A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Công khai thu phí dự án BOT để dân giám sát

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, 9 tháng đầu năm, Bộ GTVT cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

 

Trả lời phỏng vấn Báo Giao thông trước thềm Hội nghị giao ban Bộ GTVT quý III/2016 diễn ra hôm nay (29/9), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, 9 tháng đầu năm, Bộ GTVT cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong đó có yêu cầu các dự án BOT phải công khai mức thu, thời gian thu phí để người dân giám sát, kiểm tra.

Đẩy mạnh quyết toán dự án QL1, đường Hồ Chí Minh

Thứ trưởng đánh giá thế nào về kết quả triển khai nhiệm vụ của Bộ GTVT trong 9 tháng đầu năm 2016. Theo ông, đâu là những kết quả nổi bật?

Theo tôi, nhiệm vụ quan trọng nhất của quản lý Nhà nước là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Điều này tiếp tục được Bộ GTVT thực hiện tốt trong những tháng đầu năm 2016. Trong đó, Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp diễn ra trong tháng 10. Đến nay, dự thảo đã cơ bản hoàn thiện. Hiện, Bộ cũng đang soạn thảo, lấy ý kiến góp ý, bổ sung dự thảo Luật GTĐB để làm cơ sở sửa đổi vào năm 2017 hoặc đầu năm 2018. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang rà soát lại các đề án đã ban hành để trên cơ sở đó đẩy nhanh hoặc dừng thực hiện đối với các đề án chưa phù hợp.

"Bộ GTVT tiếp tục thực hiện đề án tinh giản bộ máy hành chính, phấn đấu mỗi năm giảm từ 10 - 15% biên chế và thực hiện 100% việc thi tuyển công chức mới theo đúng quy định của Bộ Nội vụ. Bộ cũng đăng ký với Chính phủ tiếp tục thực hiện việc thi tuyển đối với cán bộ quản lý từ cấp Vụ trở lên".

Thứ trưởng
Nguyễn Hồng Trường

Hiện nay, Bộ GTVT đang rà soát lại các quy hoạch của ngành và các lĩnh vực, trong đó tập trung vào lĩnh vực đường bộ, làm việc với các địa phương để xây dựng hệ thống kết nối GTVT phù hợp với chiến lược phát triển đất nước trong thời gian tới. Cùng đó, thời gian qua, Bộ GTVT đẩy nhanh việc triển khai, phê duyệt kiến trúc sân bay Long Thành; Khởi động lại và xin chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao làm cơ sở trình Quốc hội, Chính phủ trong năm 2017. Hiện, Bộ đang tập trung xây dựng phương án tài chính, xin chủ trương của Chính phủ để xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Thời gian qua, chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm cũng như triển khai thực hiện giải ngân vốn dư của dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, đồng thời, phấn đấu hoàn thành giải ngân các dự án xây dựng cơ bản (XDCB) theo yêu cầu, tiến độ. Trong lĩnh vực vận tải, Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86, trong đó tập trung xây dựng đề án tổ chức các tuyến vận tải cố định; Triển khai quyết liệt Nghị định số 46 trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB.

Vấn đề thanh, quyết toán các dự án hoàn thành, nhất là trên các tuyến QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đang chậm và gặp nhiều vướng mắc. Bộ GTVT có giải pháp gì để đẩy nhanh công tác này?

Thực hiện chủ trương chung của Chính phủ, Bộ GTVT đang đẩy nhanh quyết toán dự án hoàn thành các dự án trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên làm cơ sở đầu tư dự án mới. Với các dự án BOT cũng đẩy nhanh quyết toán để làm cơ sở công khai nguồn vốn, làm rõ hiệu quả của các dự án. Đến nay, Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo và phấn đấu hoàn thành việc quyết toán các dự án trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trong quý II/2017. Đẩy mạnh quyết toán các dự án còn lại và coi đây là nội dung quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Ban QLDA là đại diện chủ đầu tư làm cơ sở xếp hạng thi đua hàng năm.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, Bộ đã cho phép trưng dụng cán bộ của các Ban QLDA về Bộ nhằm thực hiện tốt việc kiểm toán. Bộ cũng chủ động làm việc với các đoàn kiểm toán, đặc biệt là Kiểm toán Nhà nước và các đoàn thanh tra độc lập, Thanh tra Nhà nước, thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Chính phủ để phục vụ tốt việc kiểm toán nhằm xử lý các vấn đề còn tồn tại, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong công tác quản lý dự án, giảm thiểu thất thoát, lãng phí tại các dự án.

 

Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ảnh: Tạ Tuấn

 

Nâng cao chỉ số hài lòng của người dân

Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN thực hiện việc kiểm tra, giám sát công tác thu phí tại nhiều dự án BOT như: QL5, QL18, Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang… Xin Thứ trưởng cho biết, kết quả của việc giám sát này ra sao, tới đây Bộ GTVT có thêm giải pháp gì để minh bạch, chống thất thoát phí?

Hiện, nhiều dự án BOT trên QL1, QL5, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và các tuyến quốc lộ khác đã đi vào thu phí hoàn vốn. Để đảm bảo minh bạch, công khai các dự án này, Bộ đã giao Tổng cục Đường bộ VN trực tiếp kiểm tra việc thu phí tại các dự án lớn nêu trên. Qua kiểm tra phát hiện một số tồn tại như: Các chủ đầu tư chưa thực hiện triệt để công nghệ thu phí một dừng và còn chậm triển khai công nghệ thu phí không dừng. Bên cạnh đó, việc quyết toán số thu trong ngày chưa kịp thời dẫn đến một số sai sót giữa số thu thực tế so với hệ thống dữ liệu giám sát thu phí. Bộ đã yêu cầu nhà đầu tư phải chấm dứt ngay tình trạng thu phí thủ công và tiếp tục theo dõi đối với các trạm thu phí này để làm cơ sở tính toán lại thời gian hoàn vốn. Đồng thời, cũng yêu cầu các cơ quan liên quan như: Thuế, ngân hàng cho vay vốn phối hợp để quản lý tốt nguồn thu, thu đúng, thu đủ, chống thất thoát phí.

Từ nay đến hết năm 2017, tất cả các dự án thu phí theo hình thức BOT sẽ được Bộ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và ngay tại các trạm thu phí về thời gian, mức thu phí của các dự án để nhân dân giám sát, kiểm tra.

Bộ GTVT đã bốn năm liên tiếp dẫn đầu cải cách hành chính theo công bố của Bộ Nội vụ mới đây. Xin Thứ trưởng cho biết, Bộ cần làm gì để tiếp tục đà cải cách, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cũng như cung cấp các dịch vụ công tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp?

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn công tác cải cách hành chính. Trong đó, đặc biệt là cải cách về thủ tục hành chính thông qua các dịch vụ công, phấn đấu đưa các dịch vụ lên cấp độ 3, tăng thêm các dịch vụ cấp độ 4 và giảm dần các dịch vụ cấp độ 2. Năm nay, Bộ GTVT phấn đấu sẽ có 100 dịch vụ công cấp độ 3 thay vì 50 như hiện nay. Phấn đấu cuối năm nay sẽ có từ 10 - 15 thủ tục hành chính ở cấp độ 4, đạt khoảng 20 - 25% số lượng dịch vụ công. Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để nâng cao chỉ số hài lòng của doanh nghiệp và người dân lên trên 80 điểm so với mức 65 điểm như hiện nay.

Hoàn thiện thủ tục đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Thời gian còn lại của năm 2016 không nhiều, Thứ trưởng có thể cho biết những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ GTVT sẽ ưu tiên thực hiện từ nay đến cuối năm?

Có bốn nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ GTVT sẽ ưu tiên tập trung. Trong đó, Bộ sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án xây dựng cơ bản, đặc biệt là các nguồn được giao theo kế hoạch giai đoạn 2015 - 2016 và sử dụng vốn dư QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Rà soát tiến độ triển khai các dự án trọng điểm quốc gia trong cả 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy) làm cơ sở hoàn thành mục tiêu cho giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn thực hiện đề án xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam trình Quốc hội và Chính phủ thông qua. Dự kiến trong năm 2016, sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ chế chính sách để triển khai trong năm 2017, phấn đấu hoàn thành tuyến cao tốc này vào cuối năm 2020.

Thứ hai là tiếp tục xây dựng giải pháp kết nối các phương thức vận tải, giảm áp lực cho đường bộ, tăng cường cho vận tải hàng hải, đường thủy nội địa và đường sắt; Phối hợp với các thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM đẩy nhanh các dự án đường sắt nội đô, xây dựng phương án giảm ùn tắc giao thông. Cùng hai thành phố xây dựng đề án giảm thiểu xe cá nhân vào nội đô giờ cao điểm.

Thứ ba, Bộ tiếp tục làm việc với các địa phương để huy động các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Phân cấp mạnh hơn cho các địa phương thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng cũng như đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra các dự án đầu tư để thực hiện tốt Luật Đầu tư công, chống thất thoát, minh bạch các nguồn vốn, đặc biệt các nguồn vốn xã hội hóa.

Cuối cùng là thực hiện đề án tái cơ cấu, sắp xếp lại các cơ quan quản lý của Bộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn như: Sắp xếp lại các Ban QLDA, đẩy mạnh CPH doanh nghiệp, chuyển các doanh nghiệp có vốn Nhà nước sang cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý. Bên cạnh đó, thực hiện cổ phần các doanh nghiệp còn lại theo đúng đề án của Chính phủ.

Nguồn: Báo Giao thông


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 22
Hôm qua : 55
Tháng 04 : 2.278
Năm 2024 : 16.186