A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường các giải pháp đảm bảo TT ATGT

Đây là chỉ đạo của đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT QG tại buổi làm việc của Ban Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia vừa được tổ chức nhằm đánh giá kết quả về công tác bảo đảm trật tự ATGT tháng 8 và nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng 9/2016, sáng 7/9 tại Trụ sở Bộ GTVT. Đồng chí Trương Quang Nghĩa - Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia đồng chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT, Phó Trưởng ban Ban Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia; Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia; Đỗ Nga Việt - Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (phải) và Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa (trái) chủ trì cuộc họp

 

Báo cáo tại cuộc họp, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện về bảo đảm TTATGT trong thời gian Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2016 - 2017; Ủy ban ATGT Quốc gia đã ban hành hai kế hoạch và 8 văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT, cũng như điều tra, chấn chỉnh, khắc phục hậu quả các vụ TNGT, trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đều có văn bản triển khai nghiêm túc, hiệu quả, góp phần kéo giảm TNGT trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và bảo đảm TTATGT trong dịp khai giảng năm học mới và ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.

Trong tháng 8/2016, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý gần 400.000 trường hợp vi phạm TTATGT, Kho bạc Nhà nước thu gần 212 tỷ đồng; tạm giữ gần 4.000 xe ô tô, 40.000 xe mô tô và trên 900 phương tiện khác; tước GPLX gần 38.000 trường hợp. Thanh tra Bộ GTVT cũng đã chủ trì triển khai tổng số 21 cuộc thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt, sau 1 tháng triển khai thực hiện Nghị định số 46 ngày 25/6/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, lực lượng CSGT đã xử lý trên 100.000 trường hợp vi phạm TTATGT, Kho bạc Nhà nước thu gần 76 tỷ đồng; tước GPLX trên 8.000 trường hợp; tạm giữ gần 700 xe ô tô, trên 15.000 xe mô tô.

 

Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng báo cáo tại cuộc họp

 

"Nhìn tổng thể thì tình hình TNGT trong 8 tháng đầu năm tiếp tục được kiềm chế, cả 3 tiêu chí về TNGT tiếp tục được kéo giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, tình hình TTATGT trong tháng 8/2016 lại diễn biến phức tạp, TNGT tăng cả 02 tiêu chí về số vụ và số người chết, đặc biệt là TNGT đường bộ tăng 2,73% về số vụ và tăng 7,9% số người chết (51 người); TNGT đường thủy nội địa tăng 266.67% về số vụ và tăng 166.67% số người chết" - ông Khuất Việt Hùng cho biết.

Điều hành buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT QG, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa  đồng tình với báo cáo của đồng chí Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT QG Khuất Việt Hùng. Đồng thời, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ ra các nguyên nhân khiến các chỉ số TT ATGT tăng trong tháng 8/2016. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực cho rằng, do còn tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước về ATGT đối với kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải, kỹ thuật phương tiện trên đường bộ và đường thuỷ nội địa; hạ tầng giao thông tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT; công tác TTKS trên các tuyến đường quốc lộ, đường nội thị, đường nông thôn tại một số địa phương chưa được thường xuyên, liên tục; ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao...Do đó, tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT QG Trương Quang Nghĩa đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT phát biểu ý kiến, tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể để kiểm soát tình hình TTATGT trong tháng 9 và từ nay đến cuối năm.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong năm 2016 và 2017 sẽ xử lý được khoảng 550 điểm tập trung vào các điểm nguy hiểm cấp bách và các điểm có kinh phí nhỏ lẻ với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng, thực hiện ngay bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ.

"Các điểm khác trước mắt xử lý tạm thời bằng biển báo, gờ giảm tốc, phát quang, gương cầu. Các điểm còn lại (sau khi đã xử lý tạm) 293 điềm (kinh phí 1.224 tỷ) sẽ xử lý dần trong kế hoạch bảo trì hàng năm hoặc bằng các dự án xây dựng cơ bản" - ông Nguyễn Văn Huyện nói.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, việc xử lý thay thế 3.271 biển báo dưới 50km, TNGT giảm và giao thông đảm bảo; tuy nhiên, theo Quy chuẩn 41 đến ngày 1/11/2016 có hiệu lực thì các tỉnh, thành tiếp tục rà soát bổ sung các biển báo chữ nhỏ không phù hợp, sẽ thay thế sửa chữa, nếu làm ngay là 2.200 tỷ kinh phí rất lớn nên cần làm dần. Các đường có bề rộng trên 5,75m có sơn kẻ vạch đường, giảm thiểu TNGT.

Theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), tình hình TNGT tháng 8/2016 tăng so với tháng 7/2016, nguyên nhân là do trong tháng 8 có nhiều lễ hội lớn, tác động của khu vực miền Trung (đặc biệt ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình), bão lũ... Tuy nhiên, Thiếu tướng Hà cho biết, từ ngày 1/7/2016 triển khai thực hiện Nghị định số 46/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ KCHTGT đường bộ, tình trạng vi phạm trật tự ATGT giảm rõ rệt, cần tiếp tục tăng cường công tác xử lý vi phạm theo quy định.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà đề nghị Chính phủ phải có quốc sách mạnh, công tác quản lý nhà nước phải quyết liệt hơn nữa, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; Cục đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục tập trung khắc phục các điểm đen TNGT, có các biện pháp đồng bộ, tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền, tập trung xử lý về nồng độ cồn,…

 

Thứ trưởng Lê Đình Thọ - Phó trưởng Ban Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại cuộc họp

 

Thứ trưởng Lê Đình Thọ - Phó Trưởng Ban Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng để kéo giảm TNGT, ngay trong tháng 9/2016 này, các cơ quan phải chủ động theo dõi, phòng ngừa TNGT và phải đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực.

"Theo tôi, để kiềm chế TNGT trong tháng 9 và các tháng cuối năm, cần phải thành lập ngay các đoàn kiểm tra thành phần là cán bộ của Ủy ban ATGT QG, Bộ GTVT và Bộ Công an đi một số tỉnh có tỷ lệ TNGT gia tăng để làm việc với lãnh đạo Tỉnh. Trước khi đến địa phương, Đoàn công tác phải có nghiên cứu cụ thể để chỉ ra được với lãnh đạo Tỉnh và có giải pháp phù hợp tại địa phương đó", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác KSTTX; xử lý điểm đen TNGT; triển khai thực hiện tốt Nghị định 46 của Chính phủ; có các giải pháp bảo đảm ATGT tại các khu công nghiệp, nông thôn, miền núi; đồng thời đề nghị TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo vận tải hành khách, bảo đảm ATGT, tránh ùn tắc giao thông...

Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình nhấn mạnh với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ GTVT, tình hình TNGT trong 8 tháng đầu năm tiếp tục được kiềm chế, cả 3 tiêu chí về TNGT tiếp tục được kéo giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đặc biệt là tình hình TTATGT trong dịp nghỉ Lễ 2/9 và Khai giảng năm học mới được bảo đảm, TNGT giảm sâu so với kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2016 gần đây. Điều đó thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT.

Phó Thủ tướng đánh giá tuy trong 8 tháng đầu năm 2016 TNGT giảm cả 3 tiêu chí, về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng tình hình TTATGT trong tháng 8/2016 lại đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, TNGT lại tăng cả 02 tiêu chí về số vụ và số người chết, đặc biệt là TNGT đường bộ và đường thủy nội địa. Tình hình vi phạm về tải trọng phương tiện tuy đã được kiểm soát, tuy nhiên, trong 2 năm qua, tỷ lệ giữa số phương tiện vi phạm chở quá tải trọng được phát hiện trên tổng số phương tiện đưa vào kiểm tra là rất thấp, riêng trong năm 2015 nhiều nơi có tỷ lệ dưới 10%, thậm chí có nơi chỉ đạt dưới 6%.

Để ngăn chặn và kéo giảm ngay TNGT, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành là thành viên Ủy ban ATGT QG, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT theo Kế hoạch đã xây dựng từ đầu năm 2016, cũng như theo các nội dung chỉ đạo trong các Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban ATGT Quốc gia thời gian qua.

"Chúng ta phải tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 186 của Phó Thủ tướng - Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATGT trong 6 tháng đầu năm 2016; đồng thời phải khẳng định lại là chúng ta kiên quyết, triệt để thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ (Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1/8/2016), không do dự, không chần chừ, không dao động và không đặt lại vấn đề" - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Theo Phó Thủ tướng, trên thế giới đã triển khai, thực hiện quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt từ rất sớm, Việt Nam đang làm là chậm hơn thế giới, nên phải kiên quyết làm, có làm triệt để như thế thì mới tạo được sự chuyển biến. Phó Thủ tướng yêu cầu quá trình triển khai thực hiện phải kết hợp với tuyên truyền, giáo dục, vận động và phải xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật; đồng thời phải cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện; tổ chức tốt công tác quản lý nhà nước, gắn cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Phó Thủ tướng lưu ý Ủy ban ATGT Quốc gia, Trung ương MTTQ Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan, từ công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và xử phạt vi phạm TTATGT nghiên cứu, xây dựng nội dung, kế hoạch phát động phong trào toàn dân chấp hành quy định ATGT, xây dựng văn hóa giao thông nhằm bảo đảm TTATGT; gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư...

Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2016, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục đôn đốc và kiểm tra các Bộ, ngành thành viên và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức ngay các đoàn kiểm tra đi làm việc tại những tỉnh, thành phố có TNGT tăng cao trong 8 tháng đầu năm 2016. Các cơ quan chức năng của Bộ GTVT và các địa phương, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị cần nâng cao vai trò, trách nhiệm hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai, thực hiện các giải pháp tăng cường ATGT kết cấu hạ tầng, vận tải và phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Công an các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền và xử phạt theo quy định tại Nghị định 46; tổng kết, đánh giá kết quả đợt cao điểm bảo đảm TTATGT – trật tự xã hội, trong đó trọng tâm là cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn từ ngày 16/8 đến hết 15/9/2016; tiếp tục chỉ đạo CSGT các địa phương duy trì thực hiện kiểm soát vi phạm nồng độ cồn từ giờ đến hết năm Âm lịch.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch năm ATGT 2016, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết luận của Phó Thủ tướng - Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo đảm ATGT 6 tháng đầu năm 2016.

"Tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo và Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia phải đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp bảo đảm TTATGT cho lãnh đạo Bộ, ngành, đoàn thể để chỉ đạo, triển khai thực iện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT trên tất cả các lĩnh vực" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, 8 tháng đầu năm 2016, toàn quốc xảy ra 13.612 vụ TNGT, làm chết 5.728 người, làm bị thương 11.781 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.010 vụ (-6,91%), giảm 93 người chết (-1,6%), giảm 1.456 người bị thương (-11%). Tính riêng tháng 8/2016, toàn quốc xảy ra 1.760 vụ TNGT, làm chết 705 người, làm bị thương 1.495 người. So với cùng kỳ năm 2015 tăng 48 vụ (2,8%), tăng 51 người chết (7,8%), giảm 96 người bị thương (-6,03%). Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chưa có chuyển biến tích cực so với những tháng trước, ùn tắc giao thông vẫn xảy ra trên các tuyến đường trọng điểm ra vào hai Thành phố.

 

Nguồn: mt.gov.vn


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 102
Hôm qua : 93
Tháng 04 : 2.451
Năm 2024 : 16.359