A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông tin báo chí ngày 22 đến ngày 26 tháng 9 năm 2012

Báo SGGP có tin "Hàng rào hộ lan đường sắt phản tác dụng" cho biết: Theo Cục Đường sắt Việt Nam, đoàn công tác của Cục vừa hoàn thành kiểm tra công tác bảo đảm ATGT đường sắt trên tuyến đường sắt Thống Nhất và Tây Bắc. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều đoạn tuyến có hàng rào hộ lan ngăn cách giữa đường bộ và đường sắt được thiết kế quá cao, khoảng 1,5 m, che mất tầm nhìn người tham gia GT đường bộ, thậm chí che mất biển báo hiệu đường sắt. Theo quy định, cách 50m vào đến đường ngang, các hàng rào phải được hạ dần độ cao về 0, nhưng tất cả đều không thi công đúng quy trình và thiết kế, vừa gây lãng phí lại mất ATGT. Nhiều hộ dân vẫn ngang nhiên phá hàng rào ngăn cách để làm lối đi. Tại đoạn đường sắt đi qua thị trấn Văn Điển, huyện Thường Tín và Phú Xuyên (Hà Nội), một trong những điểm đen gây tai nạn giao thông đường sắt, mặc dù đã xây dựng hàng rào hộ lan nhưng đường ngang dân sinh vẫn san sát "cài răng lược" với mật độ 5 m lại có 1 đường ngang. Thực trạng này cũng xảy ra tại các đoạn hàng rào qua đường sắt ở các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Phú Thọ…

Báo CAND có tin "Đề xuất tăng mức phí sát hạch lái xe" cho biết: Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa trình Bộ GTVT dự thảo sửa đổi Thông tư số 53/2007/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe (SHLX). Theo dự thảo Thông tư, mức phí một số nội dung sát hạch sẽ được thay đổi theo hướng nâng lên. Cụ thể: mức thu phí đề xuất là 40.000đ/lần cho sát hạch lý thuyết và 50.000 đồng/lần sát hạch thực hành. Như vậy tổng mức thu phí sát hạch của cả lý thuyết và thực hành đối với hạng A1, A2, A3, A4 là 90.000 đồng thay vì 70.000 đồng như hiện nay. Đối với SHLX các hạng B1, B2, C, D, E và FC, sẽ tăng từ mức 70.000đ/lần hiện tại lên 90.000 đồng. Đối với sát hạch thực hành trong hình sẽ tăng lên mức 300.000 đồng/lần so với mức 230.000đ/lần hiện hành... Việc thay đổi mức thu phí sát hạch được đánh giá là nhằm bù đắp những chi phí ngày một tăng trong giá nhiên liệu, chi phí nhân công và mặt bằng lương của xã hội. Theo dự kiến, Thông tư này sẽ được ban hành trong năm 2012

Báo Tiền phong có tin "Đơn vị thi công QL51 lại gây họa" cho biết: Chỉ sau 1 đêm ngủ dậy, người dân xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải chịu cảnh trắng tay do rau màu (cải, thì là, dền...) bị chìm trong biển nước. Thống kê sơ bộ, đã có khoảng 90 ha thiệt hại, trong đó 60 ha bị mất trắng. Sáng 21-9, ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tân Thành, cho biết nguyên nhân gây ngập úng rau màu của người dân là do đơn vị thi công cầu Rạch Ván trên QL 51. Lâu nay toàn bộ lượng nước mưa đổ từ núi về đều phải đi qua cầu Rạch Ván, trong khi ngay dưới chân cầu, dòng chảy đã bị chặn bởi 1 lượng đất lớn do đơn vị thi công trước đó để lại. Sau khi người dân phản ánh, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cho xe chuyên dụng đến múc đất, cát ngay dưới chân cầu, song mọi việc lúc này đều đã muộn. Theo người dân ở khu vực, đây không phải lần đầu đơn vị thi công QL51 làm tắc dòng chảy gây thiệt hại cho nông dân. Tháng 5-2012, khi xây cầu Thị Vải, đơn vị thi công đã làm hẹp dòng suối, gây tắc nghẽn dòng chảy khiến một lượng lớn cây kiểng bị ngập và gây thất thoát hơn 10 tấn cá nuôi trong hồ của người dân. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, đơn vị thi công đã phải bồi thường 160 triệu đồng.

Báo Hà Nội mới, Pháp luật VN có tin "Nâng mức phạt vi phạm GT đường bộ" cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị định mới sửa đổi, bổ sung 1 số điều của NĐ số 34/2010/NĐ-CP, trong đó nâng mức phạt đối với hành vi chở quá số người cho phép, điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định, chạy quá tốc độ... Theo Nghị định mới, phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng (hiện nay mức phạt là từ 200.000-300.000 đồng) trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện đối với người điều khiển ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) vi phạm hành vi: Chở quá từ 2 người trở lên trên xe đến 9 chỗ ngồi, chở quá từ 3 người trở lên trên xe 10-15 chỗ ngồi, chở quá từ 4 người trở lên trên xe 16-30 chỗ ngồi, chở quá từ 5 người trở lên trên xe trên 30 chỗ ngồi. Đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly hơn 300 km, sẽ bị phạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng (hiện nay từ 300.000-500.000 đồng) trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nếu chở quá từ 2 người trở lên trên xe đến 9 chỗ ngồi, chở quá từ 3 người trở lên trên xe 10-15 chỗ ngồi, chở quá từ 4 người trở lên trên xe 16-30 chỗ ngồi, chở quá từ 5 người trở lên trên xe trên 30 chỗ ngồi. Nghị định cũng tăng mức phạt đối với người điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định. Cụ thể, người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 8-10 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với mức phạt hiện nay từ 2-3 triệu đồng. Hành vi này đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy thì bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 triệu đồng (mức phạt hiện nay từ 200.000-400.000 triệu đồng). Trường hợp người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng (mức phạt hiện nay từ 4-6 triệu đồng). Còn đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, hành vi vi phạm này bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng, thay cho mức phạt hiện nay là từ 500.000-1.000.000 triệu đồng. Phạt tiền từ 600.000 đồng - 800.000 (thay cho mức phạt hiện nay 300.000 - 500.00 đồng) đồng đối với người điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h. Trường hợp điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 10-20 km/h sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (mức phạt hiện nay là từ 800.000 - 1.200.000 đồng). Phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng (hiện nay 4-6 triệu đồng) đối với người điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h, ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 ngày. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chạy quá tốc độ quy định từ 10 -20 km/h (hiện nay trên 20km/h) sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Trường hợp người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (mức hiện nay là 500.000 - 1.000.000 đồng).

Báo QĐND có tin ""Sốc" với đường cao tốc" cho biết: Báo cáo suất vốn đầu tư XD công trình đường ô tô cao tốc của Bộ XD gửi TTgCP mới đây đã gây "sốc" cho nhiều người. Suất vốn đầu tư bình quân cho 1km đường ô tô cao tốc (bao gồm cả cầu và đường) ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới. Trong khi đó, nguyên liệu chính để làm đường như đất, cát, đá, sỏi, xi măng… đều được khai thác tại Việt Nam và tiền lương của công nhân làm đường Việt Nam được xếp vào loại thấp nhất thế giới. Chúng ta đã phải chi tới gần 16 triệu USD/km (đường 4 làn xe) và hơn 23 triệu USD/km (đường 6 làn xe). So với Trung Quốc, suất vốn đầu tư đường cao tốc 4 làn xe của Việt Nam cao hơn 1,4 lần; suất vốn đầu tư đường cao tốc 6 làn xe của Việt Nam cao hơn tới 1,74 lần. Nếu so với các nước châu Âu (Đức, Bồ Đào Nha, Hung-ga-ri, Áo…), suất vốn đầu tư đường cao tốc (6 làn xe) của Việt Nam cao hơn 1,63 lần. Đã vậy chất lượng đường cao tốc của Việt Nam cũng không cao. Nhiều tuyến đường vừa mới đưa vào sử dụng đã phải sửa chữa, vá víu… Theo phân tích của các chuyên gia, sở dĩ có nghịch lý nói trên là do việc đầu tư XD đường cao tốc tại Việt Nam đang phải gánh thêm quá nhiều chi phí so với các nước. Ngoài chi phí GPMB đắt đỏ, năng suất lao động thấp thì những vướng mắc về thủ tục hành chính và việc thiếu minh bạch trong quá trình từ chuẩn bị đầu tư đến đấu thầu và thi công đã phát sinh thêm rất nhiều chi phí tiêu cực mà mỗi mét đường cao tốc phải gánh chịu. Bài học từ 2 DA đường cao tốc vừa được đưa vào khai thác là Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM – Trung Lương cho thấy, do thời gian thi công kéo dài thêm 3 năm, chi phí XD đã đội lên từ 1,5 đến 2 lần do trượt giá. Vì làm không tốt khâu quy hoạch và khảo sát thiết kế nên các DA đầu tư XD đường ô tô cao tốc tại Việt Nam đã phải XD nhiều công trình cầu vượt, cầu chui dân sinh và các nút giao, đường gom, đường nối, các công trình phòng hộ, chiếu sáng… làm tăng giá thành. Ngoài ra, còn rất nhiều chi phí khác cũng được tính vào giá thành đường cao tốc như chi phí khởi công, khánh thành, chi phí "bôi trơn" các thủ tục, chi cho "quân xanh" khi đấu thầu, chi cho các khoản "bồi dưỡng", "quan hệ"… trong quá trình thi công. Sự thiếu minh bạch trong các khâu công bố thông tin và chưa có các chế tài xử lý nghiêm, đủ sức cảnh cáo răn đe sau hoàn thiện, cũng là 1 trong những nguyên nhân khiến phần lớn công trình XD cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, trong đó có đường cao tốc vang mãi trong tình trạng "giá thành cao mà chất lượng thấp". Để giải quyết được nghịch lý về giá cả và chất lượng đường cao tốc, trước hết, cần phải xem xét lại quy trình XD đường cao tốc từ quy hoạch, khảo sát thiết kế, lập DA, thẩm định, thi công, giám sát, nghiệm thu. Phân định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan QLNN, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn... trong việc bảo đảm giá cả và chất lượng các công trình. Mặt khác, cần tăng cường công tác giám sát việc quy hoạch, đấu thầu, chỉ định thầu, vai trò của chủ đầu tư và cơ quan tư vấn. Phải sửa đổi, điều chỉnh ngay 1 số văn bản QPPL và chế độ chính sách liên quan đến quản lý tiến độ và chất lượng. Kiên quyết xử lý các chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, xây lắp vi phạm về chất lượng, tiến độ thực hiện theo tiêu chuẩn của DA. Tham nhũng và lãng phí từ các DAXD cơ sở hạ tầng đang là vấn đề nhức nhối hiện nay của xã hội. Thiết nghĩ, trong lúc các cấp, các ngành, các địa phương đang quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 4 về XD chỉnh đốn Đảng, nên coi nghịch lý về giá cả và chất lượng đường cao tốc là 1 trong những nội dung cần "mổ xẻ".

Báo Nhân dân có tin "Cần đẩy nhanh tiến độ DA đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua tỉnh Ðồng Tháp"cho biết: Ðường HCM đoạn đi qua tỉnh Ðồng Tháp được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư với quy mô đường cấp III đồng bằng, mặt đường rộng 7 m, với tổng mức đầu tư 555 tỷ đồng. DA được khởi công từ tháng 1-2009, nhưng đến nay, công trình vẫn còn dở dang, gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt hằng ngày của người dân trong khu vực DA và nhiều nguy hiểm cho người tham gia GT.Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nguồn vốn được giải ngân theo kiểu nhỏ giọt.Ông Nguyễn Ngọc Báo, Phó VP đại diện Ban QLDA đường HCM tại TP HCM cho biết: "DA tuy được khởi công từ đầu năm 2009 và dự kiến đến cuối tháng 8-2011 sẽ hoàn thành, nhưng đến năm 2010 công trình ngừng thi công do hết tiền. Sang tháng 3-2011, DA được bố trí thêm 15 tỷ đồng cộng với 40 tỷ đồng do UBND tỉnh Ðồng Tháp cho Ban QLDA tạm ứng nên công trình được khởi động lại, nhưng tiến độ vẫn rất chậm vì số tiền 55 tỷ đồng trên chỉ đủ chi trả cho phần khối lượng thi công năm 2010 của nhà thầu. Ðến tháng 7-2012, DA tiếp tục được giải ngân 40 tỷ đồng chỉ để trả cho tỉnh Ðồng Tháp nhưng được UBND tỉnh Ðồng Tháp tiếp tục cho tạm ứng. Như vậy công trình chỉ mới hoạt động trở lại từ giữa tháng 7 đến nay". Hệ lụy của tình trạng thi công "ỳ ạch" này là hệ thống cầu tạm hiện đang xuống cấp trầm trọng, mặt đường nhiều đoạn còn nham nhở, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân và gây mất AT cho người tham gia GT. Ngày 30/8, UBND tỉnh Ðồng Tháp có văn bản kiến nghị Bộ GTVT về việc thi công không bảo đảm ATGT ở các gói thầu thuộc DA đường HCM đoạn qua Mỹ An - Vàm Cống. UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT sớm chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu quan tâm công tác bảo đảm ATGT trong quá trình thi công theo quy định, khẩn trương sửa chữa các cầu tạm trên tuyến để bảo đảm lưu thông trên đường. Phó văn phòng đại diện BQLDA đường HCM tại TP HCM Nguyễn Ngọc Báo cho biết thêm, ngay khi vốn năm 2012 được giải ngân, BQLDA đã chỉ đạo các nhà thầu thi công gói thầu đường, tập trung nhân lực, thiết bị thi công láng nhựa đoạn đường đã thi công phần móng từ thị trấn Mỹ An đến cầu Ðập Ðá. Nếu được bố trí đủ vốn, tuyến đường này sẽ hoàn thành theo đúng thời gian được Bộ GTVT gia hạn là cuối tháng 6-2013.

Báo Đầu tư có tin "Mời thầu Dự án Bảo trì nâng cấp đường bộ trị giá 301 triệu USD" cho biết: Theo ông Nguyễn Ngọc Long, TGĐ Ban QLDA 2 (Tổng cục ĐBVN), cuối tháng 9/2012, đơn vị này sẽ tiến hành phát hành hồ sơ mời quan tâm tuyển chọn tư vấn chuẩn bị DA cho DA Quản lý tài sản đường bộ vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) – VRAMP trị giá 301,7 triệu USD. Dự án VRAMP có mục tiêu bảo trì 544 km đường QL; nâng cấp nhiều đoạn thuộc các QL 38B, 38, 39 -1, 39 đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Hiện WB đã đồng ý viện trợ không hoàn lại 1,7 triệu USD và cho vay 250 triệu USD từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) cho Dự án VRAMP. Nhiều báo ra có tin "Gần 7.650 tỷ đồng khôi phục, cải tạo quốc lộ 20" cho biết: Ngày 18/9, tại Hà Nội, Bộ GTVT đã ký với nhà đầu tư Công ty cổ phần BT 20 - Cửu Long hợp đồng đầu tư xây dựng DA thành phần I (dài hơn 123 km) thuộc DA khôi phục, cải tạo QL 20 (nối Đồng Nai với Lâm Đồng) theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Công trình khôi phục cải tạo QL 20 có chiều dài gần 228 km, tổng mức đầu tư gần 7.650 tỷ đồng; Trong đó DA thành phần I khoảng 4.590 tỷ đồng. Đây là công trình hạ tầng giao thông đặc biệt quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - du lịch, nối TPHCM với TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) và đáp ứng việc vận chuyển, phát triển ngành công nghiệp nhôm. Dự kiến DA thành phần I sẽ hoàn thành vào mùa khô năm 2014.

Báo Website CP, ANTĐ có tin "Bộ GTVT quy định về đường ngang" cho biết: Khi đỗ xe gần đường ngang, phương tiện tham gia GT đường bộ phải đỗ xe cách xa chắn đường bộ ít nhất 10m ở nơi có chắn hoặc đỗ cách xa má ray ngoài cùng ít nhất 20m ở nơi không có chắn. Người đi bộ và phương tiện GT đường bộ khi qua đường ngang phải ưu tiên cho các phương tiện GT hoạt động trên đường sắt; phải chấp hành hướng dẫn của người gác đường ngang hoặc tín hiệu phòng vệ đường ngang. Đây là quy định nêu tại Thông tư 33/2012/TT-BGTVT vừa được Bộ GTVT ban hành. Thông tư quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật đường ngang, tổ chức phòng vệ và tổ chức quản lý XD đường ngang trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng. Đường ngang là đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, được cơ quan có thẩm quyền cho phép XD và khai thác. Đường ngang phải được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị theo quy định. Dọc 2 bên lề đường bộ dẫn vào đường ngang phải có cọc tiêu. Tại đường ngang có người gác cũng phải bố trí người gác thường trực liên tục suốt ngày đêm theo chế độ ban, kíp. Bộ GTVT nghiêm cấm người không có nhiệm vụ tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng. Cấm người không có trách nhiệm leo trèo, xê dịch, động chạm vào các tín hiệu, thiết bị đường ngang; vào nhà gác đường ngang. Mọi tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm bảo vệ; không được tự ý di chuyển, chiếm đoạt, làm hư hỏng hệ thống báo hiệu, thiết bị, công trình đường ngang. Cũng theo quy định tại Thông tư này, nếu khi sửa chữa đường ngang có ảnh hưởng đến GT đường bộ, đơn vị thi công đường sắt phải thống nhất với cơ quan quản lý đường bộ, không được làm ách tắc GT đường bộ và đường sắt trong thời gian sửa chữa.


Nguồn: drvn.gov.vn
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 19
Hôm qua : 132
Tháng 04 : 3.175
Năm 2024 : 17.083