A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Bộ GTVT

Sáng ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ GTVT, nghe nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm xây dựng cơ chế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển hạ tầng GTVT nhanh và bền vững. Về phía Bộ GTVT có Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công Dự buổi làm việc còn có các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước VN, Bộ Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan…

Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển hạ tầng giao thông

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà Ngành GTVT đã đạt được trong thời gian qua đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, nhiệm kỳ 2016-2020 có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đối với Ngành GTVT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Bộ GTVT sáng 16/3

 

"Giao thông vận tải là một ngành quan trọng, Bộ GTVT là Bộ quản lý Ngành với nhiều nhiệm vụ nặng nề, do đó, việc tháo gỡ về cơ chế, đưa ra định hướng đúng đắn trong phát triển Ngành trong nhiệm kỳ này là rất cần thiết. Tuy nhiên, giải quyết theo hướng nào? Cơ chế nào để tốt nhất, tạo điều kiện cho Ngành phát triển thuận tiện nhất trong điều kiện về nguồn vốn cho XDCB hạn hẹp? Chọn lĩnh vực nào để ưu tiên đầu tư, tạo bứt phá?Phương pháp nào để kiềm chế TNGT và giảm ùn tắc giao thông … là việc cần phải bàn tại buổi làm việc này", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Từ đó, các đồng chí lãnh đạo đại diện các Ngân hàng Nhà nước VN, Bộ Tài chính, KHĐT… sau khi nghe ý kiến đề xuất của Bộ GTVT, trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo các đơn vị phụ trách lĩnh vực cụ thể của Bộ GTVT như Vụ Đối tác công tư (PPP); Kế hoạch và đầu tư; Tổng cục ĐBVN; Tổng công ty cảng VN (ACV); Tổng Công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC); Cục Đường thủy nội địa; Ủy ban ATGT QG…đã tham gia, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng nhằm hỗ trợ Ngành GTVT phát triển đúng hướng và mạnh mẽ.

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra 12 nhiệm vụ mà Ngành GTVT phải thực hiện trong nhiệm kỳ này và các năm tiếp theo. Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong nhiệm kỳ này gặp rất nhiều khó khăn vì nguồn vốn bố trí cho ngành GTVT mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu.

"Khó khăn còn nhiều, do đó, lãnh đạo Bộ GTVT phải tìm nhiều biện pháp để thu hút đầu tư, tận dụng mọi nguồn lực để phát triển. Đặc biệt phải có cơ chế tốt để thu hút vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước mới có thể xã hội hóa hiệu quả các dự án giao thông trọng điểm, phải dựa vào dân để phát triển, tạo mọi điều kiện cho người dân cùng tham gia từ đó mới có thể phát triển hạ tầng giao thông tốt, đảm bảo an toàn và kiềm chế TNGT", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho rằng, trong thực tế có nhiều nhà đầu tư muốn tham gia đầu tư trong lĩnh vực GTVT nhưng còn vướng mắc nhiều cơ chế. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng khác của Ngành GTVT là phải tháo gỡ những nút thắt của thể chế đồng thời không để cơ chế, chính sách trở thành rào cản kìm hãm đầu tư, Ngành GTVT cần phải tiếp tục tham mưu, đề xuất với Chính phủ để cùng các bộ, ngành tháo gỡ, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vao lĩnh vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo Ngành GTVT tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch đồng bộ để phát triển toàn diện GTVT ở nước ta. Trong đó, Ngành phải chú trọng vào phát triển vận tải đa phương thức; chú trọng đảm bảo ATGT ở các lĩnh vực, không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, nhất là ATGT đường sắt.

"Trong khi thực hiện nhiệm vụ phát triển các lĩnh vực, phát triển Ngành GTVT phải quan tâm đến chất lượng công trình giao thông, phải ngày một tốt hơn. Mỗi công trình dù có sử dụng nguồn vốn của Nhà nước đều là tiền bạc của nhân dân, do vậy sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, phải "liệu cơm gắp mắm", phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đầu tư công trình, dự án phải theo nguyên tắc tận dụng hệ thống cũ và nơi có đông người dân tham gia, hưởng lợi mới ưu tiên đầu tư như trên các quốc lộ có lưu lượng lớn: QL1, đường Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc, các tuyến đường ven biển, đẩy mạnh giao thông thôn, phát triển hài hòa đường sắt,  đường thuỷ nội địa…để giảm tải cho đường bộ và các quốc lộ, có vậy mới đảm bảo bảo vệ được hạ tầng giao thông và ATGT", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của ngành GTVT trong việc phát triển các lĩnh vực của Ngành GTVT.

"Phải tái cơ cấu bộ máy của Bộ quản lý Ngành để phân công rõ trách nhiệm từng việc, từng lĩnh vực. Ví dụ như các vấn đề về đăng kiểm thế nào, tác động đến môi trường ra sao? Xe quá tải đã kiểm soát được chưa? Các lĩnh vực có xã hội hóa thì quản lý thế nào? Hiệu quả ra sao?  Ai chịu trách nhiệm…?", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cụ thể, rõ ràng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ GTVT tập trung hơn nữa vào việc áp dụng  tiến bộ KHCN trong nước và thế giới vào phát triển ngành, lĩnh vực; Thúc đẩy quản lý, vận hành hệ thống giao thông thông minh, thu phí không dừng; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển GTVT giữa các quốc gia trong khu vực, đặc biệt các nước sát biên giới, lãnh thổ…

"Đặc biệt, Bộ GTVT cần xử lý gấp một số vấn đề nóng như việc trực tiếp bàn và thống nhất với Bộ Tài chính về chế tài xử phạt vi phạm Luật Giao thông cho nghiêm minh; có chủ trương mạnh mẽ hơn trong quản lý, khai thác đường thủy nội địa; rà soát quản lý tốt đường ngang dân sinh giữa đường bộ và đường sắt; phân luồng tuyến…", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cao tốc Bắc –Nam là nhiệm vụ chính trị, phải hoàn thành

Cơ bản đồng tình với các đề xuất, kiến nghị cụ thể của Bộ GTVT, cho ý kiến về đề xuất liên quan đến việc tái cơ cấu Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM); Một số vướng mắc trong triển khai dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ theo dõi, đôn đốc và chỉ đạo phương án cụ thể về việc tái cơ cấu 2 Tổng Công ty là VEC và Cửu Long trên tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động nhưng phải đảm bảo đúng với các quy định của Pháp luật. Đối với cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và KHĐT xem xét nhà đầu tư, có chế tài xử phạt theo đúng luật.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Cao tốc Bắc -Nam là nhiệm vụ quan trọng, dù khó khăn cũng phải hoàn thành 

 

Thủ tướng cũng chỉ đạo TCT Cảng hàng không VN (ACV) phải xã hội hoá triệt để nhà ga, đường lăn, bãi đậu trong giới hạn Nhà nước nắm giữ và chi phối các lĩnh vực quan trọng.

Tại buổi làm việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa trình bày rõ phương án phân bổ nguồn vốn TPCP.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, Bộ GTVT dự kiến được phân bổ 75.000 tỷ đồng vốn TPCP giai đoạn 2017 - 2020: 5.000 tỷ đồng dành riêng cho công tác GPMB dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; 70.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia.

Tuy nhiên, khả năng sử dụng toàn bộ số vốn 70.000 tỷ cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam trong giai đoạn 2017 - 2020 là rất khó khả thi trong điều kiện hiện nay (huy động vốn ngoài NSNN đang gặp nhiều vướng mắc). Muốn đẩy mạnh huy động vốn để đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam cần thiết phải có điều chỉnh về cơ chế chính sách phù hợp; nhưng việc này cần có thời gian, cân nhắc, không thể thực hiện trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, trong điều kiện nguồn vốn NSNN có rất nhiều khó khăn, thậm chí phải giãn tiến độ nhiều dự án do không cân đối được nguồn vốn như đã báo cáo ở trên thì việc triển khai nhiều dự án quan trọng, cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước có ý kiến chỉ đạo trong giai đoạn này sẽ không thực hiện được, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, khu vực.

"Với lý do nêu trên, để hài hòa nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông trong giai đoạn hiện nay, Bộ GTVT xây dựng phương án sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2017 - 2020 trong đó dành một phần vốn cho các dự án giao thông quan trọng, cấp bách khác", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết.


Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa báo cáo nhiều vướng mắc
đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ để ngành GTVT phát triển

 

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, với phương án này, sẽ dành khoảng 41.414 tỷ đồng làm vốn tham gia của Nhà nước trong các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam để đầu tư thêm 573 km cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, tính cả 131 km các đoạn đã hoàn thành (Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) và 182 km đang triển khai đầu tư (Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành) thì đến năm 2020 có khả năng hoàn thành 886 km cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; còn lại 799km cao tốc Bắc - Nam sẽ được GPMB trước để tiếp tục huy động vốn để đầu tư giai đoạn sau năm 2020. Song song đó, dành khoảng 7.000 tỷ đồng để triển khai các dự án cấp thiết nhất nhằm từng bước cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và dành khoảng 21.586 tỷ đồng để triển khai một số dự án cần thiết, cấp bách, có tính kết nối, lan tỏa vùng miền, có tác động thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ có buổi làm việc cụ thể, chi tiết hơn để trình ra Quốc hội. Đồng thời, Thủ tướng khẳng định, chủ trương xây dựng đường cao tốc Bắc- Nam là nhiệm vụ chính trị, chúng ta phải hoàn thành.

Báo cáo về những tồn tại, khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư qua hình thức PPP, người đứng đầu ngành GTVT khẳng định, để có thể tháo gỡ các khó khăn, tiếp tục kêu gọi đầu tư tư nhân theo hình thức PPP một cách minh bạch, hiệu quả trong điều kiện nguồn vốn NSNN đang rất khó khăn như hiện nay, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về hình thức đầu tư PPP có tính đến đặc thù của hình thức đầu tư này, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam; Tổng kết và sớm xây dựng ban hành Luật Đầu tư đối tác công tư...

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ ban hành tiêu chí về thành lập trạm thu phí đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên trên nguyên tắc phải tham vấn các bên liên quan và tiến hành đánh giá độc lập về tác động mức giá; Dừng quy hoạch trạm thu phí; ban hành quyết định về thu phí tự động không dừng và xây dựng lộ trình tiến tới áp dụng toàn bộ thu phí tự động

"Hiện nay, nguồn vốn tín dụng dài hạn trong nước đang rất khó khăn và quy mô không lớn. Kiến nghị Chính phủ xem xét chấp thuận chia sẻ một số rủi ro đối với các nhà đầu tư để kêu gọi đầu tư và nguồn vốn tín dụng nước ngoài thông qua việc cung cấp bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh trách nhiệm của Chính phủ đối với các dự án quan trọng quốc gia. Trước mắt, cho phép bảo lãnh cho 2 dự án thí điểm là đường cao tốc Dầu Giây đi Phan Thiết và Tân Vạn đi Nhơn Trạch. Sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, giao cho Bộ KHĐT có đánh giá độc lập hiệu quả cũng như tác động của việc bảo lãnh đối với nợ công làm cơ sở hoàn thiện chính sách", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề xuất.

Phát biểu ý kiến liên quan đến việc huy động vốn đầu tư qua hình thức PPP, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) Nguyễn Danh Huy cho rằng  mô hình đầu tư phát triển dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP là một mô hình mới và phức tạp hơn rất nhiều phương pháp đầu tư công truyền thống. Do vậy, ông Nguyễn Danh Huy đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan cần tuyên truyền một cách khách quan, toàn diện tránh ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư của quốc gia, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ cũng trực tiếp giao cho Bộ chủ trì nhưng phải chủ động phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng một số cơ chế đặc thù để phát triển trong các lĩnh vực đầu tư, quản lý đường cao tốc; thu hút các phương thức đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa (như PPP, BT, BOT…); thể chế điều hành; tìm nguồn lực ODA để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan sửa Nghị định về quản lý, đầu tư, quyết toán các dự án PPP để có phối hợp cho đồng bộ.

"Thể chế cũng là do chúng ta nghĩ ra, sai và chưa đúng với tình hình thực tiễn thì phải sửa để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội và an tâm đầu tư", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nguồn: mt.gov.vn


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 326
Hôm qua : 289
Tháng 03 : 2.007
Năm 2024 : 13.355