phía Bắc Ninh – Hà Nội, thực hiện được điều này cần 1.020 tỉ nữa. Do tổng mức lưu lượng từ Bắc Giang lớn, từ 25.000 - 30.000 nên bắt buộc làm đường gom, trong đó có 28 điểm ra vào và rẽ cần giảm xuống còn trên dưới 10 điểm. Hiện tại đường thiết kế rộng 8m để còn trồng cây nhưng có thể co lại 1m để hoàn thiện hơn.

 

Mặt khác, cần khắc phục tình trạng giao thông trong những ngày cao điểm và hệ thống ITS đang được thí điểm thực hiện nhưng kinh phí còn hạn chế. Các xử lý trong ùn tắc đơn vị quản lý khai thác đường cao tốc cần đầu tư trang thiết bị, còn ùn tắc trong BOT yêu cầu 500m trở lên là phải đảm bảo, ví dụ như cứ 300 – 500 m là tháo khóa như đường cao tốc Bắc Giang.

 

Ngoài ra, cần có giải pháp cụ thể, kịp thời, trang bị phương tiện, đảm bảo công tác bảo trì… đều dùng các phương tiện hiện đại. Với CBCNV đơn vị công tác bảo trì phải được đào tạo bài bản. Lực lượng vệ sinh cắt cỏ cũng cần được huấn luyện.

 

Hiện các trạm thu phí không dừng đang được đẩy mạnh, Bộ KHĐT cấp phép mời các nhà đầu tư thực hiện. Cần đẩy nhanh giám sát doanh thu, đặc biệt đặt hệ thống phần mềm của các nhà đầu tư, thông tin hàng ngày chuyển về trung tâm dữ liệu của Tổng cục ĐBVN, giữa bộ Tài chính, Bộ Giao Thông sẽ công khai lưu lượng doanh nghiệp của trạm đó và chỉ mất khoảng 32 tỉ đồng.

 

Nguồn: duongbo.vn


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 173
Hôm qua : 181
Tháng 05 : 1.498
Năm 2024 : 18.832