A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển giao thông tiếp cận cho người khuyết tật là nhiệm vụ quan trọng của Ngành GTVT

Đây là ý kiến của Thứ trưởng Lê Đình Thọ tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật (NKT) về kết quả thực hiện các hoạt động trợ giúp NKT sáng hôm nay (26/10). Đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam làm trưởng đoàn.

Nhằm tăng cường thực hiện Công ước của LHQ về Quyền của NKT và Luật Người khuyết tật và Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2016-2020, Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam tổ chức đoàn kiểm tra giám sát tại một số Bộ, Ngành trong đó có Bộ GTVT. Đoàn kiểm tra với mục tiêu tăng cường đánh giá công tác tổ chức triển khai và xây dựng các chính sách, văn bản QPPL liên quan đến NKT, những kết quả đạt được, chưa đạt được cũng như nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi làm việc

 

Tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải Nguyễn Ngọc Dũng đã báo cáo công tác tổ chức triển khai và xây dựng các chính sách, văn bản QPPL liên quan đến NKT ngành GTVT.

"Theo đó, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã và đang tích cực triển khai thực hiện các cơ chế chính sách về NKT như triển khai Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của Người khuyết tật, Luật người khuyết tật và Đề án trợ giups NKT giai đoạn 2012-2020...", ông Dũng khẳng định.

Cụ thể, lãnh đạo Vụ Vận tải cho biết, trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo và trợ giúp NKT, Bộ GTVT chỉ đạo các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành rà soát các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý để tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho NKT khi tham gia giao thông công cộng. Bộ GTVT cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Sở GTVT triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật và Nghị định số 28/2012/NĐ-CP trong lĩnh vực GTVT. Bộ GTVT cũng chỉ đạo xử lý kịp thời các vấn đề vướng mắc trong kê khai thủ tục đối với NKT tham gia sử dụng dịch vụ vận tải hàng không về kê khai quyền miễn trừ trách nhiệm.

Trong công tác xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Công ước của LHQ về quyền NKT, Đề án trợ giúp NKT, bám sát nội dung của Công ước và Đề án của Thủ tướng Chính phủ, tháng 3/2016, Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động hỗ trợ NKT tham gia giao thông giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện các mục tiêu trợ giúp NKT tiếp cận và tham gia giao thông. Bộ cũng đẩy mạnh việc triển khai Kế hoạch thông qua các chính sách tuyên truyền, thí điểm lắp đặt thiết bị hỗ trợ NKT trên xe buýt, cải tạo hệ thống KCHT phục vụ VTHKCC đặc biệt đối với xe buýt. Bộ GTVT đã giao Viện Chiến lược và Phát triển GTVT triển khai Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2016-2020 nhằm cụ thể hóa Kế hoạch gồm các hoạt động: Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về giao thông tiếp cận để NKT có thể tiếp cận, sử dụng; Xây dựng các tuyến mẫu và nhân rộng các xe vận tải hành khách công cộng để NKT tham gia giao thông và xây dựng các chương trình, giáo trình, tài liệu và tập huấn cho lái xe phục vụ hành khách là NKT sử dụng phương tiện giao thông.

Trong công tác xây dựng văn bản QPPL tổ chức triển khai thực hiện Công ước của LHQ về quyền người khuyết tật, luật người khuyết tật và các văn bản QPPL có liên quan, đề án trợ giúp NKT, Bộ GTVT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển VTHKCC bằng xe buýt trong đó có nội dung miễn tiền vé cho NKT. Bộ GTVT cũng ban hành một số văn bản QPPL trong có có quy định miễn giảm giá vé dịch vụ VTHKCC cho NKT, quy chuẩn kỹ thuật về phương tiện để NKT tiếp cận sử dụng, hướng dẫn thực hiện Quy chuẩn quốc gia về KCHT giao thông đảm bảo NKT tiếp cận...

Trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan đến tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật NKT, trên từng lĩnh vực cụ thể, bên cạnh chính sách miễn, giảm giá vé, phương tiện giao thông tiếp cận cũng ngày một tăng cao. Cụ thể, tính đến tháng 12/2015, có tổng số 323 phương tiện VTHKCC bằng xe buýt hỗ trợ NKT tiếp cận, hiện có 06/63 tỉnh thành phố ban hành quy định cụ thể về tỷ lệ phương tiện VTHK đáp ứng nhu cầu đi lại của NKT. Hệ thống bến xe khách có 457 bến xe trong đó có khoảng 30% có hạ tầng bảo đảm NKT tiếp cận sử dụng.

 

Ưu tiên hỗ trợ hành khách khuyết tật đi máy bay (Ảnh: Báo Giao thông)

 

Hiện nay có 144 máy bay các loại đều do các hãng lớn của Mỹ và châu Âu sản xuất nên tiêu chuẩn phương tiện phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, thuận lợi cho tất cả hành khách trong đó có cả NKT. Tất cả các hãng hàng không của Việt Nam đều được trang bị xe lăn với số lượng đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng và đáp ứng tốt nhu cầu của hành khách là NKT.

Bộ GTVT cũng thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác trợ giúp NKT như tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Luật NKT; tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ tại các đầu mối giao thông vận tải; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, tập huấn cho các cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ tại các đầu mối giao thông và trên phương tiện nhằm hỗ trợ NKT tham gia giao thông.

"Mục tiêu đến năm 2020, ngành GTVT đảm bảo 100% công trình nhà ga, bến xe, bến tàu bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT. Đồng thời, đảm bảo tối thiểu 80% NKT có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương", ông Vũ Ngọc Dũng nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Lãnh đạo Vụ Vận tải cũng nêu cụ thể phương hướng, giải pháp của ngành GTVT hỗ trợ NKT gồm: Rà soát, hoàn thiện văn bản QPPL ngành GTVT theo hướng quan tâm đến NKT tham gia giao thông; Tăng cường công tác hướng dẫn tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách và tiêu chuẩn, quy chuẩn hỗ trợ NKT; nâng cao hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động trợ giúp NKT tham gia giao thông và tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ.

Tại buổi làm việc, đại diện Tổng cục Đường bộ, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục ĐTNĐ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam đều có ý kiến bổ sung thêm vào nội dung báo cáo.

Các đại biểu thuộc Đoàn kiểm tra của Ủy ban Quốc gia về NKT cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo, hoan nghênh những kết quả mà Bộ GTVT đã làm được trong thời gian qua đồng thời, cũng bổ sung những tồn tại, kiến nghị các giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong công tác hỗ trợ NKT của ngành GTVT.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định ngành GTVT luôn coi NKT là đối tượng phục vụ đặc biệt và việc phát triển giao thông tiếp cận cho NKT là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần quan tâm. Hiện tại ngành GTVT có 05 Bộ Luật, trong tất cả các Luật, đối tượng NKT đều được quan tâm, có sự lồng ghép cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Thứ trưởng cũng cho biết, khi xây dựng các chiến lược, quy hoạch của ngành đối tượng NKT đều được quan tâm và thảo luận, tạo một hành lang pháp lý các quy chuẩn, tiêu chuẩn khuyến cáo được ưu tiên cho NKT…

"Ngành GTVT chưa đáp ứng được đầy đủ so với nhu cầu phát triển của xã hội nhưng ngành GTVT đang cố gắng từng ngày phục vụ tốt hơn, hoàn thiện hơn, hướng tới chất lượng dịch vụ tốt hơn cho NKT. Đối với những vấn đề hiện đang còn tồn tại, bất cập mà xã hội đang đối mặt trong lĩnh vực giao thông tiếp cận, ngành GTVT đã và đang tiếp nhận thông tin và cố gắng khắc phục" Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đồng thời khẳng định Bộ GTVT sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát, trong quá trình thực hiện sẽ được triển khai trong các Đề án, Kế hoạch, cụ thể hóa trên từng lĩnh vực và lồng ghép vào các chương trình. Thứ trưởng cũng đề nghị Ủy ban Quốc gia về NKT tiếp tục quan tâm, tuyên truyền lồng ghép nhằm phục vụ tốt việc đi lại và đảm bảo ATGT cho NKT.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết cùng với sự phát triển của đất nước, hệ thống GTVT đã được cải thiện rất đáng kể. Các Tổng cục, các Cục chuyên ngành đã nhận thức, có trách nhiệm trong phát triển GTVT tiếp cận. Từ nhận thức, các cơ quan, đơn vị đã quán triệt sang hành động một cách nghiêm túc, giúp NKT hòa nhập với cộng đồng. Phó Chủ tịch Ủy ban khẳng định GTVT là yếu tố quyết định thúc đẩy sự hòa nhập của NKT. Từ đó, đoàn kiểm tra hoan nghênh Bộ GTVT đã triển khai nghiêm túc, trách nhiệm, chủ động, tích cực trong việc phát triển hệ thống GTVT nói chung và các quy chuẩn, tiêu chuẩn về giao thông tiếp cận nói riêng. Hiện tại, Đoàn đề nghị Bộ GTVT thường xuyên rà soát cập nhật, bổ sung hoàn thiện hệ thống các quu chuẩn, tiêu chuẩn theo sự phát trển chung của tiêu chuẩn quốc tế.

Phó Chủ tịch Ủy ban về NKT cho biết Bộ GTVT đã xây dựng, ban hành hệ thống văn bản QPPL tương đối hoàn thiện với các chính sách ưu tiên cho NKT, các tiêu chuẩn về nguồn nhân lực của ngành để phát triển GTVT không tách rời với NKT. Bộ GTVT đã có hẳn một tiểu ban, xây dựng được Đề án và Kế hoạch triển khai cụ thể cho từng năm, cho cả giai đoạn... Đặc biệt, Đoàn kiểm tra đánh giá rất cao công tác kiểm tra của Bộ GTVT đối với các địa phương, cơ quan, đơn vị; sự phối hợp của Bộ GTVT trong Ủy ban quốc gia về NKT, đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào những hoạt động chung; tạo điều kiện, hỗ trợ nhiều mặt đối với các sự kiện lớn. Đoàn cũng đánh giá cao báo cáo của Bộ GTVT, qua đó khẳng định trách nhiệm, sự quan tâm của Bộ đối với vấn đề NKT.

Phó Chủ tịch Ủy ban về NKT cũng nhấn mạnh, trên từng lĩnh vực GTVT, dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục kiên trì phấn đấu trong nhiều năm nữa với quyết tâm cao và sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành, địa phương. Thời gian tới, Ủy ban đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các các cơ quan tiếp tục rà soát lại hệ thống văn bản QPPL, các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn để sửa đổi, bổ sung cập nhật; tiếp tục tăng cường vai trò QLNN trong việc thẩm định, giám sát thực hiện, nghiệm thu, cấp phép đối với các công trình giao thông, đào tạo lái xe, văn hóa phục vụ…; hướng dẫn tra việc chấp hành luật pháp, chính sách của các tổ chức cá nhân trong các hoạt động GTVT, đặc biệt là các chính sách ưu đãi cho NKT.

"Đề nghị Bộ GTVT cần có Kế hoạch chỉ đạo các địa phương quan tâm đến các vấn đề giao thông tiếp cận ngay từ trong gia đình của NKT. Đồng thời, Ủy ban mong muốn Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nên có cuộc điều tra cơ bản xem ngành GTVT đã đạt được kết quả như thế nào về hạ tầng, phương tiện, thực hiện chính sách, so sánh với mục tiêu đề ra, coi đây là cơ sở để lập kế hoạch tiếp theo", Phó Chủ tịch Ủy ban về NKT VN, Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Nguyễn Trọng Đàm yêu cầu.

Nguồn: mt.gov.vn


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 136
Hôm qua : 339
Tháng 03 : 2.156
Năm 2024 : 13.504