A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ Quý II năm 2016

Trong Quý II năm 2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao về lĩnh vực quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Áp dụng công nghệ cào bóc để sửa chữa mặt cầu Giẽ trên QL1 đoạn Hà Nội - Hà Nam. Ảnh: Vụ Quản lý Bảo trì đường bộ.

 

Theo báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ Quý II năm 2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật như sau:

1. Về công tác Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên:

- Tổ chức quản lý, bảo dưỡng trên 21.000 km đường quốc lộ và trên 741Km đường cao tốc; 5.869 cầu, 05 hầm đường bộ và 08 phà cơ bản đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

- Hiện đã hoàn thành 51,7% khối lượng bảo dưỡng cả năm 2016.

- Các đơn vị (Cục QLĐB, Sở GTVT) đã lập giá sản phẩm công ích bảo dưỡng đối với các tuyến mới nhận bàn giao từ các dự án XDCB và tiếp tục công tác đấu thầu đối với các tuyến này.

- Về quản lý chất lượng công tác BDTX: Tổng cục đã trực tiếp kiểm tra, xử lý các đơn vị không đảm bảo chất lượng công tác bảo dưỡng, các Cục và các Sở GTVT đã tích cực hơn so với trước trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng và xử lý giảm trừ chi phí khi nhà thầu vi phạm. Hiện tại, Tổng cục ĐBVN đang chỉ đạo các Cục QLĐB, các Sở GTVT báo cáo kinh phí đã giảm trừ của các nhà thầu trong quá trình nghiệm thu theo chất lượng thực hiện để tổng hợp.

2. Về công tác Sửa chữa định kỳ:

- Đã hoàn thành 100% công tác thẩm định và phê duyệt dự án sửa chữa định kỳ trong kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2016. Đối với các dự án bổ sung ngoài kế hoạch 2016, Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thành việc lập, duyệt dự án và tiến hành tổ chức đấu thầu, thi công sớm theo kế hoạch vốn được Quỹ BTĐQTW bố trí.

- Tính đến ngày 15/7/2016:

+ Khái quát tổng khối lượng các hạng mục trong các dự án đến thời điểm hiện tại đã sửa chữa: 238 cầu; sửa chữa 8,99 triệu m2 mặt đường (gồm 5.057.620 m2 mặt đường bê tông nhựa, 2.663.282m2 mặt đường láng nhựa 3 lớp, 1.267.542m2 mặt đường láng nhựa 2 lớp) tương đương 1.284Km đường cấp III đồng bằng; xây mới hoặc sửa chữa 32.369m cống, 375.432 m rãnh (gồm sửa chữa 48.936m, xây mới, thay thế, bổ sung 326.496m); xây dựng, sửa chữa 225.088m hộ lan (có phụ lục chi tiết kèm theo).

+ Tổng khối lượng các dự án trong kế hoạch năm 2016 đã thực hiện đạt 86,2% so với tổng mức đầu tư được duyệt. Một số dự án chưa hoàn thành do: Các tỉnh đề nghị giãn tiến độ để đảm bảo ATGT trong thời gian Đại hội Đảng, bầu cử, sát Tết và một số lễ hội; Có dự án sửa chữa giãn tiến độ để thống nhất với chủ trương đầu tư XDCB nhằm tránh lãng phí; có dự án cải tạo điểm đen phải chờ địa phương giải phóng mặt bằng mới thực hiện được; dự án có yêu cầu kỹ thuật phức tạp phải so sánh nhiều phương án (Có phụ lục chi tiết khối lượng hoàn thành theo báo cáo của các đơn vị).

- Về công tác giải ngân:

+ Tổng kế hoạch được giao năm 2016 và năm 2015 chuyển sang là 7.420 tỷ đồng;

+ Kinh phí đã được cấp là 3.709 tỷ đồng;

+ Kinh phí đã giải ngân là 3.082 tỷ đồng, đạt 83% vốn đã cấp. Khối lượng đã nghiệm thu A-B đạt gần 3.400 tỷ. Còn 818,6 tỷ đã cấp chưa giải ngân; số vốn chưa giải ngân sẽ tiếp tục giải ngân theo kết quả nghiệm thu.  

- Triển khai kế hoạch bảo trì 2017: hiện nay Tổng cục ĐBVN đã hoàn thành công tác lập Kế hoạch bảo trì năm 2017 và trình Bộ GTVT.

3. Về Quản lý chất lượng công tác bảo trì hệ thống quốc lộ:

a) Xác định công tác quản lý chất lượng là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác bảo trì, từ đầu năm 2016 đến nay, công tác quản lý chất lượng đã được tăng cường.

- Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm soát chặt chẽ chất lượng ngay từ khâu lập, thẩm định dự án bảo trì đường bộ; điều chỉnh, bổ sung các giải pháp kỹ thuật phù hợp hơn so với giải pháp kỹ thuật tư vấn trình; Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng trong tất cả các giai đoạn lựa chọn nhà thầu, thi công, nghiệm thu. Trong Quý II năm 2016, lãnh đạo Tổng cục và các Vụ, Cục đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các dự án bảo trì đường bộ; qua đó nhiều vần đề còn tồn tại về chất lượng đã được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời... Nhờ đó chất lượng bảo trì từng bước được nâng lên, những hư hỏng đã sớm được phát hiện để sửa chữa.

 

- Trước năm 2016, hiện tượng vá ổ gà nhô cao hơn mặt đường diễn ra phổ biến (kể cả ở các đô thị lớn như Hà Nội…). Hiện nay, Tổng cục đã chỉ đạo khắc phục các vị trí đã làm nhô cao từ các năm trước và không được tái diễn tình trạng vá nhô cao hơn mặt đường hiện hữu để giao thông êm thuận; về cơ bản đã xóa hết các vị trí nhô cao trên hệ thống quốc lộ.

b) Xác định việc bảo đảm an toàn cho cầu là yêu cầu quan trọng, tháng 2/2016 Tổng cục đã có chỉ đạo việc dán tem kiểm tra dưới dầm cầu để đánh giá chất lượng kiểm tra, tuần đường. Nhờ đó các hư hỏng, khiếm khuyết được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn (ví dụ hiện tượng đứt cáp cầu Tân Đệ ở Nam Định, xô trượt gối cầu Nam Ô ở Đà Nẵng và các cầu Vĩnh Điện, Câu Lâu, Hương An ở Quảng Nam, nứt dầm cầu Trạm Bạc trên QL.10 Hải Phòng đều đã được xử lý kịp thời).

c) Thiết lập và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh của tổ chức, cá nhân và cộng đồng về các hư hỏng, xuống cấp đường quốc lộ đang quản lý, quốc lộ đang đầu tư xây dựng cơ bản. Đến nay đã xử lý 143 tin nhắn về giao thông, trong đó chuyển địa phương xử lý đối với các phản ánh về hạ tầng giao thông địa phương.

d) Tổng cục đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Cục QLĐB, Sở GTVT rà soát, đánh giá tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để sửa chữa, bổ sung nhằm duy trì tốt chất lượng giao thông trên các tuyến quốc lộ đang quản lý. Đồng thời đã hoàn thành việc thống kê đánh giá các cầu cần XDCT chống va xô trên các tuyến đường thủy.

e) Về bảo hành công trình: Hiện nay, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định công tác SCĐK phải bảo hành từ 12 tháng trở lên đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt; bảo hành ≥ 6 tháng đối với công trình cấp II trở xuống. Thực tế, các dự án sửa chữa đường bộ tại các Cục, Sở GTVT đều quy định thời gian bảo hành ≥ 12 tháng đối với tất cả các cấp công trình. Như vậy, thời gian bảo hành đang thực hiện dài hơn quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP. Hiện nay, Tổng cục ĐBVN đã dự thảo quy định  cụ thể thời hạn, mức tiền, chế độ bảo hành, trách nhiệm bảo hành để yêu cầu các đơn vị thực hiện theo hướng lớn hơn mức tổi thiểu quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.

4. Các nội dung khác:

a) Về ứng dụng KHKT: Xác định khoa học kỹ thuật đi trước một bước, ngay từ đầu năm 2016, Tổng cục đã tổ chức hội nghị nhằm triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ, vật liệu mới trong bảo trì. Hiện nay đang triển khai áp dụng một số công nghệ vật liệu mới. Đồng thời đang cùng với Đoàn chuyên gia Nhật Bản trong Dự án tăng cường năng lực bảo trì giai đoạn II (ODA không hoàn lại của Nhật Bản) để triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ trám vá vết nứt, vá ổ gà và chống thấm mặt cầu của Nhật Bản tại các tuyến QL khu vực phía Bắc.

Bên cạnh công nghệ trong bảo trì, các ứng dụng công nghệ trong quản lý, xây dựng và quản lý khai thác cơ sở dữ liệu cầu (VBMS), dữ liệu mặt đường (PMS) và dữ liệu đường bộ đang được triển khai hoàn thiện từng bước đưa vào ứng dụng.

Hệ thống quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS) tại đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương đã đi vào hoạt động; đây sẽ là đầu mối quản lý, vận hành các tuyến đường cao tốc khu vực phía Nam.

b) Hoàn thành các nhiệm vụ phân loại đường để tính cước vận tải đường bộ; rà soát, bổ sung, cập nhật tình trạng cầu đường.

c) Đối với các tuyến đường BOT: Tổng cục đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong việc giám sát, theo dõi các dự án BOT. Các đơn vị đã triển khai thực hiện khá tích cực. Do đó đã phát hiện, chấn chỉnh và yêu cầu nhiều Chủ đầu tư sửa chữa, khắc phục các tồn tại. Tuy nhiên, hiện nay có một số Nhà đầu tư và các Cục, Sở còn lúng túng khi áp dụng các quy định pháp luật về quản lý, khai thác, bảo trì các tuyến BOT. Để khắc phục, Tổng cục ĐBVN đang chỉ đạo các Cục, Vụ biên soạn tài liệu để hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền cho các Nhà đầu tư, các Cục, Sở và các cán bộ Chi cục thực hiện trong Quý III năm 2016.

 

Một số hình ảnh về hoạt động của Tổng cục ĐBVN trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ:

 

 Đoàn công tác của Tổng cục ĐBVN kiểm tra dầm cầu Tân Đệ.

 

Tổng cục ĐBVN phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản kiểm tra cầu Linh Cảm QL8 Hà Tĩnh.

 

Bảo trì bằng biện pháp cào bóc tái chế tại QL1 - thị trấn Quán Hành - Nghệ An

 

Hội thảo lần 2 Dự án ODA của JICA tăng cường năng lực bảo trì đường bộ - tại Cục QLĐB IV.

 

 

Nguồn: Tổng cục ĐBVN


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 46
Hôm qua : 137
Tháng 04 : 2.532
Năm 2024 : 16.440