A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác bàn giao công trình đưa vào khai thác sử dụng

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông vận tải nhận ủy thác quản lý quốc lộ, các Cục và Ban Quản lý dự án thuộc Tổng cục nghiên cứu thực hiện các nội dung về công tác nghiệm thu công trình xây dựng và bàn giao công trình đưa vào khai thác sử dụng theo quy định tại Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ quy định về Quản lý chất lượng và Bảo trì công trình xây dựng.

 

               Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên. Ảnh: Vụ QLBTĐB

 

Thời gian gần đây một số Sở GTVT, Ban QLDA và các Cục thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam phản ánh lúng túng trong việc nhận bàn giao công trình sau khi xây dựng xong đưa vào khai thác sử dụng. Để bảo đảm quy định của pháp luật và chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục ĐBVN đề nghị các Sở, Cục, Ban nghiên cứu thực hiện các nội dung sau:

1. Nghiệm thu công trình xây dựng

Nghiệm thu công trình xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 123 "Nghiệm thu công trình xây dựng" của Luật Xây dựng năm 2014 và Điều 31 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ quy định về Quản lý chất lượng và Bảo trì công trình xây dựng. Trong đó có các quy định :

1.1 – Quy định về các công tác nghiệm thu, giai đoạn nghiệm thu:

Khoản 1 Điều 123 Luật Xây dựng năm 2014 quy định việc nghiệm thu công trình xây dựng (CTXD) gồm nghiệm thu công việc xây dựng (XD) trong quá trình thi công, nghiệm thu các giai đoạn chuyển bước thi công, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, hoàn thành CTXD để đưa vào khai thác sử dụng.

1.2- Quy định điều kiện để đưa công trình vào khai thác sử dụng như sau:

a) Khoản 2 Điều 123 Luật Xây dựng năm 2014 quy định "Hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, quy định về quản lý sử dụng vật liệu xây dựng và được nghiệm thu theo quy định của Luật này".

b) Khoản 4 Điều 31 và Điều 32 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP quy định điều kiện để đưa công trình, hạng mục công trình vào sử dụng gồm:

- Công trình, hạng mục công trình đã được nghiệm thu theo quy định;

- Các công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định, công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách, công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường phải được Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.

1.3- Quy định trách nhiệm tổ chức nghiệm thu CTXD và trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của tổ chức, cá nhân được quy định như sau:

 Khoản 3 Điều 123 Luật Xây dựng năm 2014 quy định "Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng; tổ chức, cá nhân tham gia nghiệm thu chịu trách nhiệm về sản phẩm do mình xác nhận khi nghiệm thu công trình xây dựng". Điều 31, Điều 32 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP có các quy định liên quan đến trách nhiệm nghiệm thu, điều kiện nghiệm thu.

Các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 4 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP quy định các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng gồm các nhà thầu (thiết kế, thi công, cung cấp thiết bị lắp đặt vào công trình, tư vấn giám sát, tư vấn QLDA nếu có và nhà thầu khác), chủ đầu tư (gồm cả Ban QLDA của chủ đầu tư), Cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu chịu trách nhiệm về chất lượng các công việc do mình thực hiện.

1.4- Thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu được quy định tại Khoản 2 Điều 32 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, trong đó đối với công trình giao thông đường bộ sẽ thực hiện như sau:

- Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

- Cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ GTVT kiểm tra các loại công trình giao thông đường bộ không phân biệt nguồn vốn đầu tư thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ GTVT đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt, công trình do Thủ tướng Chính phủ giao, công trình theo tuyến đi qua 2 tỉnh trở lên, công trình giao thông do các Bộ quyết định đầu tư, công trình giao thông do Tập đoàn kinh tế nhà nước quyết định đầu tư hoặc làm chủ đầu tư, trừ công trình do Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra;

- Sở GTVT kiểm tra công tác nghiệm thu các loại công trình giao thông xây dựng trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của Sở, trừ các trường hợp được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và Cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT thực hiện.

Khoản 3, Khoản 4 Điều 32 của Nghị định còn có các quy định về nội dung, trình tự kiểm tra; quy định quyền của Cơ quan có thẩm quyền trong việc yêu cầu chủ đầu tư và các bên có liên quan giải trình, khắc phục các tồn tại (nếu có) và thực hiện thí nghiệm đối chứng, thử tải, kiểm định chất lượng, bộ phận, hạng mục toàn bộ công trình.

2. Bàn giao công trình xây dựng

2.1 – Quy định về bàn giao công trình xây dựng tại Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định 46/2015/NĐ-CP

a) Luật Xây dựng năm 2014 quy định tại Điều 124 - Bàn giao công trình xây dựng như sau:

"1 Việc bàn giao công trình phải tuân thủ các quy định sau:

a) Đã được nghiệm thu công trình theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng;

b) Bảo đảm an toàn trong vận hành, khai thác khi đưa công trình vào sử dụng.

2. Chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp nhận công trình theo đúng hợp đồng đã ký với nhà thầu. Người tham gia bàn giao công trình phải chịu trách nhiệm về sản phẩm do mình xác nhận trong quá trình bàn giao công trình xây dựng. Trường hợp chủ đầu tư không đồng thời là người quản lý sử dụng công trình thì chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao công trình xây dựng cho chủ quản lý sử dụng công trình (hoặc người quản lý sử dụng công trình) sau khi đã tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng. Việc bàn giao công trình phải được lập thành biên bản.

3. Khi bàn giao công trình xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng phải bàn giao cho chủ đầu tư các tài liệu gồm bản vẽ hoàn công, quy trình hướng dẫn vận hành, quy trình bảo trì công trình, danh mục các thiết bị, phụ tùng, vật tư dự trữ thay thế và các tài liệu cần thiết khác có liên quan.

4. Trường hợp chưa bàn giao được công trình cho chủ quản lý sử dụng thì chủ đầu tư có trách nhiệm tạm thời quản lý, vận hành công trình xây dựng.".

b) Nghị định số 46/2015/NĐ-CP quy định tại Điều 34 – Bàn giao hạng mục công trình, công trình xây dựng như sau:

" 1. Việc bàn giao hạng mục công trình, công trình xây dựng được thực hiện theo Điều 124 Luật Xây dựng.

2. Tùy theo điều kiện cụ thể của công trình, từng phần công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành và được nghiệm thu theo quy định có thể được bàn giao đưa vào khai thác theo yêu cầu của chủ đầu tư hoặc đơn vị khai thác sử dụng.

3. Trường hợp áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án, nhà đầu tư phải xem xét việc đáp ứng các điều kiện chuyển giao theo quy định tại hợp đồng dự án và các quy định của văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.".

2.2- Chủ quản lý sử dụng công trình đường bộ: Theo Quyết định số 60/2013/QĐ-TTg ngày 21/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục ĐBVN, Tổng cục ĐBVN được giao là cơ quan quản lý, khai thác và bảo trì đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên hệ thống quốc lộ, đường cao tốc và đường khác của Bộ GTVT.

Các Cục QLĐB, Cục QL đường bộ cao tốc, các Sở GTVT nhận ủy thác quản lý quốc lộ và các đơn vị tham mưu của Tổng cục ĐBVN có trách nhiệm thực hiện các công việc do Tổng cục giao trong việc tiếp nhận bàn giao công trình theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và các quy định khác do các cơ quan Nhà nước ban hành.

Trong trường hợp cần thiết, Tổng cục ĐBVN ủy quyền, giao nhiệm vụ cho các Cục trực thuộc Tổng cục hoặc Sở GTVT nhận ủy thác quản lý quốc lộ thực hiện một phần hoặc toàn bộ quyền, trách nhiệm của chủ quản lý sử dụng công trình đường bộ.

2.3- Việc bàn giao công trình đường bộ phải lập thành biên bản bàn giao theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 124 Luật Xây dựng năm 2014 giữa chủ đầu tư (hoặc Ban QLDA như đã nêu) với cơ quan là chủ quản lý sử dụng hoặc cơ quan, đơn vị được ủy quyền.

2.4- Khi chủ đầu tư, Ban QLDA (đối với trường hợp Bộ GTVT hoặc Tổng cục làm chủ đầu tư) đề nghị bàn giao công trình thì các Cục QLĐB, Cục QLĐB cao tốc, Sở GTVT thực hiện các nội dung sau :

a) Kiểm tra hiện trường để phục vụ cho việc quản lý, bảo vệ KCHT giao thông, vận hành khai thác an toàn, hiệu quả công trình sau khi đã nhận bàn giao. Việc kiểm tra hiện trường được thực hiện đối với các hạng mục công trình xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, mốc cao độ, tọa độ, cọc mốc GPMB, mốc lộ giới hành lang ATĐB, hệ thống quan trắc và các hạng mục khác;

b) Kiểm tra hồ sơ tài liệu mà chủ đầu tư, Ban QLDA phải bàn giao cho cơ quan quản lý theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT ngày 12/12/2013 của Bộ GTVT quy định về quản lý, bảo trì công trình đường bộ;

c) Kiểm tra tình trạng của thiết bị, phụ tùng, vật tư dự trữ thay thế (nếu có) và các tài liệu cần thiết khác có liên quan.

2.5- Trường hợp công trình xây dựng đã được Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và đã có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu theo quy định tại Khoản 4 Điều 31 và Điều 32 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và Chủ đầu tư đã nghiệm thu, nhưng qua kiểm tra phát hiện có tồn tại về chất lượng, tồn tại về tổ chức giao thông, an toàn giao thông, cọc mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới đường bộ, tồn tại về hồ sơ bàn giao và tồn tại khác thì Cục QLĐB, Cục QLĐB cao tốc, Sở GTVT có văn bản đề nghị Chủ đầu tư, Ban QLDA khắc phục, đồng thời báo cáo Tổng cục ĐBVN.

Trường hợp Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận nghiệm thu, đã tổ chức nghiệm thu, hoặc có văn bản yêu cầu tiếp nhận công trình thì các cơ quan, đơn vị nêu trong văn bản có trách nhiệm chấp hành văn bản của Bộ GTVT. Trong quá trình tiếp nhận phát hiện tồn tại, nhất là các tồn tại liên quan đến ATGT thì các Cục, Sở GTVT có  thông báo cho các Ban QLDA để khắc phục, đồng thời báo cáo Tổng cục ĐBVN để Tổng cục báo cáo Bộ GTVT.

2.6- Sau khi tiếp nhận bàn giao, các Cục QLĐB, Cục QLĐB cao tốc, Sở GTVT phải thực hiện các nội dung sau:

- Tổ chức quản lý, bảo vệ, vận hành khai thác và bảo trì đảm bảo an toàn, thông suốt và hiệu quả công trình;

- Tổ chức lập hồ sơ quản lý cầu, đường;

- Lập hồ sơ tài sản hạ tầng đường bộ;

- Cập nhật thông tin trên hệ thống quản lý cầu (VBMS), hệ thống quản lý đường bộ sau khi các hệ thống quản lý dữ liệu mặt đường PMS (JICA tài trợ) và hệ thống thông tin quốc lộ của dự án VRAMP đưa vào khai thác;

- Cập nhật thông tin về khổ giới hạn, tải trọng, theo quy định; báo cáo thông kê hệ thống đường bộ và các nhiệm vụ khác.

2.7- Trong thời gian bảo hành công trình, khi phát hiện hư hỏng, khiếm khuyết của công trình, Cục QLĐB, Cục QLĐB cao tốc, Sở GTVT nhận ủy thác quản lý quốc lộ có trách nhiệm thông báo Chủ đầu tư, Ban QLDA (đối với trường hợp Bộ GTVT làm chủ đầu tư) để yêu cầu nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp thiết bị thực hiện bảo hành theo quy định. Đồng thời báo cáo Tổng cục ĐBVN.

2.8- Việc nghiệm thu công trình xây dựng, bàn giao công trình đưa vào khai thác sử dụng của các Dự án sửa chữa đường bộ sử dụng vốn của Quỹ bảo trì đường bộ trung ương do Tổng cục ĐBVN quản lý phải thực hiện đúng quy định nêu trong văn bản này. Trong đó có các trường hợp: Tổng cục ĐBVN làm chủ đầu tư, Ban QLDA khi nghiệm thu bàn giao cho cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ là Sở GTVT hoặc Cục QLĐB; Sở GTVT làm chủ đầu tư đồng thời là người quản lý sử dụng công trình hoặc Sở GTVT bàn giao công trình cho cơ quan quản lý đường là Cục QLĐB. 

Các cơ quan, đơn vị liên quan trong khi thực hiện có vướng mắc phản ánh về Tổng cục ĐBVN để xem xét, giải quyết .

 

Nguồn: Tổng cục ĐBVN


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 54
Hôm qua : 133
Tháng 04 : 2.924
Năm 2024 : 16.832