A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý minh bạch hiệu quả đồng tiền của Quỹ Bảo trì đường bộ

Sáng 19/7, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, Quỹ Bảo trì đường đường bộ Trung ương đã tổ chức cuộc họp báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, đại diện Bộ Tài chính, Bộ KHĐT và các thành viên Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.

Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương Lê Hoàng Minh
báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.

 

Theo ông Lê Hoàng Minh - Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, tính đến hết ngày 30/6/2015, các phương tiện xe ô tô nộp phí qua 138 trạm đăng kiểm đã nộp về Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đạt 2.981,934 tỷ đồng/6.100 tỷ đồng kế hoạch được giao (đạt 48,88% và bằng 108,13% so với cùng kỳ năm 2015). Tính bình quân số thu 1 ngày làm việc tại các trạm đăng kiểm trong 6 tháng đầu năm là 23,8 tỷ đồng/ngày. Nhìn chung, việc thu nộp phí sử dụng đường bộ đối với ô tô qua các trạm đăng kiểm hiện nay được thực hiện đúng quy định, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương kiểm soát chặt chẽ được nguồn thu; đảm bảo công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ, không bị thất thoát và không bị sử dụng sai mục đích.

 

Đối với kế hoạch chi, đến hết ngày 30/6/2016 Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đã giao kế hoạch chi nguồn 65% năm 2016 cho các đơn vị Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện với tổng giá trị là 7.145,700 tỷ đồng, đã chuyển kinh phí cho các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ sử dụng vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương là 3.711,024 tỷ đồng. Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cũng đã giao kế hoạch chi nguồn 35% năm 2016 cho các Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương thực hiện với tổng giá trị là 2.476,617 tỷ đồng, đã chuyển kinh phí cho các Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương là 1.175,091 tỷ đồng.

 

Đánh giá về công tác triển khai kế hoạch bảo trì đường bộ, ông Lê Hoành Minh cho rằng với việc bố trí kinh phí dành cho bảo dưỡng thường xuyên rất hạn hẹp (chỉ bằng 50% năm 2013), công tác bảo dưỡng thường xuyên thực sự gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng mục tiêu ngăn chặn sự xuống cấp công trình. Nhìn chung, công tác bảo dưỡng thường xuyên mới được các đơn vị thực hiện cơ bản bảo đảm yêu cầu thiết yếu của công việc để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.

 

Về sửa chữa định kỳ, do nguồn vốn còn hạn hẹp nên trong giai đoạn vừa qua công tác sửa chữa định kỳ mới chỉ lựa chọn các vị trí hư hỏng nặng để ưu tiên sửa chữa (mang tính chất cục bộ, không xử lý triệt để), chưa thực hiện đủ khối lượng công việc sửa chữa định kỳ theo quy định, vì vậy việc bố trí, phân bổ kinh phí Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đòi hỏi các cơ quan, đơn vị có liên quan bám sát yêu cầu thực tế, thực hành tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương.

 

Báo cáo về nhiệm vụ triển khai trong Quý III và 06 tháng cuối năm 2016, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho biết, Quỹ sẽ phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy về Quỹ Bảo trì đường bộ, bảo đảm hoạt động của Quỹ được công khai, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và người dân, cũng như tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT và Bộ Tài chính để rà soát, bổ sung điều chỉnh cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương phù hợp với các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phí và Lệ phí.

 

Bên cạnh đó, Quỹ sẽ có chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và Văn phòng Quỹ thực hiện công tác thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện theo kế hoạch đã được Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương phê duyệt, đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch thu phí bảo trì đường bộ năm 2017; chỉ đạo Tổng cục ĐBVN và Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông - Bộ GTVT sớm trình Bộ GTVT ban hành kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2017 để trình Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương xem xét ban hành Kế hoạch chi Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương năm 2017 ngay trong Quý III/2016. Ngoài ra, Quỹ cũng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và các đợt kiểm tra đột xuất đối với tất cả các đơn vị có liên quan để Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương tiếp tục hoạt động hiệu quả và công khai, minh bạch, thường xuyên kiểm tra và phối hợp với các Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương để giải quyết các vấn đề phát sinh, kịp thời hướng dẫn các địa phương trong công tác điều hành hoạt động Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương nhằm đảm bảo sự hiệu quả và phát huy tác dụng tối đa nguồn đóng góp của người dân.

 

Nhìn nhận về hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng qua ba năm hoạt động, từ nguồn tài chính chi cho bảo trì sửa chữa, hệ thống đường bộ của chúng ta đã tốt hơn rất nhiều. Trước đây, vốn chi cho công tác bảo trì, sửa chữa đường bộ được chi từ ngân sách nhà nước cao nhất cũng chỉ là 5 nghìn tỷ đồng. Từ khi có Quỹ bảo trì đường bộ nguồn vốn này đã tăng lên hơn 2 lần, các tỉnh nhờ đó cũng có nguồn vốn ổn định để duy tu bảo dưỡng đường địa phương. Để hoạt động bảo trì sửa chữa đường bộ được hiệu quả hơn. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường  đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục làm chặt công tác đấu thầu bảo trì, sửa chữa đường bộ đảm bảo chất lượng đường bộ theo suất đầu tư đã được phê duyệt.

 

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu kết luận cuộc họp

 

 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng - Chủ tịch Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương Trương Quang Nghĩa lưu ý trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống đường bộ cần có tính toán để có kế hoạch tài chính dành cho bảo trì, bảo dưỡng các tuyến đường này sau 5 năm, 10 năm sử dụng. Những người xây dựng kế hoạch cần phải đưa ra nhu cầu, cũng như đánh giá được mức độ ưu tiên trong bảo dưỡng sửa chữa hệ thống đường bộ.     

 

Bộ trưởng nhấn mạnh cơ sở cuối cùng để Quỹ Bảo trì đường bộ nhận được sự ủng hộ của các Bộ, ngành là quản lý minh bạch, hiệu quả đồng tiền của Quỹ. 

 

Để hoạt động của Quỹ ngày một hiệu quả, Bộ trưởng đề nghị Văn phòng Quỹ tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, tiếp tục quan tâm làm tốt công tác truyền thông. 

 

"Về công tác giải ngân, phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho công tác duy tu sửa chữa đường bộ, cố gắng không để nợ các doanh nghiệp tham gia bảo dưỡng sửa chữa đường bộ. Việc thanh toán kịp thời cho các doanh nghiệp này cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng công trình", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

 

Đối với nguồn chi cho các địa phương, yêu cầu Quỹ cũng cần cân đối sớm để có kế hoạch chuyển giao cho các địa phương. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu Văn phòng Quỹ phối hợp với Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông sớm hoàn thành việc xây dựng kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2017 và cần đánh giá một cách tổng thể có sắp xếp thứ tự ưu tiên và sớm hoàn thành để chuyển cho Bộ Tài chính cân đối và có kế hoạch bố trí vốn. 

 

Nguồn: mt.gov.vn


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 17
Hôm nay : 0
Hôm qua : 101
Tháng 04 : 3.257
Năm 2024 : 17.165