A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện bảo hành công trình sửa chữa đường bộ sử dụng vốn của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện một số nội dung về bảo hành công trình sửa chữa đường bộ đối với các dự án bảo trì sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất hệ thống quốc lộ sử dụng vốn của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.

Ảnh minh họa, nguồn: internet.

 

Căn cứ Điều 41 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, để bảo đảm sự thống nhất và chặt chẽ trong việc áp dụng các quy định về bảo hành, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị được giao là chủ đầu tư, Ban quản lý dự án (gọi chung là chủ đầu tư) đối với các dự án bảo trì sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất hệ thống quốc lộ sử dụng vốn của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương thực hiện các nội dung về bảo hành như sau:

1. Thời gian bảo hành và mức tiền giữ lại để bảo hành các công trình sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất theo quy định tại Phụ lục kèm theo văn bản số 4053/TCĐBVN-QLBTĐB ngày 04/8/2016 của Tổng cục ĐBVN (Phụ lục)

Đối với các loại công trình, hạng mục công trình chưa quy định tại Phụ lục nêu trên, chủ đầu tư  quy định thời hạn và mức tiền bảo hành nhưng bảo đảm: Không thấp hơn quy định tại khoản 4 Điều 41 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, đồng thời không thấp hơn 12 tháng đối với các loại mặt đường (trừ mặt đường cấp phối, mặt đường không gia cố mặt), không ít hơn 18 tháng đối với kết cấu đá xây, bê tông cốt thép (trừ các hạng mục xây, đổ bê tông sửa chữa nhỏ lẻ).

2. Chủ đầu tư phải quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu và hợp đồng các nội dung sau:

a) Quy định về quyền và trách nhiệm của các bên đối với công tác bảo hành, thời gian bảo hành và mức tiền bảo hành:

Căn cứ khoản 5 Điều 41 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, chủ đầu tư các công trình bảo trì quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và hợp đồng khi tổ chức lựa chọn nhà thầu và thỏa thuận trong hợp đồng về quyền và trách nhiệm của các bên đối với công tác bảo hành, thời gian bảo hành và mức tiền bảo hành đối với các công việc sửa chữa trong quá trình bảo trì công trình, nhưng không ít hơn quy định tại Phụ lục nêu trên.

Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư xem xét quy định các nội dung sau trong hồ sơ lựa chọn nhà thầu, hợp đồng trước khi ký với nhà thầu:

- Trường hợp báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án sửa chữa gồm nhiều công việc sửa chữa khác nhau, thì quy định thời gian, mức tiền bảo hành đối với từng công việc sửa chữa hoặc nhóm công việc sửa chữa, quy định thời hạn, mức tiền tương ứng với từng loại công việc, đồng thời quy định các nội dung xác định hết thời hạn và hoàn thành nghĩa vụ bảo hành với từng nhóm công việc.

- Trong trường hợp việc tách từng công việc, nhóm công việc sửa chữa như trên khó khăn, phức tạp dẫn đến khó khả thi khi thực hiện thì chủ đầu tư quyết định sử dụng hạng mục công việc sửa chữa có khối lượng, giá trị lớn nhất để làm cơ sở xác định thời gian và mức tiền bảo hành. Nhưng thời hạn không được thấp hơn 12 tháng (trừ mặt đường cấp phối, đá dăm và các loại mặt đường không gia cố mặt).

b) Quy định về thời gian bảo hành đối với hạng mục công việc đã sửa chữa trong thời gian bảo hành: Đối với hạng mục công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình trong quá trình thi công sửa chữa có khiếm khuyết về chất lượng hoặc xảy ra sự cố, hư hỏng đã được nhà thầu sửa chữa, khắc phục thì thời gian bảo hành đối với khối lượng số lượng phải sửa chữa khắc phục lại được xác định như sau:

- Thời gian bảo hành bổ sung đối với các khối lượng sửa chữa không ít hơn 12 tháng nhưng không được kết thúc trước thời hạn bảo hành của hợp đồng.

- Hạng mục công việc có ≥ 15% khối lượng phải sửa chữa trong thời hạn bảo hành, hoặc hạng mục có vi phạm chất lượng nghiêm trọng thì thời hạn bảo hành đối với khối lượng làm lại được tính từ khi hoàn thành việc sửa chữa lại (Ví dụ gói thầu thảm 1.000 m2 BTN, trong thời gian bảo hành phải sửa chữa hằn lún 160m2 (=16%) thì thời hạn bảo hành của 160 m2 BTN được tính từ khi sửa xong).

c) Quy định nhà thầu có trách nhiệm thực hiện bảo hành phần việc do mình thực hiện ngay sau khi nhận được thông báo yêu cầu bảo hành của chủ đầu tư, cơ quan quản lý đường bộ (gồm Tổng cục ĐBVN, các Cục QLĐB, Cục QLĐB cao tốc và Sở GTVT)  đối với các hư hỏng phát sinh trong thời gian bảo hành và phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc thực hiện bảo hành.

d) Quy định trách nhiệm các nhà thầu thi công, tư vấn sau thời hạn bảo hành: Trong hợp đồng thi công sửa chữa, hợp đồng cung cấp hoặc sửa chữa thiết bị, hợp đồng tư vấn và hợp đồng khác phải quy định : Nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, thi công sửa chữa, cung cấp thiết bị, nhà thầu sửa chữa thiết bị và các nhà thầu khác chịu trách nhiệm về chất lượng đối với phần việc do mình thực hiện kể cả sau thời gian bảo hành. Trường hợp có tranh chấp giữa các nhà thầu với cơ quan quản lý, cấp có thẩm quyền chỉ đạo giám định, kiểm định, đánh giá chất lượng để xác định rõ trách nhiệm của các nhà thầu. Nếu lỗi do nhà thầu thì nhà thầu phải chịu cả chi phí giám định, kiểm định, đánh giá.

đ) Quy định xử lý bổ sung khi nhà thầu vi phạm chất lượng:

-  Trong các hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu vi phạm chất lượng  ngoài việc phải sửa chữa trong thời gian bảo hành, còn bị xem xét khi đánh giá lựa chọn nhà thầu trong các dự án khác.

-  Nhà thầu cung cấp thiết bị, vật tư không bảo đảm chất lượng (ví dụ cung cấp khe co giãn kém chất lượng, cung cấp sơn kẻ đường kém chất lượng, cung cấp thiết bị điện lắp vào công trình kém chất lượng), tùy theo mức độ sẽ bị xử lý trong các dự án tiếp. Nếu vi phạm nặng phải bị cấm tham gia cung cấp, lắp đặt thiết bị, cung cấp vật tư cho các dự án khác trong thời gian ít nhất 3 năm. Các quy định này áp dụng với nhà cung cấp chính, nhà sản xuất nếu sản xuất hàng kém phẩm chất và áp dụng đối với cả trường hợp nhà cung cấp gian lận thương hiệu, giả mạo sản phẩm, giả mạo chứng chỉ, lý lịch sản phẩm.

3. Chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, nghiệm thu việc thực hiện bảo hành của nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp thiết bị, xác nhận hoàn thành việc bảo hành công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình.

4. Chủ đầu tư chỉ hoàn trả tiền bảo hành khi kết thúc thời hạn bảo hành và được chủ đầu tư xác nhận đã hoàn thành công việc bảo hành. Trường hợp chủ đầu tư không đồng thời là Cục QLĐB, Sở GTVT, Cục QLĐB cao tốc thì việc hoàn trả tiền bảo hành khi kết thúc thời hạn còn phải được Cơ quan quản lý đường bộ xác nhận hoàn thành việc bảo hành.

5. Xử lý gói thầu đã ký hợp đồng, đã tiến hành thủ tục lựa chọn nhà thầu :

Gói thầu đã bán hồ sơ mời thầu, đang làm thủ tục chỉ định thầu nhưng chưa ký hợp đồng thì  trước khi ký hợp đồng chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu được lựa chọn thoả thuận thống nhất bổ sung các nội dung văn bản này vào hợp đồng.

Đối với các gói thầu đã ký kết và đang thực hiện hợp đồng nếu không thỏa thuận bổ sung các nội dung tại văn bản này vào hợp đồng thì phải bảo đảm quy định của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP. Trường hợp hợp đồng được ký trước khi Nghị định số 46/2015/NĐ-CP có hiệu lực thì thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng.

6. Trong thời gian thực hiện, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác ban hành các quy định mới về bảo hành đối với hoạt động bảo trì thì thực hiện theo quy định của các cơ quan nêu trên.

Nguồn: Tổng cục ĐBVN


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 30
Hôm qua : 137
Tháng 04 : 2.516
Năm 2024 : 16.424