A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng cục Đường bộ Việt Nam:Đưa công nghệ vào quản lý, khai thác, điều hành

Trước cuộc cách mạng 4.0, Tổng cục ĐBVN đã chủ động tiếp cận từng phần, đưa ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác, dự báo các dữ liệu nhằm quản lý hiệu quả tài sản đường bộ.

Đại diện Tổng cục ĐBVN giới thiệu với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về hệ thống dữ liệu cầu đường bộ được số hóa

 

Hệ thống dữ liệu lớn

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, hiện nay Tổng cục đang ứng dụng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) trong triển khai xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) như: Hệ thống giám sát hành trình, Hệ thống kiểm soát tải trọng xe, Hệ thống giấy phép lái xe (GPLX), Hệ thống giám sát thu phí, Hệ thống quản lý cầu. Cụ thể, trong quản lý vận tải đường bộ đã xây dựng và duy trì hoạt động Trung tâm xử lý và khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Đây là hệ thống quản lý, khai thác dữ liệu và kiểm soát giao thông thông minh, bao gồm: Tiếp nhận, theo dõi, ghi lại, phân tích dữ liệu và kết xuất các báo cáo phục vụ yêu cầu quản lý của Tổng cục ĐBVN và các địa phương.

Đến nay, hệ thống đã tích hợp dữ liệu hành trình của hơn 650.000 phương tiện vận tải trên toàn quốc. Đối với Dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục ĐBVN đã triển khai ở mức độ 4; cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, biển hiệu, phù hiệu; mức độ 3 đối với thủ tục cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải đường bộ quốc tế, giấy phép liên vận. Ngoài ra, đơn vị đã triển khai xây dựng và vận hành các phần mềm quản lý vận tải tuyến đường bộ Việt - Trung và vận tải hành khách tuyến cố định Hà Nội - Hải Phòng.

Đối với lĩnh vực quản lý phương tiện người lái, Tổng cục đã triển khai dự án đổi mới GPLX và xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất trong toàn quốc. Đến nay, dữ liệu GPLX đã tập trung tại Tổng cục ĐBVN bao gồm hơn 5,8 triệu GPLX ô tô và hơn 14,9 triệu GPLX mô tô; đã hình thành trang thông tin điện tử quản lý GPLX hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc tham khảo, tra cứu thông tin về GPLX, thông tin về vi phạm của người lái xe.

Trong quản lý ATGT, hệ thống kiểm soát tải trọng xe được Tổng cục ĐBVN triển khai xây dựng từ năm 2013, đến nay hệ thống phần mềm giám sát và quản lý tập trung dữ liệu tải trọng xe đang kết nối với 67 trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động và 45 trạm kiểm soát tải trọng xe cố định, hàng ngày xử lý trung bình trên 60.000 lượt phiếu kiểm soát tải trọng xe, đóng vai trò là nguồn dữ liệu phục vụ cho công tác thống kê, báo cáo về tình hình kiểm soát tải trọng xe của các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong quản lý, bảo trì đường bộ, ngay từ đầu năm 2012, Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới triển khai bao gồm: Xây dựng khung cơ sở dữ liệu đường bộ, xây dựng hệ thống và lập kế hoạch quản lý tài sản đường bộ: Xây dựng hệ thống quản lý tài sản đường bộ phù hợp, tương thích với hệ thống hiện có nhằm hỗ trợ để lập kế hoạch cho công tác bảo trì và nâng cấp mạng lưới đường bộ. Thu thập dữ liệu đường bộ gồm có 11 nhóm tài sản cần được thu thập, bao gồm cầu, đường, hầm, bến phà, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí, bến xe, bãi đỗ xe, nhà hạt quản lý, trạm dừng nghỉ... Các công trình khác của khoảng 24.000km quốc lộ với hơn 1.200 trường dữ liệu sẽ được thu thập và cập nhật thường xuyên vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Tổng cục ĐBVN.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực quản lý chuyên ngành như: Hệ thống quan trắc cầu dây văng; Hệ thống thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tự động không dừng; Hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ; Hệ thống "Quản lý giao thông thông minh trên nền bản đồ số"; Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tài sản đường bộ; Hệ thống kết nối CSDL của Cục Đăng kiểm Việt Nam để phối hợp thực hiện trong công tác kiểm soát tải trọng xe, xử lý vi phạm... đã được tổng hợp, phân tích, đưa ra các dự báo nhằm quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ ngày một tốt hơn.

 Tự động hóa các lĩnh vực hoạt động

Cũng theo ông Thắng, hiện nay tất cả các lĩnh vực trong quản lý đường bộ đã được tự động hóa, Tổng cục đã hoàn thiện mô-đun tự động cảnh báo tình trạng khai thác tuyến đường, lập kế hoạch sửa chữa đường bộ hàng năm và kế hoạch dài hạn cho các cục quản lý đường bộ hoàn toàn tự động với các thông tin cơ bản: Tên đường, tuyến đường, cấp quản lý, đoạn đường cần sửa chữa, chiều dài, làn đường, năm lập kế hoạch, phương thức sửa chữa, phân cấp thực hiện, đơn giá, khối lượng, giá thành sửa chữa. Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát tải trọng xe hàng ngày đang xử lý trung bình trên 60.000 lượt phiếu kiểm soát tải trọng xe tự động kết nối dữ liệu thông tin về phương tiện của Cục Đăng kiểm Việt Nam để trích xuất báo cáo bao gồm các thông tin như: Tên trạm cân, địa bàn, số xe không vi phạm, số xe vi phạm, loại xe, tổng số trục, trọng lượng xe, số giấy phép lưu hành xe, kết quả cân xe, vượt tải trọng, vượt kích thước thùng hàng.

"Hệ thống giám sát hành trình và kiểm soát tốc độ theo cung đường trên nền bản đồ số" có thể tự động trích xuất các báo cáo về dữ liệu giám sát hành trình phương tiện vận tải theo phân cấp cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, các loại thông tin bao gồm: Đơn vị quản lý, đơn vị vận tải, số lượng xe, hành trình di chuyển, số lần vi phạm tốc độ, tốc độ vi phạm, thời gian, số lần dừng đỗ... giúp cho các cơ quan quản lý có các chế tài xử lý đối với các phương tiện vận tải vi phạm. Dịch vụ thu giá tự động không dừng sử dụng công nghệ RFID giúp cho phương tiện lưu thông qua trạm thu giá không phải dừng lại thực hiện giao dịch, khách hàng đăng ký mở tài khoản thông qua dịch vụ của Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) và thực hiện giao dịch thanh toán tự động giá dịch vụ sử dụng đường bộ qua thẻ Etag dán trên kính xe tương tác với hệ thống thu giá tự động được lắp đặt tại trạm thu giá. Đây là dịch vụ tiên tiến trên thế giới và theo lộ trình đến năm 2020, tất cả các trạm thu giá đường bộ trên toàn quốc đều lắp đặt dịch vụ thu giá tự động.

Riêng ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo, Tổng cục ĐBVN bước đầu đã đưa ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo trong tự động phân tích tình trạng mặt đường (hệ thống phần mềm quản lý mặt đường PMS); hoàn thiện các hệ thống CSDL, đặc biệt là các CSDL tài sản đường bộ, kết cấu hạ tầng, vận tải...; tích hợp các hệ thống lại thành trục tích hợp; tự động hóa lập kế hoạch, cảnh báo tình trạng khai thác các kết cấu công trình, tự động giám sát thu phí, kiểm soát tải trọng xe, xử lý vi phạm trong lĩnh vực vận tải. Với ứng dụng này sẽ giúp cho việc kết nối, phân tích xử lý rộng hơn và sâu hơn các giá trị như hiệu quả kinh tế dự báo lưu lượng tham gia giao thông, dự báo thiên tai, phân tích địa lý không gian kết nối quản lý tài sản…; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí đường bộ đặt tại Trung tâm Dữ liệu - Tổng cục ĐBVN

Nguồn: tapchigiaothong.vn

 


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 1
Hôm qua : 0
Tháng 03 : 1
Năm 2024 : 11.348