A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đột phá hạ tầng giao thông phục vụ dân và doanh nghiệp

Ngành GTVT tiếp tục nỗ lực tạo đột phá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ.

 

Bộ GTVT tiếp tục mục tiêu đến năm 2020 đạt hơn 2.200km cao tốc(Cầu Long Thành trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây).
 

Để kiến tạo và phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp theo tinh thần của Chính phủ, những năm tới, ngành GTVT tiếp tục nỗ lực tạo đột phá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, trong đó ưu tiên đặc biệt cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông.

 

Đầu tư cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông theo hình thức PPP

 

Với tinh thần "đi trước mở đường", ngành GTVT đã có sự đột phá mạnh mẽ trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Trong 5 năm gần đây đã đưa khoảng 300 trăm công trình giao thông lớn vào khai thác. Điển hình nhất là hai đại dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thành trước tiến độ yêu cầu của Chính phủ từ 12 - 18 tháng. Cùng đó là hàng loạt tuyến cao tốc hiện đại cũng được đưa vào khai thác, cải thiện đáng kể giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Minh chứng rõ nhất là theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), mức hữu dụng và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng tới 36 bậc so với năm 2011.

 

Đánh giá cao những kết quả ngành GTVT đã đạt được, tuy nhiên, chia sẻ với Báo Giao thông, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những năm tới hạ tầng giao thông cần nhiều hơn sự đột phá như vậy. PGS. TS. Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông cho biết, những năm gần đây, ngành GTVT xây dựng được nhiều tuyến đường cao tốc, nhưng chủ yếu là các tuyến có cự ly ngắn, chưa xây dựng được tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ngoài ra, hệ thống đường sắt Bắc - Nam hiện vẫn ở vào thế độc tuyến, chưa tạo được các liên kết dạng mạng và còn thiếu những tuyến đường sắt dẫn tới các khu kinh tế.

"Để tạo đột phá trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, ngành GTVT phải khẩn trương xây dựng và hoàn chỉnh tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, kết nối các vùng miền, các trung tâm kinh tế và sớm đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao", PGS. TS. Nguyễn Văn Thụ nói và cho rằng, một trong những định hướng lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2020 đặt ra là chuyển phương thức chỉ đạo, điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Đối với ngành GTVT, để kiến tạo và phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, trước hết cần đột phá đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.

 

Nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Thụ cũng là mục tiêu lớn mà ngành GTVT đặt ra trong nhiệm kỳ 2016-2020. Để hiện thực hóa điều này, ngay từ đầu năm 2016, ngành GTVT đã tập trung điều chỉnh toàn bộ quy hoạch của 5 lĩnh vực: Đường bộ, hàng không, hàng hải, đường sắt và đường thủy nội địa. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển hệ thống đường bộ, ngành GTVT đặt ra mục tiêu trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, đầu tư xây dựng thêm khoảng 1.500km đường cao tốc, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư để nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông đoạn Hà Nội - TP.HCM năm 2020.

 

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), Bộ GTVT đang gấp rút hoàn thiện đề án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông đoạn Hà Nội - TP.HCM với chiều dài các đoạn còn lại cần đầu tư khoảng 1.300km theo hình thức đối tác công tư (PPP). Về quy mô, Bộ GTVT đề xuất phương án phân kỳ đầu tư, trong đó giai đoạn I đầu tư theo quy mô tối thiểu bốn làn hạn chế (17m) và GPMB theo quy mô hoàn chỉnh. Trong đó, đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là các đoạn có nhu cầu vận tải lớn sẽ đầu tư theo quy mô bốn làn hoàn chỉnh, nền đường rộng tối thiểu 22m, GPMB theo quy mô 6 làn. Còn lại, các đoạn Vinh - Túy Loan và Quảng Ngãi - Phan Thiết có nhu cầu vận tải thấp hơn sẽ đầu tư theo quy mô bốn làn hạn chế, nền đường rộng tối thiểu 17m, GPMB theo quy mô bốn làn hoàn chỉnh.

 

Ông Lâm cho biết, các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới gần 230 nghìn tỷ đồng. Nếu chỉ thu phí các phương tiện sẽ không thể hoàn vốn. Theo đó, để dự án khả thi về mặt tài chính, trong đề án Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép phát hành một gói TPCP riêng ngoài kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 khoảng 93.540 tỷ đồng để có tiền đầu tư.

 

Liên quan đến dự án này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đánh giá: "Đây là dự án rất cấp thiết phải đầu tư bởi áp lực giao thông lên QL1 hiện nay rất lớn. Bộ GTVT đang cố gắng phấn đấu khởi công dự án vào đầu năm 2017 và hoàn thành vào năm 2020".
 

 

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng hàng không, hàng hải…

 

Không chỉ tập trung vào đường bộ, theo lãnh đạo Bộ GTVT, giai đoạn 2016-2020, ngành GTVT sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng ở các lĩnh vực: Hàng không, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa. Trong đó, ở lĩnh vực hàng không, ngành GTVT sẽ tập trung vào công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) để sớm triển khai xây dựng CHK quốc tế Long Thành. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự kiến, dự án này sẽ khởi công trong năm 2019 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2022.

 

"Ngoài ra, để giảm thiểu tình trạng quá tải tại các sân bay, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ mở rộng các nhà ga tại Sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, đồng thời tăng cường công tác quản lý đảm bảo an toàn bay, giảm tối đa tình trạng chậm, hủy chuyến và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách ngày càng tốt hơn", Thứ trưởng Trường nói.

 

Liên quan đến lĩnh vực hàng hải, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT đang tập trung hoàn thiện đầu tư các cảng biển, trong đó tập trung vào cảng Lạch Huyện và Cái Lân khu vực phía Bắc, đồng thời phát huy tối đa các cảng trung chuyển của Cái Mép - Thị Vải khu vực phía Nam, cũng như hệ thống cảng biển liên doanh. Cùng đó, Bộ GTVT đang tiến hành tổ chức lại các cảng biển trên địa bàn cả nước theo hướng cổ phần hóa, Nhà nước chi phối để có định hướng phát triển các loại cảng phù hợp với các nguồn hàng và tăng cường dịch vụ logistics nhằm kết nối với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy ngày càng tốt hơn.

 

Nguồn: mt.gov.vn


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 65
Hôm qua : 93
Tháng 04 : 2.414
Năm 2024 : 16.322