A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần cơ chế đặc thù để hoàn thành công trình trọng điểm

Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội thực hiện 51 dự án, công trình trọng điểm (nhiều gấp 3 lần so với giai đoạn trước), tuy nhiên Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, số lượng này vẫn chưa giải quyết hết được thách thức đặt ra về hạ tầng đô thị Hà Nội.

Ảnh minh họa

 

51 dự án với tổng mức đầu tư trên 276 nghìn tỷ đồng

Giai đoạn 2016-2020, TP.Hà Nội xác định danh mục 51 công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư trên 276 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 11 công trình chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 và 40 dự án mới giai đoạn 2016-2020. Phân theo hình thức đầu tư, có 31 dự án sử dụng vốn ngân sách và ODA, 20 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Có 6 dự án từ ngân sách sang danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP gồm: Dự án xây dựng nút giao giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (huyện Hoài Đức); cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 3 kéo dài, đoạn Ga Hà Nội-Hoàng Mai; Trung tâm phức hợp Y học Bệnh viện Tim Hà Nội tại Tây Hồ; xây dựng khu công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm TP. Hà Nội.

Tại buổi giao ban của Thành ủy-HĐND-UBND với các quận, huyện thị xã quý III/2016 tổ chức sáng 28/9, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với khối lượng các dự án, công trình trọng điểm như trên đòi hỏi phải quyết liệt trong công tác GPMB, bởi hiện đã có 3-4 dự án đình trệ do vướng GPMB.

Bên cạnh đó phải đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án hợp tác công-tư (PPP), bởi theo quy định 1 dự án nhóm A có thời gian chuẩn bị từ 750-780 ngày, nếu không có cơ chế đặc thù sẽ không đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó, với các dự án sử dụng vốn vay ODA, Trung ương cần có cơ chế đặc thù cho Thành phố về hạn mức giải ngân, hiện nguồn vốn đối ứng của Thành phố cũng như vốn cam kết của các đối tác đều đã được đảm bảo

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, tiến độ 51 dự án trọng điểm của Thành phố đến nay cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, phấn đấu sau 5 năm sẽ hoàn thành. Đối với nhóm 11 dự án chuyển tiếp, từ nay đến cuối năm Thành phố sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng 5 dự án, 6 dự án còn lại chuyển sang năm 2017. Nhóm các dự án mới, Thành phố phấn đấu trong tháng 11 tới sẽ khởi công 7 dự án. Trong quá trình triển khai, UBND TP.Hà Nội thực hiện sắp xếp, thu gọn các thủ tục liên quan đến quy trình thủ tục; rà soát các dự án sử dụng vốn ngân sách, tăng cường huy động xã hội hóa… Theo đó, đã tiết giảm tổng mức đầu tư từ trên 320 nghìn tỉ đồng xuống còn trên 270 nghìn tỉ đồng.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho Hà Nội các cơ chế đặc thù, ưu tiên cho các dự án cấp nước, xử lý nước thải, giao thông…

Tính đến tháng 9/2016, đối với 11 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 cơ bản được thực hiện theo tiến độ và phương án được duyệt. Trong đó, dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II hiện đã GPMB xong toàn bộ khu vực phía Nam (36,26 ha), khu vực phía Bắc và phần đất thổ canh sẽ GPMB xong trong năm 2016. Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo đã hoàn thành GPMB 50% khu depo và đoạn trên cao, hoàn thành sơ tuyển 5/5 gói thầu thiết bị và xây lắp, phê duyệt quy hoạch tuyến và các ga (trừ ga C9)…

Giải quyết nhu cầu cấp bách về hạ tầng cho Thủ đô

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, các dự án trọng điểm đưa vào khai thác, sử dụng thời gian qua đã phát huy hiệu quả hết sức tích cực, góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách trước mắt, đồng thời thúc đẩy kinh tế -xã hội Thủ đô phát triển. Điều này giúp cho Thành phố thêm quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ 51 công trình, dự án trọng điểm giai đoạn tiếp theo.

Bí thư Hà Nội cho rằng, đây là nhiệm vụ rất nặng nề đối với Thành phố bởi trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách ngày càng khó khăn, đòi hỏi quá trình triển khai các dự án này phải quyết liệt hơn, tích cực tháo gỡ khó khăn, nhất là kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có cơ chế đặc thù về quy trình thủ tục, về vốn ODA và các quy hoạch để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố.

"Trong 5 năm qua chúng ta đầu tư các dự án tăng trưởng 9,23% nhưng hạ tầng tăng có 3,4%, chính vì vậy, Thành phố chịu sức ép lớn về hạ tầng do dân số tăng trưởng nhanh mà hạ tầng chưa đáp ứng kịp. Vì vậy, nếu không xử lý được vấn đề về hạ tầng một cách quyết liệt thì sẽ gây bất cập, tác động đến lớn đến phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô", Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Về 51 dự án, công trình trọng điểm, Bí thư Hà Nội cho rằng đây là số dự án lớn, tuy nhiên con số này chưa thể đáp ứng được những thách thức về hạ tầng của Thủ đô. Vì vậy, phải có cơ chế đặc thù đáp ứng sự quá tải nghiêm trọng về hạ tầng. Bí thư Hà Nội đồng tình những đề xuất của các Sở, ngành về xây dựng cơ chế trình Chính phủ để xin cơ chế đặc thù cho một số dự án, công trình trọng điểm.

Trong thời gian tiếp theo, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị liên quan chủ động, sâu sát với công việc; quan tâm giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm theo kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy lưu ý, trong công tác chỉ đạo triển khai các công trình trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2016-2020, đối với những công trình, dự án quá chậm tiến độ, phải xem xét, đánh giá lại chủ đầu tư; kiên quyết thay thế những chủ đầu tư thiếu trách nhiệm hoặc năng lực không đảm bảo để hoàn thành công trình, dự án đúng tiến độ đề ra.

Lựa chọn chủ đầu tư thực sự có năng lực, kinh nghiệm và trách nhiệm cao. Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn đối với những công trình, dự án được triển khai đúng tiến độ, sớm đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.

Nguồn: chinhphu.vn


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 3
Hôm nay : 41
Hôm qua : 133
Tháng 04 : 2.911
Năm 2024 : 16.819