A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng cục ĐBVN có buổi làm việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Cục Vận tải Lào

Chiều ngày 03/10, tại trụ sở cơ quan, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã có buổi làm việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý an toàn giao thông tại Việt Nam với Đoàn công tác Cục Vận tải Lào do ông Boualith Pathoumthong - Phó Cục trưởng dẫn đầu sang thăm và làm việc.

Ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện &  Người lái chủ trì buổi làm việc theo ủy quyền của Phó Tổng Cục trưởng Phan Thị Thu Hiền do  công tác đột xuất.

Tham dự buổi làm việc có đại diện Lãnh đạo và Chuyên viên các Vụ: Quản lý Phương tiện & Người lái; An toàn giao thông; Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế.

Buổi làm việc trao đổi kinh nghiệm với  Cục Vận tải Lào chiều ngày 03/10  tại trụ sở Tổng cục ĐBVN

 

Tại buổi làm việc, Tổng cục ĐBVN đã chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý tải trọng và biện pháp kiểm soát tải trọng phương tiện tại Việt Nam do ông Đặng Văn Chung – Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông trình bày. Những vấn đề mấu chốt về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện được đề cập đến như: Quy định pháp luật về quản lý tải trọng xe; Khai thác tải trọng cầu, đường bộ và trọng tải xe ô tô chở hàng; Biện pháp kiểm soát tải trọng xe của Việt Nam; Cân kiểm tra tải trọng xe; Kết quả kế hoạch kiểm soát tải trọng; Giải pháp quản lý tải trọng xe của Việt Nam trong thời gian tới…

Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Đặng Văn Chung cho biết, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 73,4% khối lượng hàng hóa và 92% lượng hành khách chuyên chở và xu thế vẫn tiếp tục tăng trong tương lai gần, tạo áp lực vận tải lên đường bộ như tăng số ô tô lưu thông và tăng khối lượng hàng chuyên chở trên mỗi xe ô tô (loại xe tải nặng) trong bối cảnh công tác KSTTX còn nhiều tồn tại, hạn chế, dẫn đến xuất hiện tình trạng xe chở hàng vượt quá tải trọng quy định của xe và của đường bộ. Để bảo vệ cầu, đường bộ và giảm TNGT, từ năm 1993 Chính phủ Việt Nam đã cho xây dựng 27 trạm KTTTX cố định trên 13 quốc lộ có lưu lượng xe tải lưu thông lớn. Tải trọng xe ô tô cơ bản được kiểm soát, cầu, đường được bảo vệ, tai nạn giao thông thấp, các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển phát triển.

Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã ban hành Luật Giao thông đường bộ và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ, trong đó có quy định về khối lượng toàn bộ của xe ô tô được lưu thông trên đường bộ và khối lượng hàng được phép chở của xe ô tô, xếp hàng lên xe ô tô đúng khối lượng hàng được phép chở, chế tài xử phạt đối với chủ xe, lái xe, người xếp hàng lên xe ô tô có hành vi vi phạm quy định.

Nhấn mạnh biện pháp kiểm soát tải trọng xe của Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT Đặng Văn Chung cho biết, kiểm soát tải trọng xe là tổng thể các biện pháp, bao gồm quản lý nhà nước về tải trọng xe, các quy định tải trọng cầu, đường, khối lượng hàng được phép chở của xe ô tô, các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp cưỡng chế khi chủ xe và lái xe cố tình vi phạm.

Về giải pháp quản lý tải trọng xe của Việt Nam trong thời gian tới, Ông Đặng Văn Chung nhấn mạnh Chỉ thị 32/ CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng CP về tăng cường tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; Các biện pháp đồng bộ được tiến hành nhằm ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng xe vi phạm chở hàng quá tải ở Việt Nam, trong đó Bộ Giao thông vận tải  tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý tải trọng xe; đồng thời, triển khai "Quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống cân KTTTX kết hợp tại Trạm thu phí hoặc đặt độc lập trên các quốc lộ, đường cao tốc và một số đường bộ địa phương; Kết nối, phát triển hợp lý, đảm bảo sự cân đối các phương thức vận tải; Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao tham mưu, chỉ đạo công tác KSTTX lĩnh vực giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc.

Ông Đặng Văn Chung – Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý tải trọng phương tiện tại Việt Nam.

 

Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ của Việt Nam, ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện và Người lái chia sẻ, thực hiện chủ trương xã hội hóa cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo biên soạn hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý về đào tạo, sát hạch cấp GPLX; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn; ban hành các cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở đào tạo, hệ thống trung tâm sát hạch lái xe. Nhờ vậy cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư nâng cấp, củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, được phân bố hợp lý trong toàn quốc với 328 cơ sở đào tạo lái xe ô tô,  121 Trung tâm sát hạch lái xe, đang quản lý 44.201.000 giấy phép lái xe mô tô, 7.505.000 giấy phép lái xe ô tô, 15.320 chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ. Chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đã có những bước chuyển biến tích cực.

Công tác sát hạch lái xe là khâu quan trọng, do đó, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung chỉ đạo, siết chặt quy trình quản lý, tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa, công khai hóa và giám sát chặt chẽ quá trình sát hạch lái xe.

Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện &  Người lái cũng cho biết, công tác quản lý đào tạo lái xe nhiều năm qua được tăng cường theo các quy định của Bộ GTVT. Các Sở GTVT đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan dạy nghề địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát từ khâu học đến kiểm tra, thi cấp chứng chỉ nghề.  Hệ thống cơ sở đào tạo lái xe đã tăng cả về số lượng và chất lượng, không ngừng hoàn thiện về tiêu chuẩn ngày một nâng cao, đáp ứng nhu cầu học lái xe của người dân. Chương trình, giáo trình đào tạo lái xe đã được nghiên cứu, tiếp thu từ chương trình, giáo trình của các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật bản và Singapore.

Hai bên cũng có những trao đổi về dịch vụ công mức độ 3 đổi giấy phép lái xe quốc gia và dịch vụ công mức độ 4 cấp giấy phép lái xe quốc tế. "Thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đồng thời giảm phiền hà cho người dân, công tác quản lý cấp đổi giấy phép lái xe những năm qua đã cho phép người có giấy phép lái xe được đổi tại bất kỳ Sở Giao thông vận tải nào trên toàn quốc, việc sử dụng dịch vụ công mức độ 3 để đổi giấy phép lái xe quốc gia và dịch vụ công mức độ 4 để cấp giấy phép lái xe quốc tế được dư luận đồng tình, đánh giá tốt" - Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện & Người lái chia sẻ.

 

Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện và Người lái Lương Duyên Thống trao quà lưu niệm và chúc Phó Cục trưởng Boualith Pathoumthong có chuyến công tác thành công tại Việt Nam.

 

Chụp ảnh lưu niệm

 

Nguồn: Tổng cục ĐBVN

 


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 83
Hôm qua : 133
Tháng 04 : 2.953
Năm 2024 : 16.861