A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (tờ trình số 7056/TTr-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2007) về Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, ngày 01 tháng 12 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số: 1734/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (tờ trình số 7056/TTr-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2007) về Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, ngày 01 tháng 12 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số: 1734/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Quyết định gồm 3 điều và 2 phụ lục:
 - Phụ lục 1. Danh mục các tuyến đườngbộ cao tốc quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn ngoài năm 2020.
 - Phụ lục 2. Bảng tổng hợp diện tích đất đai chiếm dụng của quy hoạch.
Nội dung Quyết định:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Quan điểm:
Xây dựng mạng đường bộ cao tốc quốc gia hoàn chỉnh, hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài của đất nước để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Mạng đường bộ cao tốc bao gồm các trục chính có lưu lượng xe cao, liên kết với hệ thống đường bộ, kết cấu hạ tầng của các phương thức vận tải khác nhằm khai thác đồng bộ, chủ động và hiệu quả các dịch vụ vận tải trong phát triển kinh tế. Quy hoạch này làm cơ sở để xác định nguồn vốn đầu tư, quỹ đất và tiến trình thực hiện các dự án đường bộ cao tốc từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
2. Mục tiêu:
- Nhanh chóng hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu chính, các đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao. Trong đó, tập trung xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, ưu tiên các tuyến đường cao tốc nối các thành phố lớn (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), các tuyến ra các cảng biển lớn.
- Tạo khả năng liên kết cao với các phương thức vận tải hiện đại khác và hội nhập khu vực, quốc tế.
- Đường bộ cao tốc được thiết lập tách biệt nhưng phải đảm bảo liên kết được với mạng đường bộ hiện có, bảo đảm môi trường và cảnh quan.
- Góp phần giải quyết ách tắc giao thông, trước hết tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
- Các tuyến đường cao tốc trong Quy hoạch được hoạch định với quy mô hoàn chỉnh, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có thể phân kỳ xây dựng để phù hợp với lưu lượng xe và khả năng huy động nguồn vốn, nhưng phải tiến hành quản lý quỹ đất để hạn chế chi phí giải phóng mặt bằng sau này.
3. Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam:
Trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của đất nước; định hướng phát triển kinh tế của 3 vùng kinh tế trọng điểm; Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn ngoài năm 2020, Quy hoạch xác lập mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 22 tuyến với tổng chiều dài 5.873 km gồm:
a. Tuyến cao tốc Bắc - Nam:
Gồm có 02 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.262 km.
- Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chiều dài khoảng 1.941 km.
- Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, chiều dài khoảng 1.321 km.
b. Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc:
Gồm 07 tuyến hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội với tổng chiều dài 1.099 km, cụ thể các tuyến như sau:
+ Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh, dài 130 km.
+ Hà Nội - Hải Phòng, dài 105 km.
+ Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai, dài 264 km.
+ Nội Bài - Hạ Long - Móng Cái, dài 294 km.
+ Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), dài 90 km.
+ Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình, dài 56 km.
+ Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, dài 160 km.
c. Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên:
Gồm 03 tuyến với tổng chiều dài 264 km, cụ thể các tuyến như sau:
+ Hồng Lĩnh (Hà Lĩnh) - Hương Sơn (Hà Tĩnh), dài 34 km.
+ Cam Lộ (Quảng Trị) - Lao Bảo (Quảng Trị), dài 70 km.
+ Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai), dài 160 km.
d. Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam:
Gồm 07 tuyến với tổng chiều dài 984 km, cụ thể như sau:
+ Biên Hòa (Đồng Nai) - Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), dài 76 km.
+ Dầu Giây (Đồng Nai) - Đà Lạt (Lâm Đồng), dài 209 km.
+ Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước), dài 69 km.
+ Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh), dài 55 km.
+ Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng, dài 200 km.
+ Hà Tiên - Rạch Giá (Kiên Giang) - Bạc Liêu, dài 225 km.
+ Cần Thơ - Cà Mau, dài 150 km.
đ. Hệ thống đường vành đai cao tốc tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh
- Thành phố Hà Nội:
   + Vành đai 3, dài 56 km.
   + Vành đai 4, dài 125 km.
- Thành phố Hồ Chí Minh:
   + Vành đai 3, dài 83 km.
(Đường vành đai 5 thành phố Hà Nội, vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh với chức năng nối các đô thị vệ tinh của 2 thành phố trong tương lai sẽ được xem xét, điều chỉnh trong quá trình thực hiện).
4. Danh mục, quy mô và tiến trình xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc:
Danh mục, quy mô, ước tính tổng mức đầu tư, dự kiến tiến trình xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc trong Phụ lục I.
5. Dự kiến quỹ đất:
Tổng quỹ đất dành cho xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc theo Quy hoạch khoảng 41.104 ha, trong đó diện tích đã chiếm dụng của các tuyến đường đã và đang được xây dựng khoảng 2.916 ha, diện tích cần bổ sung thêm khoảng 38.188 ha (trong đó diện tích đất nông nghiệp ước tính khoảng 24.167 ha).
Chi tiết diện tích chiếm dụng đất cho từng tuyến và tổng hợp cho từng địa phương xem trong Phụ lục II.
6. Cơ chế, chính sách:
a. Cơ chế tạo vốn đầu tư
Vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc được huy động từ các nguồn vốn sau:
- Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước dưới hình thức Chính phủ vay hoặc bảo lãnh vay, phát hành trái phiếu công trình …;
- Nguồn vốn do các nhà đầu tư huy động để đầu tư xây dựng theo các hình thức BOT, BTO, BT, hợp tác nhà nước - tư nhân (PPP) …
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tạo vốn để đầu tư mạng đường bộ cao tốc, theo hướng khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư.
b. Áp dụng các khoa học công nghệ tiên tiến.
Khuyến khích áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong xây dựng đường cao tốc. Áp dụng các công nghệ tiên tiến về tổ chức Quản lý - Xây dựng - Khai thác: các thiết bị an toàn giao thông; công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý và khai thác.
c. Tổ chức quản lý
Bộ Giao thông vận tải là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng và khai thác mạng đường bộ cao tốc trên phạm vi toàn quốc.
d. Xây dựng các chính sách đồng bộ để thực hiện Quy hoạch
- Xây dựng chính sách tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng của các nhà đầu tư, đồng thời xây dựng chính sách bảo vệ môi trường trong phát triển đường bộ cao tốc.
- Xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực: mở rộng các hình thức đào tạo trong và ngoài nước về xây dựng, quản lý, khai thác đường bộ cao tốc.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Giao thông vận tải:
Chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện Quy hoạch.
Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu hình thành các mô hình tổ chức phù hợp trong quản lý đầu tư, xây dựng và khai thác hệ thống đường bộ cao tốc; xây dựng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trở thành doanh nghiệp nòng cốt trong đầu tư, phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam.
2. Các Bộ, ngành liên quan:
Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện các mục tiêu của quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và địa phương.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan:
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc;
- Tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương phù hợp với các nội dung của Quy hoạch này;
- Phê duyệt, quyết định theo thẩm quyền việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng đường bộ cao tốc theo Luật Đất đai; quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai Quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 93
Hôm qua : 154
Tháng 04 : 3.117
Năm 2024 : 17.025