A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển hạ tầng, hệ thống thông tin và ứng dụng KHCN trong logistics

Toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới làm giao thương giữa các quốc gia, các khu vực phát triển mạnh mẽ, tất yếu sẽ kéo theo những nhu cầu mới về vận tải, kho bãi, các dịch vụ phụ trợ…, dẫn đến bước phát triển của logistics toàn cầu.

Hệ thống cơ sở hạ tầng logistics bao gồm cơ sở hạ tầng vật lý như hệ thống giao thông, cầu cảng… và cơ sở hạ tầng mềm như nguồn nhân lực, hệ thống chính sách, luật lệ, thủ tục… Để phát triển, quản lý tốt và hiệu quả tất cả hệ thống hạ tầng đó, không thể không quan tâm vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin. Cơ sở hạ tầng mềm kỹ thuật số đóng vai trò rất quan trọng đối với thương mại trong thế kỷ 21 bởi các thông tin về sự di chuyển của hàng hóa hiện nay hết sức quan trọng.

 
Theo dự báo, trong vài thập niên đầu thế kỷ 21, một trong ba xu hướng phát triển chính của logistics toàn cầu là logistics điện tử. Mạng thông tin toàn cầu đã, đang và sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu.

 
Nói một cách cụ thể, hệ thống thông tin logistics giúp các nhà quản trị DN nắm vững thông tin về biến động của nhu cầu, thị trường và nguồn cung ứng, từ đó chủ động lên kế hoạch mua hàng, giao hàng, dự trữ, mua dịch vụ vận tải… một cách hợp lý, vừa thỏa mãn yêu cầu của khách hàng lại vừa có mức chi phí thấp nhất. Ngoài ra, hệ thống thông tin logistics còn góp phần đảm bảo sự linh hoạt trong các hoạt động logistics, xây dựng chương trình logistics hiệu quả, chỉ rõ thời gian, không gian và phương pháp vận hành các chu kỳ hoạt động trong logistics. Hệ thống thông tin phục vụ quản trị dây truyền cung ứng được truyền càng nhanh và chính xác thì các quyết định trong hệ thống logistics càng hiệu quả. Thực tế, tại các nước có ngành logistics phát triển như Singapore, Hong Kong.. việc ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử như hệ thống thông tin quản trị dây chuyền cung ứng toàn cầu, công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến... đang ngày càng được áp dụng rộng rãi trong kinh doanh.
 
Quá trình xâm nhập và khẳng định mình của công nghệ thông tin trong quản trị chuỗi cung ứng có thể được điểm qua bằng những sản phẩm công nghệ nổi tiếng cùng mốc thời gian ra đời của những sản phẩm đó. Ra đời trong giai đoạn sơ khai của CNTT ứng dụng trong DN những năm 90 của thế kỷ XX, phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho phép các DN, tổ chức thống nhất các cơ sở dữ liệu để tạo thành cột sống thông tin, thông qua 2 hệ thống lập kế hoạch là: hệ thống lập kế hoạch cho chuỗi cung ứng (SCP) và hệ thống thực hiện chuỗi cung ứng (SCE), cho phép DN đạt được các mục tiêu về rút ngắn thời gian giao hàng, sản xuất sản phẩm theo hướng thỏa mãn các yêu cầu cá nhân và sự gắn kết ngày càng mạnh mẽ giữa các nhân tố trong chuỗi logistics. Đến những năm đầu của thiên niên kỷ mới, hàng loạt phần mềm đã được ra đời, hỗ trợ đắc lực cho DN trong việc theo sát các dự án tối ưu của mình, đặc biệt là khả năng kết nối nội bộ với các đối tác đầu vào và đầu ra. Các mô hình quản trị truyền thống được thay thế bằng các hình thức tổ chức hoạt động đa kênh, kết nối nhiều DN khác nhau dưới sự quản lý của chính các bên tham gia vào chuỗi cung ứng, thông qua các phần mềm logistics trong 3PL, 4PL.
 
Ngoài ra, CNTT còn được dùng để cải thiện việc giám sát tàu ở cảng, hỗ trợ trong việc xếp dỡ, vận chuyển và lưu trữ hàng hóa., giám sát sự an toàn của vùng biển và giải quyết giấy tờ để tàu có thể ra vào cảng nhanh chóng và dễ dàng...
 
Hạ tầng thông tin và truyền thông Việt Nam tuy đã phát triển, cung cấp dịch vụ cho nhiều ứng dụng dân dụng và xã hội, tuy nhiên còn thiếu nhiều ứng dụng chuyên ngành, nhất là cho logistics.

 
Khó khăn của việc ứng dụng các giải pháp tự động hóa trước hết là vốn đầu tư, khả năng quản lý vận hành, bảo trì sửa chữa - trình độ chuyên môn của nhân viên.

 
Trong lĩnh vực Giao thông vận tải, là lĩnh vực mà thông tin chuyên ngành logistics được quan tâm nhiều nhất, hiện nay, kiến trúc ứng dụng CNTT của Bộ còn chưa được hoàn thiện, tuy đã có định hướng CSDL dùng chung, nhưng chưa được xây dựng; nguồn nhân lực CNTT chưa đồng đều; chưa xác định lộ trình triển khai và cơ chế huy động nguồn vốn phù hợp; bên cạnh đó chưa có kết nối liên thông các lĩnh vực giữa Bộ GTVT với các ngành, địa phương khác và công tác đảm bảo an ninh an toàn cho các hệ thống chưa được coi trọng đúng mức. Thông tin liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ cùng phương thức và giữa các phương thức vận tải chưa được thực hiện. Các ứng dụng tận dụng nguồn lực phương tiện mới bắt đầu gần đây với vận tải hành khách và một vài "sàn giao dịch vận tải" nhưng chưa giải quyết được những vấn đề thực tế phát sinh.

 
Trong lĩnh vực kho bãi, hệ thống phân phối: chưa có một hệ thống kết nối dịch vụ để cộng đồng logistics cũng như người sử dụng dịch vụ khai thác nhằm tối ưu hóa nguồn lực hạ tầng kho bãi, tồn trữ, phân phối. Rất nhiều kho hàng không có hệ thống quản lý dịch vụ kho hàng chuyên nghiệp, dịch vụ gia tăng giá trị, hỗ trợ quản lý điều hành theo mô hình 3PL.

 
Hệ thống thông tin hàng hóa xuất nhập khẩu quản lý bởi Tổng cục Hải quan được duy trì ổn định và đã tiến đến ứng dụng Hải quan điện tử - một cửa Quốc gia. Tuy vậy, nhu cầu kết nối với nhiều bên liên quan hơn và yêu cầu tăng cường các chức năng ứng dụng toàn diện cho hoạt động thương mại, giao nhận vận tải, thanh toán quốc tế như cách mà hệ thống Trade Exchange  của Singapore thực hiện cách đây 19 năm vẫn còn là thách thức lớn với Việt Nam.

 
Hệ thống quản lý giao nhận (FMS), quản lý vận tải (TMS), quản lý kho hàng (WMS), quản lý nguồn lực (ERP) trong nội bộ các công ty chỉ được ứng dụng rời rạc tại các nhà cung cấp dịch vụ, ứng dụng điện toán đám mây cũng còn rất xa lạ với các công ty. Đa số công ty trong nước không đủ điều kiện về hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu dịch vụ của khách hàng quốc tế.

 
Số lượng nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin logistics chuyên nghiệp trong nước là quá ít, quy mô nhỏ, thực tế không có thương hiệu uy tín nào và tổng số hoạt động tích cực hay có giải pháp ứng dụng được là chưa tới 10 đơn vị. Các công ty khởi nghiệp đã có nhưng gặp nhiều khó khăn về vốn và nhân lực. Bản thân các công ty logistics khi tìm kiếm giải pháp ứng dụng cũng gặp nhiều trở ngại do năng lực cung cấp giải pháp và bảo đảm hỗ trợ kỹ thuật chưa chắc chắn.

 

Dường như chưa có đề tài nghiên cứu ứng dụng hay phát triển sản phẩm nào trong lĩnh vực công nghệ thông tin logistics được tài trợ bởi ngân sách nghiên cứu khoa học hay quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIV).

 
Các hệ thống hỗ trợ dịch vụ hàng hóa hàng không như Vận đơn điện tử (e-Airway Bill), Mạng lưới dịch vụ hàng hóa (Cargo Community Network),… chưa được phổ biến. Chưa có một trung tâm tự động hóa xử lý hàng hóa hàng không nào trong khi đó lượng hàng hóa CPN và qua đường hàng không tăng nhanh chóng mặt, tại một công ty dịch vụ trong nước, mức tăng trưởng được khẳng định không dưới 50%/năm.


Những hạn chế này đang làm cho doanh nghiệp trong nước cạnh tranh vất vả với các doanh nghiệp nước ngoài. Có thể nói, ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân làm cho dịch vụ logistics của nhiều doanh nghiệp cung cấp thiếu tin cậy là do trình độ ứng dụng công nghệ thông tin kém.

 
Hiện nay, có nhiều giải pháp đầu tư CNTT hiệu quả với chi phí thấp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nắm bắt cơ hội này để trang bị cho mình. Chẳng hạn, công ty Tân cảng Sài Gòn đã áp dụng hệ thống phần mềm quản lý container tại cảng Cát Lái làm giảm được nhiều thời gian chờ đợi, lấy hàng khỏi cảng, góp phần vào việc giải tỏa tắc nghẽn tại cảng này. Vấn đề còn lại là nhận thức được tầm quan trọng và bức thiết của vấn đề, quyết tâm nâng cao trình độ tiếp cận và sử dụng CNTT trong giới quản lý và nhân viên, đồng thời với việc vạch ra một lộ trình triển khai phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên dành một phần ngân sách để đầu tư vào CNTT nhằm ứng dụng hiệu quả những phần mềm mới cần thiết cho hoạt động. Các công ty logistics có thể hướng đến sự hợp tác với các công ty phần mềm để đặt hàng những ứng dụng chuyên biệt với công ty, qua đó có thể tận dụng tối đa hiệu quả của từng ứng dụng. Đồng thời doanh nghiệp cũng cần đội ngũ nhân lực có chuyên môn CNTT để áp dụng hiệu quả CNTT vào việc kinh doanh. Doanh nghiệp có thể kết hợp với các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực hoặc các trường đại học để đào tạo đội ngũ cán bộ CNTT có kiến thức về logistics; Hoặc có thể sử dụng các khóa đào tạo tại chỗ theo yêu cầu của doanh nghiệp để nhân sự được huấn luyện theo đúng tính chất công việc của mình.

 
Để hỗ trợ, định hướng cho doanh nghiệp, các Bộ ngành, cơ quan địa phương cũng cần xác định trách nhiệm liên quan trong việc nâng cao ứng dụng trình độ công nghệ thông tin trong phát triển ngành logistics. Chính phủ cần có những chính sách thu hút đầu tư gắn liền với tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao các ứng dụng CNTT phù hợp thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp logistics, đặc biệt là các SME. Các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện tuận lợi cho Doanh nghiệp áp dụng CNTT vào dịch vụ logistics, bằng cách có những chính sách phát triển, hỗ trợ tài chính cho việc ứng dụng CNTT trong logistics. Như vậy doanh nghiệp mới có thể thực hiện những dự án lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, công ty vừa và nhỏ cũng có thể áp dụng CNTT vào hoạt động của mình.

Trịnh Minh Hoàn
Bộ Khoa học và Công nghệ

Nguồn: logistics.gov.vn

 


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 136
Hôm qua : 339
Tháng 03 : 2.156
Năm 2024 : 13.504