A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam và Campuchia ký Bản ghi nhớ về việc thực hiện nghiên cứu, xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Phnom Penh

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 24 – 25/4/2017, ngày 25/4/2017 tại thủ đô Phnom Pênh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã có buổi hội đàm chính thức. Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tham gia buổi hội đàm.

Hai Thủ tướng hài lòng ghi nhận những thành tựu tốt đẹp trong quan hệ hợp tác giữa hai nước

 

 

 

Tại Buổi hội đàm, hai Thủ tướng đã hài lòng ghi nhận những thành tựu tốt đẹp trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Trong thời gian tới, hai Bên mong muốn tiếp tục tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, hỗ trợ nhau hội nhập tích cực và sâu rộng trong tình hình mới.

Về giao thông vận tải, hai Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vận tải qua lại hai nước, đặc biệt là kết nối đường bộ mà điển hình là Dự án đường 78 cùng đoạn nối từ đường 78 - QL19 của Việt Nam qua cặp cửa khẩu Lệ Thanh - Yoyadav(được xây dựng bằng vốn ưu đãi của Chính phủ Việt Nam), cầu Long Bình – Chrey Thom (vừa khánh thành ngày 24/4/2017 trước chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc)… Để tăng cường kết nối hai nền kinh tế mạnh mẽ hơn, hai Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành thảo luận để sớm đi đến ký kết Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực GTVT, theo đó nhấn mạnh nội dung gồm (i) kết nối hạ tầng giao thông, (ii) tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải và thương mại qua lại hai nước và (iii) tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho Campuchia trong thời gian tới.

 

 

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng Sun Chanthol ký Bản ghi nhớ về việc thúc đẩy Nghiên cứu và xây dựng các tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài và Phnom Penh – Bà Vẹt

  

 

Kết thúc hội đàm, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng cấp cao Giao thông Công chính Campuchia Sun Chanthol đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính Campuchia về việc thúc đẩy Nghiên cứu và xây dựng các tuyến Đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài và Phnom Penh – Bà Vẹt. Đây là một trong bốn văn kiện quan trọng được ký kết trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ tại Campuchia.

Theo Bản ghi nhớ này, hai Bên thống nhất phối hợp nghiên cứu để đầu tư, xây dựng cao tốc nối Tp Hồ Chí Minh – Thủ đô Phnom Penh, tương ứng với việc mỗi bên sẽ nghiên cứu để đầu tư xây dựng các đoạn cao tốc tương ứng trên lãnh thổ mình gồm cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài trên lãnh thổ Việt Nam dài khoảng 65 km và  cao tốc thủ đô Phnom Penh – Bà Vẹt trên lãnh thổ Campuchia dài khoảng 130 km. Được biết cao tốc phía Campuchia được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đã cơ bản hoàn thành nghiên cứu khả thi. Phía Việt Nam ghi nhận kết quả nghiên cứu của phía Campuchia, ghi nhận hướng tuyến, quy mô và quy hoạch sơ bộ điểm đấu nối. Hai bên phối hợp kết nối hài hoà giữa 2 đoạn tuyến cao tốc về cụ thể điểm nối, mặt cắt ngang phù hợp… đồng thời thống nhất bố trí quy hoạch không gian phù hợp cho khu vực Trạm kiểm soát liên hợp,khu vực kiểm hoá chung (CCA)… Hai bên giao Ban Quản lý dự án an toàn giao thông đại diện cho Bộ GTVT và Cục Cao tốc Campuchia đại diện cho Bộ Giao thông công chính Campuchia làm đầu mối đôn đốc về dự án cao tốc này.

Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài sẽ đi gần song song với Quốc lộ 22 và cách Quốc lộ 22 về phía Bắc khoảng 4 km với tổng chiều dài khoảng 65 km. Tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư theo quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km, tổng mức đầu tư khoảng 650 triệu USD.

Dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài được nghiên cứu và đầu tư sẽ giảm tải cho tuyến Đường bộ xuyên Á (Quốc lộ 22 - là tuyến quốc lộ duy nhất nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, cửa ngõ quốc tế thông thương quốc tế tới các nước trong khu vực ASEAN), giảm thời gian và tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách đến/đi từ TP. Hồ Chí Minh và khu vực lân cận; góp phần hoàn chỉnh mạng đường cao tốc theo qui hoạch, đó là phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đã và đang được được đầu tư xây dựng trong khu vực phía Nam bao gồm: cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương (đã hoàn thành), TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (đang xây dựng); liên kết với các tuyến Quốc lộ 1, 22, 22B, đường Hồ Chí Minh, cùng hệ thống giao thông đường sắt đô thị, đường sắt nhẹ, đường hàng không, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đặc biệt, tuyến dự án sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực kinh tế ASEAN (Bangkok - Phnom Penh - TPHCM).

Nguồn: Bộ GTVT.


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 51
Hôm qua : 55
Tháng 04 : 2.307
Năm 2024 : 16.215