A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị tổng kết 02 năm thực hiện Quy chế số 5425/QC-LN giữa Tổng cục ĐBVN và Tổng cục Cảnh sát.

Sáng nay (16/11), tại Trụ sở cơ quan, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá tình hình 02 năm triển khai Quy chế số 5425/QC-LN về phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạn tầng giao thông đường bộ giữa Tổng cục ĐBVN và Tổng cục Cảnh sát. Đồng trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế 5425/QC-LN là bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Thiếu tướng Phạm Như Cát - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam PhanThị Thu Hiền phát biểu chủ trì Hội nghị.

 

 

Thiếu tướng Phạm Như Cát, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phát biểu tại Hội nghị.

 

 

 

Trình bày Báo cáo Kết quả 02 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp 5425/QC-LN về bảo đảm trật tự ATGT và bảo vệ KCHTGTĐB giữa Tổng cục ĐBVN và Tổng cục Cảnh sát, Ông Hoàng Thế Lực – Phó trưởng Ban thường trực, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Tổng cục ĐBVN nhấn mạnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát đã thường xuyên phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và bảo vệ KCHTGTĐB theo nội dung Quy chế số 5425/QC-LN, góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ KCHTGTĐB và bảo đảm TTATGT trên phạm vi cả nước.

 

Ông Hoàng Thế Lực - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Tổng cục ĐBVN, Phó Trưởng Ban thường trực trình bày Báo cáo tại Hội nghị

 

 

Báo cáo nêu rõ về đặc điểm tình hình giao thông vận tải đường bộ hiện nay: hệ thống đường bộ nước ta hiện đến nay có tổng chiều dài 574.676 km bao gồm 24.098 km quốc lộ do Trung ương quản lý và 550.578 km là hệ thống đường địa phương (27.910 km đường đô thị, 27.176 km đường tỉnh, 57.294 km đường huyện, 173.294 km đường xã, 256.377 km đường thôn, xóm, đường trục nội đồng và 8.528km đường chuyên dùng). Phương tiện tham gia giao thông không ngừng gia tăng về số lượng và chủng loại trong khi hạ tầng giao thông chưa kịp thời đáp ứng. Nhiều xe tải, cơi nới thành thùng chở hàng quá tải trọng thiết kế và tải trọng cầu đường đã gây ảnh hưởng lớn đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (KCHTGTĐB), trật tự an toàn giao thông (TTATGT)  và là nguyên nhân lớn làm tăng tai nạn giao thông (TNGT).

 

Số lượng đơn vị kinh doanh vận tải lớn (55.855 đơn vị/673.130 phương tiện). Tuy nhiên, phần lớn là các đơn vị kinh doanh có quy mô nhỏ (theo khảo sát 60% các đơn vị vận tải tuyến cố định và trên 70% các đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch có dưới 10 xe). Các đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc nâng cao trình độ, ứng dụng khoa học – công nghệ trong công tác quản lý vận tải, dẫn đến công tác đảm bảo ATGT và việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải chưa được trú trọng đúng mức.

 

Tốc độ đô thị hóa cao, ý thức của người dân còn hạn chế và nhu cầu cuộc sống dẫn tới việc người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường và hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) để xây nhà, dựng lều quán, tập kết nguyên vật liệu tổ chức sản xuất kinh doanh gây cản trở giao thông, ùn tắc giao thông và mất ATGT.

 

Các nhà thầu thi công nâng cấp, cải tạo các tuyến đường chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo ATGT theo quy định đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc khai thác giao thông, gây ùn tắc giao thông và tiềm ẩn TNGT.

Tình hình thiên tai lũ, lụt ở các tỉnh Miền Núi và triều cường ở các tỉnh Miền Nam đã gây thiệt hại lớn về KCHTGTĐB, nhiều tuyến đường đã bị sạt lở, ngập úng, giao thông bị đình trệ và xảy ra nhiều vụ tai bạn thương tâm.

 

Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các ngành, các cấp tình hình TTATGT trên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được duy trì ổn định, TNGT giảm giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Cụ thể, năm 2016 (tính từ 16-12-2015 đến 15-12-2016), cả nước xảy ra 21.589 vụ TNGT, làm chết 8.685 người, làm bị thương 19.280 người. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 1.261 vụ ( giảm 5,52%), giảm 43 người chết (giảm 0,49%), giảm 1.792 người bị thương (giảm 8,5%). Qua phân tích cho thấy, đa phần các vụ TNGT xảy ra là do ý thức của người tham gia giao thông (chiếm 71,6%). Trong các vụ TNGT, 66,7% là do mô tô, xe máy; ô tô chiếm 27,07%.

Năm 2017 (09 tháng đầu năm), cả nước xảy ra 14.362 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.125 người, bị thương 11.786 người. So với 9 tháng đầu năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ TNGT giảm 1.049 vụ (giảm 6,81%), số người chết giảm 315 người (giảm 4,89%), số người bị thương giảm 1.687 người (giảm 12,52%).

 

Thiếu tướng Vũ Xuân Dụng - Cục trưởng Cục C64, TCCS  phát biểu tại Hội nghị.

 

 

Báo cáo cũng nêu rõ kết quả phối hợp thực hiện Quy chế 5425/QC-LN về các mặt công tác như: Công tác chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra; Công tác triển khai của Ban chỉ đạo Quy chế 5425 địa phương; Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ; Công tác quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện.

 

 

Những ưu điểm nổi bật được Ban chỉ đạo Quy chế 5425 đánh giá sau 02 năm phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và bảo vệ KCHTGTĐB:

 

Việc ban hành, triển khai thực hiện Quy chế phối hợp 5425/QC-LN do Tổng cục ĐBVN và Tổng cục Cảnh sát đã đáp ứng đòi hỏi thực tiễn khách quan, có sự hỗ trợ, phối hợp để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ, góp phần không nhỏ trong công tác đảm bảo TTATGT, TTCC và giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, là cơ sở, nền tảng để lực lượng hai ngành GTVT và Công an các địa phương xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Ban chỉ đạo cấp Tổng cục đã tích cực, chủ động trong việc tham mưu cho lãnh đạo hai Tổng cục, triển khai thực hiện Quy chế phối hợp.

 

Hai ngành GTVT và Công an từ cấp Tổng cục đến các địa phương đã chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần không nhỏ trong công tác bảo đảm TTATGT, TTCC. Cơ bản các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 5425/QC-LN; Để tăng hiệu lực, có 14/56 địa phương do UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo cấp Sở.

 

Nội dung kế hoạch phối hợp đã tập trung theo chỉ đạo, bám sát nhiệm vụ, mục tiêu chính trị và đặc điểm của từng địa phương.

 

Các địa phương đã quyết liệt trong công tác kiểm soát tải trọng xe: Các trường hợp xe ô tô vi phạm quy định về chở hàng quá tải trọng, tự ý thay đổi kích thước thùng chở hàng được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của các doanh nghiệp vận tải và dư luận xã hội. Đảm bảo ANTT tại các bến xe, trạm KTTTX. Ngăn chặn các xe vòng vo đón trả khách không đúng quy định.

 

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu của Tổng Cục ĐBVN và Tổng cục Cảnh sát đã trình bày phát biểu ý kiến tham luận.

 

Ông Trần Hưng Hà - Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1, Tổng cục ĐBVN phát biểu ý kiến tham luận tại Hội nghị

 

Đại tá Kiều Hữu Tuyển - Phó Giám đốc Công tỉnh Hà Nam phát biểu ý kiến tham luận tại Hội nghị

 

 

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN Phan Thị Thu Hiền đánh giá cao sự phối hợp của Tổng cục Cảnh sát trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạn tầng giao thông đường bộ trên phạm vi cả nước và mong muốn hai Tổng Cục sẽ tiếp tục có kế hoạch phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ KCHTGTĐB và bảo đảm TTATGT.

"Quy chế Phối hợp mặc dù là 2 năm nhưng đã góp phần sâu sắc vào công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ nói chung và đặc biệt hiệu quả trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện." - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

 

Chụp ảnh kỷ niệm.

 

Nguồn: Tổng cục ĐBVN.


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 9
Hôm qua : 48
Tháng 04 : 3.361
Năm 2024 : 17.269