Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định thành lập Bộ Giao thông công chính (28/8/1945) đến nay, Ngành GTVT Việt Nam đã trải qua gần 70 năm tồn tại và phát triển, gắn liền với sự nghiệp Cách mạng của đất nước với nhiều thời kỳ sôi nổi, hào hùng.

 

LỊCH SỬ 70 NĂM PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI VIỆT NAM


    Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Bộ Giao thông công chính (28/8/1945) đến nay, Ngành GTVT Việt Nam đã trải qua gần 70  năm tồn tại và phát triển, gắn liền với sự nghiệp cách mạng của đất nước với nhiều thời kỳ sôi nổi, hào hùng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ". Câu nói giản dị của Bác không chỉ nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của GTVT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là lời nhắc nhở nhiệm vụ đối với những người làm công tác GTVT trong quá khứ, hiện tại và tương lai sau này. Có thể nói lịch sử hình thành, phát triển và trưởng thành của mình, lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân, lao động Ngành GTVT Việt Nam đã luôn theo lời chỉ dạy của Bác Hồ, luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.


Giai đoạn 1945 - 1954: GTVT phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp 

     30 năm đầu tiên của Thế kỷ XX, để thực hiện chính sách khai thác triệt để thuộc địa, thực dân Pháp đã xây dựng một hệ thống giao thông từ Bắc vào Nam nhưng chủ yếu nhằm phục vụ công cuộc cai trị và bóc lột. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Hồ Chủ tịch đã chính thức ký quyết định thành lập Bộ Giao thông công chính thuộc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và giao cho nhân sĩ yêu nước Đào Trọng Kim làm Bộ trưởng. Cũng từ đây, hệ thống giao thông đã thực sự trở thành tài sản của người Việt Nam, phục vụ người dân nước Việt.

tuyenduonggoong.jpg

Tuyến đường goòng bắc qua sông ở Bồng Sơn (Bình Định) 
để phục vụ kháng chiến chống Pháp

 Thời kỳ mới thành lập Bộ Giao thông công chính đứng trước những khó khăn rất nặng nề với 6 nhiệm vụ rất căn bản: (1) Vận tải quân, lương phục vụ cho kháng chiến Nam Bộ và các chiến trường khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra (12.1946); (2) Phá hoại cầu đường ngăn chặn quân địch tiến quân đánh chiến các vùng tự do, các căn cứ kháng chiến với âm mưu đánh nhanh thắng nhanh; (3) Thiết lập các đường dây giao liên, giữ giao thông liên lạc thông suốt các miền Bắc - Trung - Nam phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ; (4) Sửa chữa, mở đường các vùng tự do, vùng kháng chiến và đi sâu vào các vùng hậu cứ của địch để phục vụ các chiến dịch đánh địch trên khắp các chiến trường đồng thời gia tăng phục vụ sản xuất; (5) Vận tải hàng hoá, hành khách, vận chuyển lương thực, quân đội tham gia các chiến dịch tấn công giai đoạn 1945 - 1954; (6) Làm nhiệm vụ quốc tế chi viện cho Lào, Campuchia v.v.

doanxedongxuan_.jpg

Đoàn xe vận tải phục vụ chiến dịch Đông Xuân (1953 - 1954)

 Thành tựu nổi bật của Ngành Giao thông công chính thời kỳ này là đã cùng toàn dân tham gia thực hiện các phong trào do Chính phủ phát động và chỉ đạo như "Tiêu thổ kháng chiến": Phá đường, cầu, cống và các hệ thống giao thông khác để ngăn chặn địch vận chuyển lương thực, thực phẩm, súng đạn.. Hàng ngàn các đoạn, các cung đường bộ, hàng trăm cầu lớn đã bị phá huỷ và trở thành vật cản ngăn chặn sự xâm lược của địch. Một thành công lớn của ngành giao thông thời kỳ này là công tác mở đường phục vụ các chiến dịch tiến tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tuy không được đầu tư nhiều về tài chính nhưng sức dân, sự đoàn kết và dũng cảm của toàn quân, toàn dân đã mở ra những kỳ tích của ngành giao thông.


Giai đoạn 1954 - 1964: GTVT xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam 

     Trong thời kỳ này, do nhiệm vụ mới của đất nước là khôi phục phát triển kinh tế miền Bắc để chi viện cho chiến trường miền Nam, Chính phủ đã quyết định đổi tên Bộ Giao thông công chính thành Bộ Giao thông và Bưu điện do ông Nguyễn Văn Trân làm Bộ trưởng. Cơ cấu, bộ máy tổ chức của Bộ cũng được nâng lên ngang tầm với nhiệm vụ, chức năng cụ thể được Chính phủ giao. Cơ cấu của Bộ bao gồm: Văn phòng Bộ, Tổng cục Đường sắt, Tổng cục Bưu điện, Nha Giao thông; Ngành vận tải Đường thuỷ; Sở Vận tải, Ty Công chính phi trường và Trường Cao đẳng giao thông công chính.BotruongNguyenHuuMai.jpg

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hữu Mai 
cắt băng khánh thành cầu Việt Trì (1957)

Nhiệm vụ lớn nhất của Ngành GTVT trong thời kỳ này là khôi phục lại hệ thống giao thông đã bị phá hỏng trong Kháng chiến chống Pháp để phục vụ phát triển kinh tế miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong 10 năm (1954 - 1964) hệ thống đường sắt miền Bắc đã được xây dựng và khôi phục lại với những tuyến đường chính là Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn. Những tuyến đường này đã có vai trò quan trọng phục vụ đi lại, khôi phục kinh tế miền Bắc trong nhều năm thời điểm đó và còn phát huy tác dụng đến bây giờ. Một tuyến đường sắt khác được xây dựng là Hà Nội - Thái Nguyên cũng hoàn thành trong giai đoạn này. Về giao thông đường bộ, đường thuỷ cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng mới nhiều tuyến quốc lộ phía Bắc và một số cảng sông cũng hình thành, trong đó cảng Hải Phòng có vai trò lớn nhất trong vận chuyển hàng hoá phía Bắc và giao thương với nước ngoài. Nhiều cây cầu mới, con đường mới có tính huyết mạch cũng đã được mở mang xây dựng vừa bằng sức dân, vừa có sự đầu tư của Nhà nước. Ngành GTVT còn tham gia thi công các sân bay như: Nội Bài (trước đây gọi là Đa Phúc), Hoà Lạc (Hà Tây), Vinh (Nghệ An) và sân bay Kép (Bắc Giang). Nhìn chung, thời kỳ này Việt Nam đã hình thành một mạng lưới giao thông tuy không hiện đại nhưng bước đầu phục vụ tốt nhịêm vụ của thời kỳ cách mạng mới.

HCMThamCongtruongHaNoiMucNam.jpg

Hồ Chủ tịch đến thăm công trường khôi phục
đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan và 
cầu Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) ngày 25/1/1955

Trong lĩnh vực vận tải, các ngành vận tải đường bộ, đường sông, đường sắt đều có nhiều bước phát triển vượt bậc so với trước năm 1954. Vận tải đường sắt trong 10 năm (1954 - 1964) đã đảm nhận trên 20% khối lượng vận chuyển toàn ngành, thực hiện sản lượng luân chuyển hàng hoá trên 50%. Vận tải đường bộ đã đảm nhiệm từ 30 - 40% khối lượng vận chuyển hàng hoá và hành khách cả nước với đội ngũ các xí nghiệp vận tải hành khách và hàng hoá quốc doanh. Công nghiệp GTVT được hình thành với một số chuyên ngành tuy còn hạn hẹp nhưng đã tự túc sản xuất được một số mặt hàng phục vụ ngành. Trong công nghiệp GTVT thời kỳ này, nổi bật nhất là Nhà máy toa xe lửa Gia Lâm đã đã hình thành được nhiều phân xưởng quan trọng làm tiền đề cho công nghiệp đóng tàu đường sắt sau này như phân xưởng sửa chữa đầu máy, đóng mới toa xe, rèn, đúc v.v.

LeThanhNghi.jpg

Ngày 18/12/1965, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị cắt băng
khánh thành đầu máy Tự Lực mang tên "Nguyễn Văn Trỗi"

Doan_Tau_Ham_Rong.jpg

Đoàn tàu qua cầu Hàm Rồng trong ngày khánh thành 19/5/1964

Nhan_Dan_Cac_Dan_TocMaiChau.jpg

Nhân dân các dân tộc Mai Châu (Hòa Bình) làm 
đường mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội miền núi

Giai đoạn 1964 - 1975: GTVT chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ và chi viện cho giải phóng miền Nam 

     Đây là thời kỳ đầu đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Ngành GTVT kể từ khi thành lập. Hai đặc điểm nổi bật của Ngành thời kỳ này là GTVT phục vụ sự nghiệp củng cố và phát triển kinh tế miền Bắc và chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam. Cũng trong giai đoạn này, Ngành GTVT đã nhận được một sự đầu tư đáng kể của Nhà nước và viện trợ giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ) và Trung Quốc.

San_Lap_ho_Bom.jpg

San lấp hồ bom bảo đảm giao thông thông suốt

Những sự kiện nổi bật ghi dấu ấn của Ngành trong giai đoạn này là đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử với phong trào "Tất cả vì miền Nam thân yêu" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Ngành GTVT Việt Nam đã lập nên những kỳ tích huy hoàng, góp phần quan trọng vào chiến thắng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt. Ngành GTVT đã đi đầu trong cuộc kháng chiến với tất cả những con đường có thể mở được, từ đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ đến đường đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Những "con đường mòn" này về cơ bản vẫn dựa vào sức dân là chủ yếu song đã đóng vai trò quan trọng, nhất là trong việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí cho chiến trường miền Nam. Lịch sử sẽ còn nhắc lại những chiến công dũng cảm của cán bộ chiến sĩ, nhân viên Ngành GTVT với các sáng kiến đã đi vào huyền thoại trong cả vận tải đường bộ, đường thuỷ và hàng không.

thanhnien759.jpg

Đội thanh niên xung phong 759, đơn vị anh hùng 
sửa chữa đường bảo đảm giao thông ở Quảng Bình

     Với ngành đường sắt, trong giai đoạn 1964 - 1975 đã liên tục đảm bảo giao thông suốt trong điều kiện địch đánh phá dữ dội. Ngành Đường sắt đã làm 3.915 mét cầu tạm, 82km đường và 274,5km dây thông tin và vận chuyển được 4,16 triệu tấn hàng hoá. Cán bộ, nhân viên và tự vệ ngành đường sắt đã bắn rơi hàng chục máy bay các loại và dò phá được hàng ngàn quả bom nổ chậm ở các chiến trường trọng điểm miền Nam. Với ngành vận tải ô tô đã hình thành 5 công ty vận tải hỗn hợp có tổng 1.271 xe phục vụ chủ yếu chiến trường miền Nam. Ngành vận tải đường biển với những con tàu "không số" trên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển đã lập hàng trăm kỳ tích mà cho đến tận bây giờ vẫn chưa được nhiều người biết tới.

PhanTrongTueThamTauHongHa.jpg

Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ thăm tàu
Hồng Hà sau chuyến mở luồng Nhật Bản thắng lợi trở về

DoanXeTaiChiVienMienNam.jpg

Đoàn xe tải chờ hàng chi viện cho miền Nam đang vượt qua ngã ba 
Đồng Lộc, một trong những địa điểm bị đánh phá ác liệt nhất

xechodauvaonam.jpg

Một đoàn xe đang vượt ngầm chuyển xăng dầu vào Nam (1971)

Những người đứng đầu Ngành GTVT giai đoạn này là Bộ trưởng Dương Bạch Liên và Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ - các Bộ trưởng đã ghi dấu ấn đậm nét trong Ngành với các chiến công làm rạng rỡ truyền thống Ngành GTVT sau này.

 

Giai đoạn 1975 - 1985: GTVT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN

     Sự tàn phá của chiến tranh trong một giai đoạn dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giao thông cả hai miền Nam, Bắc. Năm 1975 không còn một tuyến đường bộ nào ở miền Bắc đạt cấp kỹ thuật đồng bộ. Phương tiện vận tải của tất cả các ngành giao thông miền Bắc đều thiếu thốn và lạc hậu. Đường bộ có 861 xe, máy và thiết bị các loại, trong đó chỉ có hơn 50% là còn sử dụng được. Đường biển mới có khoảng 4 vạn tấn phương tiện các loại nhưng đều cũ kỹ và không phù hợp với luồng tuyến. Các ngành kinh tế công nghiệp GTVT đều suy yếu bởi thiếu nguồn tài chính đầu tư trong một giai đoạn dài ... Trước tình hình đó, Đại hội lần thứ 4 của Đảng (Tháng 12.1976) đã đề ra yêu cầu phải "tích cực mở mang GTVT và thông tin liên lạc vì thực tế không cân đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân và không cân đối giữa các bộ phận trong nội bộ ngành...." Thực hiện chủ trương đó, Ngành GTVT đã chấn chỉnh và tổ chức lại bộ máy hoạt động và hình thành một bộ máy mới với các chức năng đầy đủ hơn, đáp ứng thực tế. Hàng loạt Sở GTCC ra đời trên toàn quốc và hàng trăm các doanh nghiệp quốc doanh của ngành đường sắt, đường bộ, hàng không, vận tải biển đã ra đời và giữ vững mô hình hoạt động đến năm 1986.

TrenCongTruongayDungThangLong.jpg

Trên công trường xây dựng cầu Thăng Long (1984)

Cuc_Cong_Trinh_ThamGia.jpg

Cục Công trình I tham gia khôi phục đường sắt Thống Nhất

DeoHaiVanThongNhat.jpg

Toàn cảnh đèo Hải Vân sau khi đất nước thống nhất năm 1975

 

     Về hoạt động vận tải đường sắt: trong giai đoạn này đã khánh thành tuyến đường sắt Bắc - Nam với sự kiện ngày 13/12/1976 chuyến hàng từ TPHCM ra Hà Nội và chuyến tàu chở Apatít phục vụ nông nghiệp đã từ Hà Nội lên đường vào TPHCM. Vận tải đường sắt cũng đã khai thông tuy năng lực chuyên chở vẫn còn hạn chế.

Trong giao thông đường bộ đã xây dựng mới hơn 2 vạn mét cầu, 520 cống, đặt mới 660km đường ray và 1.686 km dây thông tin. Các cảng quan trọng như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn cũng được đầu tư nâng cấp thành 2 trung tâm giao nhận hàng hoá lớn nhất của cả nước cùng với hệ thống cảng sông, đội tàu được khôi phục và đầu tư mới tạo ra diện mạo khác hẳn thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Điều đặc biệt là hệ thống vận tải quốc doanh đã có bước phát triển mạnh với đội ngũ kỹ sư chế tạo, sửa chữa và lái xe được đào tạo trong những trường chuyên ngành của Bộ GTVT

Phan_Trong_TueTrakhuc.jpg

Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ 
đi kiểm tra cầu đường sắt bắc qua sông Trà Khúc (1977)

Tau_Thai_Binh.jpg

Tàu Thái Bình - con tàu đầu tiên của ngành vận tải biển mở luồng 
sang Cuba và thực hiện chạy vòng quanh trái đất (1982)

NguyenSiNguyen1984.jpg

Bộ trưởng Bộ GTVT Đồng Sĩ Nguyên và đại diện 
Chính phủ Phần Lan làm lễ bàn giao giai đoạn 1 - xây dựng 
Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng (1984)

 

Giai đoạn 1986 đến nay: GTVT góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước thời kỳ Đổi mới

     Ngay từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, phát triển nền kinh tế đất nước theo kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng CSVN đã chủ trương phải ưu tiên đầu tư phát triển GTVT để GTVT đi trước một bước tạo tiền đề và thúc đẩy kinh tế phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) xác định: "GTVT là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng'' và "GTVT phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân''.

Km0QL5.jpg

Km0 - Quốc lộ 5 cửa ngõ giao thông phía Đông của Thủ đô Hà Nội

 

     Tiếp sau đó, Nghị quyết các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991), lần thứ VIII (1996) đã xác định những mục tiêu lớn của Ngành GTVT. Đó là: "Khắc phục tình trạng xuống cấp của hệ thống giao thông hiện có; khôi phục, nâng cấp và mở rộng thêm một số tuyến giao thông trọng yếu, kết hợp giao thông với thuỷ lợi, tận dụng giao thông đường thuỷ; mở thêm đường đến các vùng sâu, vùng xa ; cải thiện giao thông ở các thành phố lớn. Cải tạo, nâng cấp một số cảng sông, cảng biển, sân bay; xây dựng dần cảng biển nước sâu''.

 

     Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (2001), Nghị quyết Đại hội một lần nữa ghi rõ: "Kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và có bước đi trước. Hệ thống giao thông bảo đảm lưu thông an toàn, thông suốt quanh năm và hiện đại hoá một bước. Mạng lưới giao thông nông thôn được mở rộng và nâng cấp"; "Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ: thương mại, hàng không, hàng hải...".

duongnoibai.jpg

Đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài con đường đầu tiên do các kỹ sư 
Việt Nam thiết kế và thi công, được thông xe ngày 10/03/1994

     Thực hiện chủ trương và những mục tiêu mà Đảng đề ra, toàn Ngành GTVT đã có nhiều cố gắng, huy động và phát huy nhiều nguồn lực phục vụ công cuộc phát triển Ngành. Có thể chia ra 2 giai đoạn chính trong thời kỳ này :


Từ 1986 đến 1995:

     Trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1995, do đất nước vẫn đang bị bao vây cấm vận, ngân sách Nhà nước hết sức khó khăn nên Ngành GTVT tập trung chủ yếu nguồn lực cho công tác duy tu bảo dưỡng để đảm bảo an toàn giao thông và triển khai xây dựng một số công trình thực sự cấp bách.

quoclo5.jpg

Quốc lộ 5 Hà Hội - Hải Phòng

     Trong giai đoạn này, Bộ GTVT đổi tên thành Bộ GTVT và Bưu điện sau khi Tổng cục Bưu điện và Cục Hàng không dân dụng sáp nhập vào Bộ GTVT. Một số nhiệm vụ chính của Bộ GTVT và Bưu điện trong giai đoạn này là: (1) Về vận tải: Tập trung chỉ đạo các ngành vận tải kiên quyết thực hiện mục tiêu vận tải đối với các mặt hàng quan trọng trong nền kinh tế như than, phân bón, hàng xuất nhập khẩu; đồng thời phục vụ các nhu cầu đời sống xã hội như: lương thực, hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng lên miền núi ... (2) Trong sản xuất công nghiệp tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nghiên cứu, thiết kế và sản xuất những mặt hàng mới như trạm trộn nhựa, lu bánh lốp, lu diezen và tập trung vào hai khâu lớn là sửa chữa tàu biển, phương tiện thiết bị công trình lắp ráp ô tô, sửa chữa đầu máy và đóng toa xe ... (3) Về xây dựng cơ bản: kiên quyết dành vốn và các điều kiện khác cho những công trình trọng điểm và các công trình có khả năng hoàn thành để đưa vào khai thác. Công tác duy tu, quản lý đường bộ, chất lượng công trình được coi trọng. (4) Về thông tin liên lạc: Hoàn thành một số tuyến vi ba từ Hà Nội đi các tỉnh và nhất là công tác thông tin phục vụ hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các kỳ họp Quốc hội.

cauphongchau.jpg

Khánh thành cầu Phong Châu (Vĩnh Phú) ngày 28/7/1995

     Trong 10 năm đầu quá trình đổi mới, ngành đường bộ đã hoàn thành một số tuyến đường, cây cầu có tầm vóc lớn, góp phần phát triển kinh tế xã hội như: cầu Bến Thuỷ, Thái Bình, Yên Bái, Đò Quan, Việt Trì, Tràng Tiền, Phong Châu... ; các quốc lộ như QL1, QL5, QL80, QL24. Nhiều đô thị mới cũng đã mọc lên dọc theo các tuyến đường. Giao thông miền núi, giao thông nông thông trong giai đoạn này cũng bắt đầu khởi sắc. Nhờ sự đầu tư của Nhà nước kết hợp với ngân sách địa phương và sức dân, hàng ngàn con đường liên huyện, liên xã... đã được mở ở nhiều nơi từ Bắc - Trung - Nam, tạo ra mạng lưới giao thông trải rộng trên khắp đất nước

Vo_Van_Kiet.jpg

Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bộ trưởng Bộ GTVT Bùi Danh Lưu 
đến dự lễ thông xe cầu Việt Trì ngày 25/5/1995

     Đối với đường sắt, những kỳ tích đặc biệt về tần suất và thời gian chạy tàu cũng được lập nên trong giai đoạn này nhờ việc đầu tư nâng cấp, đóng mới phương tiện và cải thiện trình độ quản lý.

Đặc biệt, ngành Hàng không dân dụng từ năm 1990 đã có sự phát triển cực kỳ nhanh chóng. Từ chỗ chỉ có các máy bay thế hệ cũ của Liên Xô (trước đây) như TU, AN..., đội máy bay của Vietnam Airlines lần đầu tiên đã mạnh dạn thuê 10 chiếc máy bay Airbus A320 và mua các máy bay như ATR72, Fokker70 để đưa vào khai thác. Đây là những loại máy bay rất hiện đại lúc bấy giờ, làm thay đổi hẳn bộ mặt của hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Cùng với việc đổi mới máy bay, các điểm đến của hàng không Việt Nam trong giai đoạn này cũng phát triển hết sức ấn tượng, cả trong nước và quốc tế. Thị trường hàng không Việt Nam trở nên sôi động và có tốc độ phát triển rất nhanh, có năm lên tới trên 40%.

Cau_My_Thuan.jpg

Cầu Mỹ Thuận - cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á

     Các lĩnh vực quan trọng khác của Ngành GTVT như vận tải biển quốc tế, nội địa cũng được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để mở rộng các cảng; đóng mới và sửa chữa các tàu vận tải lớn. Hệ thống các doanh nghiệp thuộc Bộ có vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất công nghiệp GTVT với việc hàng năm tạo ra hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận, không chỉ đóng góp và ngân sách Nhà nước mà còn góp phần vào tái đầu tư, mở rộng hoạt động của ngành trong chế tạo, lắp ráp, xây dựng công nghiệp GTVT.

deoNgang.jpg

Hầm đèo Ngang do Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT
tư vấn khảo sát và giám sát xây dựng.

   Về mặt tổ chức, năm 1992, ngành Bưu điện và ngành Hàng không tách ra khỏi Bộ GTVT. Tuy nhiên, đến năm 2003, Cục Hàng không dân dụng trở lại trực thuộc Bộ GTVT.

     Theo Nghị định 34/2003/NĐ - CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ thì hiện nay tổ chức Bộ GTVT gồm có các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ ; các Cục: Đường bộ, Đường sắt, Đường sông, Hàng hải, Hàng không, Đăng kiểm, Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông (nay là Cục Quản lý chất lượng và xây dựng công trình giao thông). Ngoài ra là một số đơn vị sự nghiệp (Viện, trường, báo, tạp chí, Sở Y tế...) và các doanh nghiệp.

cau_re_phap_van.jpg

Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

     Từ năm 1996 trở lại đây, trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, nhiều công trình giao thông đã được triển khai. Trong 10 năm (từ 1996 đến 2005) Ngành GTVT đã tiến hành cải tạo nâng cấp và làm mới hơn 16.000 km đường bộ; 1.400 km đường sắt; hơn 130.000 md cầu đường bộ; 11.000 m dài cầu đường sắt. Nâng cấp và xây dựng mới 5.400 m dài bến cảng; nạo vét 4,8 triệu m3 luồng lạch.

     Về đường bộ, Ngành GTVT đã hoàn thành cơ bản việc nâng cấp toàn tuyến trục dọc "xương sống" của đất nước là Quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cần Thơ, trong đó nổi lên 02 công trình qui mô và hiện đại là Hầm đường bộ đèo Hải Vân và cầu Mỹ Thuận. Cùng với trục dọc này, một trục dọc thứ hai cũng đã hình thành. Đó là đường Hồ Chí Minh đã hoàn tất giai đoạn 1 (Đoạn từ Hoà Lạc đến Ngọc Hồi). Đường Hồ Chí Minh sẽ nối kết hơn 100 tuyến đường ngang trong đó có các trục hành lang Đông - Tây, nối liền với QL 1A ở phía Đông, gắn với hệ thống cảng biển nước sâu dọc bờ biển miền Trung, hệ thống các sân bay trên cao nguyên... hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh từ Bắc vào Nam và liên thông với các nước láng giềng.

     Ngoài 02 trục dọc trên, Ngành GTVT đã hoàn thành các tuyến quốc lộ chính yếu nối đến các cảng biển và cửa khẩu quốc tế như QL5, QL18, QL10, QL22, QL51, QL14B... Đồng thời, đã và đang nâng cấp các tuyến quốc lộ hướng tâm và vành đai phía Bắc, phía Nam; các tuyến quốc lộ ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên các tuyến đường mới, hàng loạt các cầu đã được xây dựng như: cầu Kiền, cầu Tô Châu, Tạ Khoa, Bến Lức, cầu Tuần và tuyến tránh thành phố Huế, cầu Tân An và tuyến tránh Tân An, cầu Yên Lệnh; cầu Tuyên Nhơn (tuyến N2); các cầu thuộc dự án cầu QL1: Đà Rằng, Diêu Trì, Tam Giang; Sông Vệ, Câu Lâu, Trà Khúc, Cây Bứa, Bồng Sơn và Bàn Thạch; cầu Sông Rộ (dự án Đường HCM về quê Bác); cầu Gò Chai (dự án Đường xuyên Á) cầu Hoà Mạc, cầu Kênh Tiêu, cầu Hà Nha, cầu Giát (QL38)... Đặc biệt, hiện nay công trình cầu Cần Thơ đã được khánh thành và đưa vào sử dụng, đánh dấu sự hoàn tất các cầu trên Quốc lộ 1 - huyết mạch giao thông của đất nước.

doimoi.jpg

Các thợ lái đầu máy "Đổi mới" thực hiện kỷ cương 
an toàn chạy tàu để phục vụ vận tải Tết Quý Mùi 2003

     Bên cạnh các dự án sử dụng vốn NSNN và tài trợ quốc tế, trong giai đoạn vừa qua đã nổi lên một số dự án BOT lần đầu tiên đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như BOT Đèo Ngang; BOT An Sương - An Lạc. Đây là tín hiệu rất đáng mừng về khả năng huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội cho sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

     Về đường sắt, Ngành GTVT đã từng bước nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, nâng cao an toàn và rút ngắn đáng kể thời gian chạy tàu. Các cầu và ga trên đường sắt Thống Nhất đã được cải tạo và nâng cấp.

     Về đường sông, đã hoàn thành nâng cấp 2 tuyến đường thuỷ phía Nam (TP HCM - Cà Mau, TP HCM - Kiên Lương); đồng thời từng bước nâng cấp các tuyến sông chính yếu khác.

     Về hàng hải, Ngành GTVT trong giai đoạn vừa qua đã hoàn thành nâng cấp giai đoạn 1 các cảng biển tổng hợp quốc gia chủ yếu như: Cảng Cái Lân, Cảng Hải Phòng, Cảng Cửa Lò, Cảng Vũng Áng, Cảng Tiên Sa, Cảng Quy Nhơn, Cảng Nha Trang, Cảng Sài Gòn, Cảng Cần Thơ và hoàn thành nâng cấp một số cảng địa phương cần thiết đáp ứng lượng hàng hoá thông qua.

Tau_Tay_Son.jpg

Tàu Tây Sơn

     Về hàng không, tất cả các cảng hàng không trên khắp cả nước đều được nâng cấp một bước, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại bằng máy bay đang ngày càng gia tăng. Một số công trình quan trọng có thể kể ra như: Nhà ga T1 và đường cất hạ cánh 1B Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đường cất hạ cánh 25L tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; nhà ga, sân đỗ, đường hạ cất cánh sân bay Vinh, nhà ga sân bay Phú Quốc ; nhà ga hành khách Cảng hàng không Phù Cát (Bình Định), hoàn thành nâng cấp Cảng hàng không Vinh, đưa vào sử dụng Cảng hàng không Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu); khánh thành nhà ga hành khách và đài kiểm soát không lưu Cảng hàng không Điện Biên Phủ; Cảng hàng không Chu Lai...

     Đối với hệ thống giao thông địa phương, đến nay hệ thống đường tỉnh đã được mở mang, nâng cấp một bước, tạo được sự kết nối tốt hơn với hệ thống quốc lộ. Giao thông nông thôn phát triển mạnh đã làm giảm số xã chưa có đường đến trung tâm từ 663 xã năm 1997 xuống còn 219 xã năm 2004. Tuy nhiên đến nay, do có sự chia tách xã và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn do không được quản lý, bảo trì và thiên tai phá hoại bị hư hỏng, xuống cấp nên số lượng xã chưa có đường về trung tâm tăng lên gần 400 xã.

Tay_SOn_Nhat.jpg

Cảng Hàng không quốc tế Tây Sơn Nhất - 2004

 

     Trong lĩnh vực vận tải, các dịch vụ vận tải đã và đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Chưa bao giờ người dân lại đi lại dễ dàng và thuận tiện như hiện nay nay với nhiều tuyến vận tải đường bộ đi khắp nơi, tới mọi "hang cùng, ngõ hẻm" với nhiều loại ô tô hiện đại, phục vụ nhiều tiện nghi như điều hoà, tivi... Tàu hoả Bắc - Nam ngày càng nhiều chuyến hơn. Hàng không Việt Nam ngày một có thêm nhiều máy bay đời mới, hiện đại như Boeing B767, B777, Airbus A321... đưa vào khai thác nhiều tuyến bay mới cả trong nước và quốc tế. Các đội tàu biển, tàu sông của Việt Nam cũng vươn tới nhiều điểm đến trên toàn thế giới.

 

     Theo số liệu thống kê thì trong vòng 10 năm qua, hoạt động vận tải bình quân tăng 8,6%/năm về tấn hàng hoá; 9,9% về T.Km; 8% về hành khách và 9,6% về HK.Km cao hơn chỉ tiêu Đại hội IX đặt ra là 9 - 10% T.Km và 5 - 6% HK.Km. Tốc độ tăng trưởng nói trên có thể nói là khá cao so với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế chung 7,5% mà Đảng và Chính phủ đề ra. Điều này cũng có nghĩa là Ngành GTVT đã và đang đóng góp rất tích cực vào tốc độ tăng trưởng của kinh tế đất nước; giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.

 

     Chất lượng các dịch vụ vận tải cũng ngày càng được nâng cao với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Vận tải container có bước phát triển mạnh; vận tải đa phương thức đang từng bước được hình thành. Vận tải hành khách công cộng tại các thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM phát triển mạnh, được xã hội chấp nhận, góp phần quan trọng làm giảm ùn tắc giao thông đô thị.

Ngoài việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, Ngành GTVT còn có những bước tiến rất nhanh trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, đặc biệt là ngành đóng tàu, sản xuất ô tô. Nhiều sản phẩm của các đơn vị công nghiệp trong Ngành GTVT đã nhận được sự tín nhiệm của khách hàng cả trong nước và quốc tế. Thời gian qua, một số sản phẩm xe buýt của VINAMOTOR, tàu thuỷ của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã xuất khẩu được ra nước ngoài, đánh dấu một bước phát triển quan trọng và có ý nghĩa của ngành công nghiệp cơ khí GTVT.

 

     Về công tác an toàn giao thông, trong những năm gần đây, Ngành GTVT đã thực thi một cách mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ nhiều chính sách nhằm góp phần cùng toàn xã hội thực hiện mục tiêu "3 giảm" về TNGT mà Quốc hội và Chính phủ đề ra. Đó là giảm về số vụ tai nạn, giảm số người chết và giảm số người bị thương. Để làm được điều này, Ngành GTVT đã tập trung cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, xoá bỏ các "điểm đen" về TNGT; kiểm soát chặt chẽ phương tiện, từng bước loại bỏ các phương tiện cũ nát; tăng cường chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp phép người lái… Theo số liệu thống kê thì liên tục trong 3 năm qua, số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương tính trên 10.000 phương tiện đều giảm. Đây là kết quả rất đáng mừng, thể hiện sự nỗ lực không chỉ của Ngành GTVT mà còn của các địa phương và toàn bộ hệ thống chính trị.

 

     Về công tác quản lý Nhà nước của Bộ GTVT, từ năm 2001 trở lại đây, công tác xây dựng thể chế, văn bản qui phạm pháp luật trong lĩnh vực GTVT đã có bước chuyển biến quan trọng. Hàng loạt bộ luật và văn bản quy phạm pháp luật đã được ra đời. Năm 2001 Quốc hội ban hành Luật Giao thông đường bộ. Năm 2004 là Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. Năm 2005, Quốc hội đã thông qua thêm 02 luật nữa là Luật Đường sắt và Bộ luật Hàng hải (sửa đổi). Cuối năm 2005, Quốc hội đã xem xét và thông qua Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi). Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, Ngành GTVT đã có đủ 05 bộ luật điều chỉnh 05 lĩnh vực giao thông của Ngành: đường bộ, đường sông, đường sắt, hàng hải và hàng không.

 

    Về an toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Việc thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy được toàn dân hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc trên phạm vi toàn quốc và được dư luận quốc tế đánh giá cao. Đây là thành công của việc triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác tuyên truyền giáo dục và kiểm tra, xử lý của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Trong điều kiện số lựợng phương tiện giao thông bùng phát quá nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng giáo thông phát triển chậm, việc kiềm chế và giảm được tốc độ gia tăng tai nạn giao thông các năm gần đây là một thành công đáng khích lệ. Bộ Giao thông vận tải đã và đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong Ngành tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động của thanh tra chuyên ngành, đồng thời phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối kết hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa các ban, ngành và đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, của người tham gia giao thông về văn hóa giao thông, ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông. Nhờ đó, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả ba tiêu chí; an ninh hàng không cơ bản được bảo đảm.


     Từ năm 2006 đến nay, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Ban Cán sự và Đảng ủy cơ quan Bộ đã tập trung nhiều biện pháp để xây dựng Đảng, hoàn thiện bộ máy điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước. Đặc biệt Đảng bộ đã có nhiều biện pháp cụ thể thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ban Cán sự Đảng bộ đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo để chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động; đã triển khai nghiêm túc và có hiệu quả tại các cơ sở đảng các cấp, Ban Cán sự cũng đã ban hành chương trình và kế hoạch cụ thể thực hiện Cuộc vận động cho từng năm. Qua 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đã góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực của ngành Giao thông vận tải.
Trong thời kỳ đất nước hội nhập ngày càng sâu và rộng với nền kinh tế thế giới, công tác đối ngoại giao thông vận tải cũng được tăng cường, đạt nhiều thành tựu. Ngành đã tích cực triển khai trên diện rộng các hoạt động đối ngoại cả song phương lẫn đa phương trong các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường sắt, đường sông và đường bộ. Quan hệ song phương với các nước láng giềng Lào, Campuchia, Trung Quốc đã được đẩy mạnh. Giao thông vận tải Việt Nam đã đạt được thoả thuận với các nước láng giềng về hầu hết các vấn đề kết nối giao thông vận tải, tạo thuận lợi cho vận tải giữa các nước, đề xuất phối hợp với các Bộ, ngành những biện pháp phù hợp đảm bảo an ninh biên giới lãnh thổ, tạo tiền đề xây dựng vành đai biên giới hoà bình, hợp tác và cùng phát triển với các nước xung quanh, góp phần củng cố môi trường hoà bình, ổn định, tăng cường sự tin cậy với các nước láng giềng.


     Ngành cũng đã quan tâm thúc đẩy quan hệ với các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các nước trong Liên minh châu Âu... thông qua việc hợp tác triển khai các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong nước, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải. Trong mối quan hệ với các tổ chức quốc tế và các diễn đàn đa phương như UNESCAP, ICAO, IMO, IRF và các tổ chức tài chính như WB, ADB, JBIC, Bộ Giao thông vận tải đã đẩy mạnh hợp tác và cùng với các cơ quan hữu quan triển khai một số hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực cũng như xúc tiến và thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng giao thông vận tải bằng nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính này.
Những năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã được Chính phủ giao chủ trì đàm phán và đã ký kết được một số hiệp định, nghị định thư về vận tải biển, vận tải đường bộ, hàng không như giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, giữa Chính phủ Việt Nam và các nước láng giềng khác. Song song với công tác đàm phán ký hiệp định, Bộ Giao thông vận tải đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện các cam kết về mở cửa dịch vụ giao thông vận tải cũng như triển khai các Hiệp định song phương và đa phương về tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hoá qua lại biên giới như Hiệp định GMS về Tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hoá giữa 6 nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng và Hiệp định ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng quá cảnh...


     Công tác đào tạo của các trường trong Ngành cũng đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận: chất lượng đào tạo được đảm bảo và không ngừng nâng cao; cơ sở vật chất của các trường được củng cố và ngày càng hiện đại; ở mọi hệ đào tạo đều xuất hiện những nhân tố mới; nhiều tập thể được Đảng, Nhà nước và Bộ tặng những phần thưởng cao quý. Hệ thống mạng lưới các trường từ dạy nghề đến đại học đã được sắp xếp phù hợp với quy hoạch phát triển về giáo dục và đào tạo của đất nước. Các trường đã tích cực, chủ động thực hiện công tác đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội và của Ngành; sử dụng các giáo cụ mới để thực hiện phương châm: "Học đi đôi với hành"; áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy tiên tiến vào quá trình dạy và học; nâng cao tính thực tiễn trong chương trình đào tạo.


    Y tế giao thông vận tải với hệ thống các bệnh viện, phòng khám và các trung tâm điều dưỡng - phục hồi chức năng - bệnh nghề nghiệp, các trung tâm y tế chuyên ngành; hàng năm Y tế giao thông vận tải thực hiện khám chữa bệnh cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân là cán bộ, công nhân của Ngành và nhân dân trong khu vực, đã và đang trở thành những địa điểm đáng tin cậy của cán bộ, công nhân trong Ngành và nhân dân trong cả nước.


     Công đoàn ngành Giao thông vận tải đã chủ động phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với cơ quan quản lý, động viên cán bộ, công nhân viên lao động toàn Ngành đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Công đoàn Ngành luôn nỗ lực phấn đấu để cải thiện đời sống, giảm bớt khó khăn cho cổng nhân lao động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Ngành và đất nước.


    Công tác báo chí, xuất bản đã làm tốt vai trò là người "chiến sĩ" trên mặt trận tư tưởng - văn hoá của Đảng, hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học - công nghệ chuyên ngành Giao thông vận tải, xây dựng lịch sử, truyền thống của Ngành và phản ánh được đời sống tinh thần và vật chất của cán bộ, công nhân viên ngành Giao thông vận tải.


    Các lĩnh vực công tác khác của Ngành như quản lý hạ tầng giao thông, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí cũng thu được những kết quả đáng ghi nhận.


    Đây là những thành tựu hết sức quan trọng trên nhiều lĩnh vực của ngành Giao thông vận tải, trong thời gian ngắn đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo và tầm vóc hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của đất nước thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.


    Qua 70 năm chiến đấu và xây dựng, hàng triệu người làm giao thông vận tải thuộc các thế hệ đã hiến dâng toàn bộ sức lực, trí tuệ, sự nghiệp và cả tính mạng của mình, tất cả vì mục tiêu bảo tồn và phát triển mạch máu giao thông của Tổ quốc. Đó là những trang sử vàng không bao giờ phai mờ trong ký ức vinh quang và hào hùng của dân tộc.


     Đặc biệt, cùng với đất nước, vì đất nước mà ngành Giao thông vận tải Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Ngành đã xây dựng được một lực lượng rất mạnh các doanh nghiệp xây dựng giao thông cũng như kinh doanh vận tải, nắm giữ và làm chủ nhiều trang thiết bị, kỹ thuật, phương tiện hiện đại và có rất nhiều kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Từ một điểm xuất phát rất thấp, trình độ khoa học - công nghệ của ngành Giao thông vận tải Việt Nam đã phát triển nhanh chóng; tiếp thu và làm chủ được rất nhiều công nghệ mới, hiện đại. Những thiết bị, qui trình này đã được áp dụng vào hầu hết các lĩnh vực của Ngành, từ đường bộ, đường sắt, đường sông đến hàng hải, hàng không. Đây là những vốn quí, nền tảng quan trọng để ngành Giao thông vận tải Việt Nam có thể tiến nhanh, tiếp cận và theo kịp sự phát triển của giao thông vận tải thế giới.


     Qua nhiều thời kỳ phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới, ở tất cả các cơ quan, đơn vị trong ngành Giao thông vận tải Việt Nam đều đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, xây dựng được phong cách tư duy năng động, sáng tạo. Đây cũng là những nền tảng quan trọng cho sự phát triển vì chủ trương đúng, lực lượng hùng hậu nhưng cần có cả những cách làm hay, sự tìm tòi và sáng tạo, thì mới phát huy hết được sức mạnh của toàn Ngành.