A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nên giao ai chủ trì kiểm soát tải trọng xe?

Mô hình kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) dù có sự “vượt rào” về quy chế nhưng rất hiệu quả trên QL5 qua Hải Dương đặt ra hàng loạt câu hỏi về việc bố trí, phân công lực lượng, đơn vị chủ trì công tác KSTTX trên cả nước? Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện đã trả lời Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.

Mô hình kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) dù có sự "vượt rào" về quy chế nhưng rất hiệu quả trên QL5 qua Hải Dương đặt ra hàng loạt câu hỏi về việc bố trí, phân công lực lượng, đơn vị chủ trì công tác KSTTX trên cả nước? Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện đã trả lời Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.

Phân công, phân nhiệm rõ ràng

Ông đánh giá thế nào về mô hình kiểm soát tải trọng xe của Hải Dương. Theo ông, đâu là yếu tố quyết định đến sự thành công của mô hình này?

Đây là một cách làm khá toàn diện và quyết liệt khi Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời là Trưởng ban ATGT tỉnh trực tiếp chỉ đạo. Bên dưới có Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh được giao là trạm trưởng, đồng thời là trưởng đoàn kiểm tra liên ngành KSTTX. Có thể nói, đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả của công tác KSTTX tại Hải Dương thời gian qua. 

Mô hình này đã phát huy hiệu quả hơn khi có phân công trách nhiệm và có sự giám sát rõ ràng đối với từng lực lượng thực thi nhiệm vụ tại trạm KSTTX. Theo đó, mỗi lực lượng thực hiện nhiệm vụ KSTTX chỉ làm một nhiệm vụ chính để tránh sự chồng chéo. Cảnh sát giao thông chỉ thực hiện nhiệm vụ dừng xe, nhân viên vận hành cân kiểm tra còn lực lượng thanh tra giao thông làm nhiệm vụ lập biên bản xử lý vi phạm. 

Nhưng lãnh đạo Hải Dương cũng không giấu diếm đây là cách làm "vượt rào", khác biệt so với quy chế của liên Bộ GTVT - Công an. Ông có nhận xét gì về việc này?

Tôi đánh giá đây là một mô hình làm tốt nhất cả nước trong việc KSTTX. Bên cạnh việc tổ chức cân xe trên đường, yêu cầu ký cam kết không chở quá tải, Hải Dương cùng với Nghệ An cũng là hai tỉnh xóa bỏ 100% xe cơi nới thùng hàng và kiểm soát khá triệt để tình trạng này.

Trong quá trình triển khai, một số địa phương, trong đó có Hải Dương vận dụng những mô hình khác nhau để phù hợp với tình hình thực tế của mỗi nơi và cũng cho những kết quả khác nhau. Tuy nhiên, như đã nói, mô hình của Hải Dương đã cho thấy sự hợp lý và hiệu quả nhất. 

Tại cuộc họp rút kinh nghiệm đối với 12 tỉnh phía Bắc có nhiều xe quá tải và các mỏ vật liệu vừa diễn ra, 100% các tỉnh đều đồng loạt đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ Công an thống nhất nhân rộng áp dụng mô hình này để công tác KSTTX triệt để và đạt được sự bền vững.

Lãnh đạo địa phương quyết liệt, sẽ KSTTX thành công

Vậy quan điểm của ông là ủng hộ nhân rộng mô hình của Hải Dương?

Chúng tôi sẽ có báo cáo Bộ GTVT và Bộ Công an trình Chính phủ để ủng hộ mô hình này. Mô hình này cũng khẳng định một điều, nếu lãnh đạo tỉnh thực hiện quyết liệt thì tỉnh nào cũng thành công trong công tác KSTTX. Đặc biệt, khi các cấp ủy Đảng và lãnh đạo cao nhất của địa phương có quyết tâm thì tôi tin không phải mất một năm mới cơ bản giải quyết được tình trạng xe quá tải mà chỉ 1 - 3 tháng là có thể kiểm soát được.

Để bảo đảm việc thực hiện đạt được mục tiêu, chúng tôi sẽ đề xuất với Bộ GTVT và Bộ Công an có những chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa trong công tác KSTTX. Bên cạnh đó, tôi được biết thời gian tới, Chính phủ cũng trực tiếp có những chỉ đạo đối với các địa phương về vấn đề này. Vì thế, chắc chắn sự quyết tâm và quyết liệt của các cơ quan chức năng và địa phương trong công tác KSTTX sẽ được tăng lên mạnh mẽ hơn.

Sau khoảng 8 tháng triển khai, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, các lực lượng triển khai KSTTX chịu nhiều vất vả, gian truân nhưng chế độ đãi ngộ chưa thực sự tương xứng.Với vai trò là người chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện chiến dịch này, ông có chia sẻ gì?

Bản thân tôi cũng đã trực tiếp kiểm tra nhiều trạm KSTTX cả ban ngày lẫn ban đêm nên rất chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các lực lượng này. Thực tế, trong năm qua, các lực lượng đều làm theo tinh thần trách nhiệm và chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên. Còn nói về chế độ bồi dưỡng để tái tạo sức lao động thì chưa phù hợp, họ còn đang phải hy sinh rất nhiều. Tuy đâu đó vẫn còn có những trường hợp tiêu cực, nhưng theo tôi đây chỉ là thiểu số. 

Vì thế, tôi kiến nghị với Bộ Tài chính, Bộ GTVT và Bộ Công an có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cho phép dùng tiền xử phạt trang bị thiết bị, công vụ và bồi dưỡng cho lực lượng KSTTX có chế độ bồi dưỡng tương xứng hơn để anh em yên tâm công tác. 

Cảm ơn ông!

(Nguồn giaothongvantai.com.vn)


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 88
Hôm qua : 132
Tháng 04 : 3.244
Năm 2024 : 17.152