A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cầu Thăng Long - công trình của tình hữu nghị Việt – Xô

Cầu Thăng Long với ý nghĩa là “Rồng bay”, là khởi đầu cho một vóc dáng Hà Nội hiện đại, bề thế mở rộng về phía Tây Bắc.

 

Ảnh minh họa

 

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở vào giai đoạn ác liệt nhất, năm 1972, Đảng và Nhà nước quyết định cho xây dựng cầu Thăng Long. Cây cầu thứ hai bắc qua sông Hồng sau cầu Thăng Long tại Hà Nội cũng có liên quan tới Rồng: Cầu Long Biên. Cầu Thăng Long được xây dựng cách cầu Long Biên 11km về phía thượng lưu sông Hồng. Cầu Thăng Long khởi công ngày 26/11/1974. Thời kỳ đầu, Trung Quốc giúp ta xây dựng nhưng được khoảng 20% khối lượng công trình thì ngừng lại. Đến cuối năm 1978, Liên Xô giúp ta xây dựng tiếp cho đến khi hoàn thành.

Cầu Thăng Long được thiết kế gồm hai tầng, tầng trên dành cho ô tô, tầng dưới dành cho đường sắt. Cầu đường sắt dài hơn 5km; cầu đường bộ cho ô tô dài trên 3,1km. Tổng chiều dài của toàn bộ cầu xấp xỉ 10,7km, dài nhất Việt Nam tính tới thời điểm đó. Cầu được sử dụng công nghệ hiện đại nhất, vì thế nó xứng danh là "công trình thế kỷ", đặc biệt là trong hoàn cảnh Việt Nam lúc bấy giờ. Cầu chính có 15 nhịp đặt trên 14 trụ và hai mố cao 14m; phần cầu dẫn ở hai bên bờ bắc và bờ nam cho xe lửa và xe ô tô riêng rẽ nhau. Kể cả phần cầu dẫn trên hai bờ thì đường cho xe lửa dài 5.503m; đường cho xe ô tô dài 3.200m; đường cho xe thô sơ và người đi bộ dài 2.650m.

Ở thời đó, cầu Thăng Long là công trình đầu tiên cán bộ và công nhân xây dựng cầu Việt Nam được trực tiếp thi công - một cây cầu có quy mô lớn và vào loại bậc nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á. Lần đầu tiên những người thợ cầu được tiếp xúc với nhiều vấn đề về tổ chức thi công và phương pháp kỹ thuật mới, trong đó tiêu biểu là đắp đảo bằng bao tải, thay thế khung vây cọc ván thép để xây dựng móng giếng chìm cỡ lớn rộng 18m và bịt đáy trụ cầu ở độ sâu 40m trong nền địa chất sét cát, sỏi cuội.

 

Ảnh minh họa

 

Việc thi công móng trụ cầu bằng công nghệ "định vị giếng chìm chở nổi" đối với thợ cầu Việt Nam còn là điều rất mới. Song khi đó, được sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia Liên Xô, thợ cầu Thăng Long đã vượt qua được những bỡ ngỡ về công nghệ; đã có 16 trụ cầu chính được xây dựng trong điều kiện khó khăn, luôn phải chống chọi với mưa lũ.

Sau này, khi lắp những dàn dầm thép đồ sộ, lần đầu tiên người thợ cầu được học hỏi và tiếp xúc với quy trình công nghệ mới của Đông Âu. Những công việc phun cát, phun sơn, lắp hẫng các dàn dầm thép bằng bu-lông cường độ cao đã được bàn tay của người thợ cầu Thăng Long dựng lên trong sự kính nể của các chuyên gia Liên Xô thời đó.

Một khối lượng sắt thép, bê tông khổng lồ phục vụ cho tiến độ thi công một cây cầu dài 11km; có 175 trụ mố bê tông các loại; 15 nhịp dầm thép mỗi nhịp dài 112m; 939 phiến dầm bê tông dự ứng lực, mỗi phiến dài 31,6m, các khối lượng bê tông được đổ liên tục trong 230 ngày; sản xuất, gia công lắp ráp 55 ngàn tấn thép. Công trường được trải dài 192 ha thuộc 8 xã của 2 huyện Đông Anh và Từ Liêm (cũ). Mô hình xí nghiệp liên hợp (gọi theo đúng nghĩa) là một điều đặc biệt mới mẻ với nghề xây dựng cầu lúc bấy giờ.

Việc thi công cầu Thăng Long do Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long đảm nhiệm (gồm 4 xí nghiệp cầu, 01 xí nghiệp cơ giới). Lực lượng CB, CNV lúc đầu là 1.600 người, sau tăng lên đến 8.300 người. Liên Xô đã giúp ta đào tạo công nhân kỹ thuật như: Thợ lặn sâu 50m, phun sơn, hàn tự động, kiểm tra hàn…

Hơn 30 năm đưa vào khai thác, cầu Thăng Long đã góp phần không nhỏ trong giao thông, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa các tỉnh phía Bắc với Thủ đô Hà Nội. Cầu Thăng Long - một biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô được khánh thành vào ngày 9/5/1985 nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng phát xít. Năm tháng qua đi, nhiều cây cầu mới khác được xây dựng vượt qua sông Hồng như Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng cầu Thăng Long vẫn có một vẻ đẹp riêng và là chiếc cầu hữu nghị nối liền Thủ đô với sân bay Nội Bài, cửa ngõ quan trọng đưa khách quốc tế đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

 

Nguồn: Tạp chí GTVT


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 8
Hôm nay : 2
Hôm qua : 93
Tháng 04 : 2.351
Năm 2024 : 16.259