A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng phát lệnh thông xe kỹ thuật đường cao tốc Tp.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây

Sáng ngày 8/2, tại Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh thông xe kỹ thuật đường cao tốc Tp.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Dự án về đích sớm trước 1 năm so với thời hạn.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Bộ trưởng Đinh La Thăng, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, UBND tỉnh Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh đã tham dự buổi Lễ.

Đi TP HCM - Dầu Giây chỉ còn 45 phút, TP HCM - Vũng Tàu 1 giờ 30 phút

Tại buổi Lễ, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Mai Tuấn Anh cho biết: Việc đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc dài 55 km sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TP. Hồ Chí Minh. Từ TP.HCM đi Ngã ba Dầu Giây (giao Quốc lộ 1A và hướng đi Liên Khương) theo lộ trình cũ hiện nay dài khoảng 70 km, mất 3 giờ đồng do thường xuyên ùn tắc trong khi đi theo đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20km và thời gian lưu thông chỉ còn 1 giờ; đi huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai hiện nay dài khoảng 45 km, mất khoảng 60 phút nay rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 22 km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 20 phút và đi Vũng Tàu hiện nay dài khoảng 120 km, thời gian lưu thông hơn 2,5 giờ trong khi đi đường cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 1 giờ 20 phút do rút ngắn được quãng đường và chất lượng lưu thông được đảm bảo không ùn tắc.

Đại diện lãnh đạo VEC cũng cho biết thêm, Dự án Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có tổng chiều dài toàn tuyến là 55 km và được chia làm hai dự án thành phần với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỷ đồng từ vốn vay thương mại (OCR) của ADB (276,8 triệu USD), vốn vay ODA của JICA (640,3 triệu USD) và vốn đối ứng của Việt Nam.

Dự án thành phần I (Đoạn An Phú – Vành đai II) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/h; quy mô giai đoạn I: 4 làn xe, chiều rộng nền đường 26,5m, mặt đường rộng 2x7,5m và 02 làn dừng khẩn cấp 2x3m. Dự án thành phần II (Đoạn Vành đai II - Long Thành - Dầu Giây) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h; quy mô mặt cắt ngang giai đoạn I: 4 làn xe, chiều rộng nền đường là 27,5m, phần mặt đường rộng 2x7,5m và 02 làn dừng xe khẩn cấp 2x3m.

Đoạn từ Nút giao Quốc lộ 51 đến Nút giao Dầu Giây có lý trình từ Km23+900 đến Km54+984 thuộc phạm vi gói thầu xây lắp 5A và 6 do ADB tài trợ. Gói thầu xây lắp số 5A được khởi công vào tháng 12/2013 và đã hoàn thành vượt tiến độ 10 tháng. Gói thầu xây dựng đường, cầu với khối lượng các hạng mục thi công lớn bao gồm 13,9 km trong đó chủ yếu là phần đường đắp cao, có 03 cầu chính và 01 cầu vượt với tổng chiều dài cầu 240m, 07 cống hộp dân sinh, 18 cống thoát nước, 02 cống hộp kỹ thuật, bố trí hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng và các công trình phụ trợ…. Gói thầu xây lắp số 6 được khởi công vào tháng 10/2010, có chiều dài 17Km, xây dựng 9 cầu trên tuyến và cầu vượt với tổng chiều dài cầu 840.6m, 07 cống hộp dân sinh, 57 cống thoát nước, 07 cống hộp kỹ thuật, 01 nút giao (Nút giao Dầu Giây giao QL1A (dạng nút giao hoa thị).

Mở ra cơ hội phát triển lớn cho một trong những khu vực kinh tế năng động

Phát biểu tại lễ thông xe, thay mặt Chính phủ Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng phấn đấu của Bộ GTVT, Tổng Công ty phát triển đường cao tốc, TP.HCM, Đồng Nai, tư vấn, nhà thầu, cán bộ, kỹ sư thi công trên công trường, làm việc ngày đêm suốt trong thời gian dài vừa qua để dự án hoàn thành vượt tiến độ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là dự án lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Các đơn vị thi công đã hoàn thành vượt tiến độ, chất lượng cao. Thủ tướng yêu cầu TP.HCM, Đồng Nai cập nhật quy hoạch kinh tế, dân cư, hạ tầng... để đảm bảo đồng bộ nhưng đặc biệt lưu ý đảm bảo việc làm cho người dân, nhất là những người bị ảnh hưởng trong vùng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng căn dặn: "Bộ GTVT và các địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt giao thông đường bộ vì đây là điểm đột phá chiến lược trong việc phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống người dân…".

Thủ tướng cũng yêu cầu TP.Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai cần cập nhật, bổ sung quy hoạch phát triển của địa phương vì Dự án có ý nghĩa quan trọng cho phát triển KT-XH của 2 địa phương; Phải quy hoạch hạ tầng đồng bộ với dự án; giải quyết việc làm, đời sống cho đồng bào phải di chuyển vì Dự án nói riêng và khu vực.

Đồng thời Thủ tướng Yêu cầu VEC cùng TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai tiếp tục hoàn thiện các công việc còn lại của Dự án này để công trình đồng bộ, hiện đại, xứng đáng với tầm vóc của công trình.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu phát triển nhanh hơn nữa đầu tư phát triển giao thông; 2015 phải hoàn thành nâng cấp QL1 từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau; hoàn thành giai đoạn 2 một số đoạn đường quan trọng giai đoạn 2 của đường Hồ Chí Minh, nối thông từ Pắc Bó – Cao Bằng đên Cà Mau, đặc biệt đoạn TP.HCM qua Tây Nguyên trong năm 2015 để phát triển kinh tế xã hội; Huy động mọi nguồn lực để phát triển nhanh hơn so với quy hoạch phát triển đường cao tốc…

(Nguồn mt.gov.vn)


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 136
Hôm qua : 339
Tháng 03 : 2.156
Năm 2024 : 13.504