A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyết liệt đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện

Chiều 3/3, tại trụ sở Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện. Tham dự có Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng; đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, Văn phòng Bộ, các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam…

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc đã trình bày báo cáo về việc triển khai thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện (xe tải, xe khách) từ sau Hội nghị sơ kết ngày 24/12/2014 đến nay và phương hướng nhiệm vụ trong năm 2015. Theo đó, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, UBATGTQG, sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GTVT trong công tác chỉ đạo, điều hành; 63/63 địa phương có kế hoạch phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở GTVT triển khai thực hiện; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ kế hoạch và tổ chức lực lượng liên ngành kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm.

Một số địa phương sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo địa phương thì tình hình xe vi phạm chở quá tải gần như không còn, điển hình như: Hà Tĩnh, Hòa Bình (thực hiện theo chế độ lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác này hàng tuần, lãnh đạo Công an tỉnh, Sở GTVT kiểm tra đôn đốc hàng ngày và ra tận hiện trường để chỉ đạo, giám sát thực hiện). Cùng với đó, lực lượng CSGT, Cảnh sát khác và Thanh tra giao thông tham gia tại các điểm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động đã khắc phục khó khăn, chấp hành quy trình, chế độ công tác của từng lực lượng, phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; chủ động, khéo léo, mềm dẻo nhưng kiên quyết trong giải quyết các vụ việc, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Theo số liệu từ phần mềm KSTTX của Tổng cục ĐBVN, tính từ 01/4 đến 31/12/2014 các Trạm KTTTX lưu động của 63 địa phương và 02 Trạm KTTTX cố định Dầu Giây và Quảng Ninh đã kiểm tra được hơn 430.000 lượt xe, phát hiện hơn 57.000 xe vi phạm, chiếm 13,3% trong tổng số xe được kiểm tra. Ngoài ra, lực lượng chức năng các địa phương còn kiểm tra xử lý bằng cân xách tay và các biện pháp khác; bắt buộc và vận động cắt chiều cao đối với những xe cơi nới trái phép kích thước thùng chở  được 1.152 xe. Trong tháng 01 và 02/2015 các trạm KTTTX lưu động đã dừng, kiểm tra hơn 56.000 xe ô tô, phát hiện và lập biên bản 5.900 trường hợp vi phạm, tỷ lệ xe vi phạm trên tổng số xe được kiểm tra khoảng 10,4%.

Tổng cục Đường Việt Nam đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo một số đợt thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm kích thước thùng xe, cụ thể: Tính đến 15/12/2014 đã kiểm tra 5.954 xe của 983 doanh nghiệp, dự án, trong đó: vi phạm: 1.118 xe, cắt thùng tại chỗ: 337 xe, giữ tem kiểm định: 235 xe, yêu cầu chủ xe, lái xe tự khắc phục: 546 xe.

Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo tiếp tục thực hiện siết chặt công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, sử dụng dữ liệu giám sát từ camera, thông tin phản ánh qua đường dây nóng và báo chí; kiểm tra, xử lý các cơ sở đóng thùng hàng không đúng thiết kế; thực hiện việc cấp trọng lượng toàn bộ của xe, trọng tải cho phép phù hợp với tải trọng giới hạn của cầu, đường bộ theo quy định. Tính đến tháng 02/2015 các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới đã thực hiện điều chỉnh vị trí chốt kéo, cụm trục cho 1,576 sơ mi rơ moóc; điều chỉnh ghi nhận khối lượng bản thân để được kiểm định cho 17.358 xe cơ giới…

Các cơ quan truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng (Đài THVN, Đài TNVN, truyền hình ANTV, VTC, Báo GTVT, Báo CAND, Báo, Đài địa phương...) đã vào cuộc quyết liệt trong công tác tuyên truyền, vận động mang lại hiệu quả tích cực và được dư luận xã hội, các Hiệp hội nghề nghiệp đồng tình ủng hộ.

Năm 2014 và 02 tháng đầu năm 2015, lần đầu tiên công tác KSTTX đã được triển khai rộng khắp trên 63 địa phương, các lực lượng chức năng như TTGT, CSGT, CSTT, CSCĐ, KSQS của các Ngành GTVT, Công an, Quân đội và các Cục QLĐB đã cùng phối hợp và được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Bên cạnh kết quả đạt được, đến nay vẫn còn tình trạng lái xe, chủ xe, chủ hàng chở hàng quá trọng tải nhưng lén lút hoạt động vào ban đêm, đi trốn tránh, né các điểm KTTTX, đã và đang bị xã hội lên án; Ở một số địa phương số xe quá tải chiếm tỷ lệ cao hơn, ngang nhiên hoạt động; Một số địa phương còn e ngại khi làm quyết liệt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, chậm tiến độ các dự án, công trình giao thông, xây dựng của địa phương mình. Ngoài ra, tại một số địa phương còn chưa thống nhất về phân công nhiệm vụ trong công tác phối hợp giữa TTGT, CSGT và Cảnh sát khác tại các điểm KTTTX lưu động, do nội dung phân công nhiệm vụ tại Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT với UBND tỉnh chưa phù hợp với Kế hoạch số 12593 của liên Bộ Công an - Bộ GTVT. Vì vậy, công tác phối hợp giữa các lực lượng còn chưa được tốt…

Để tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng xe; phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên; trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả các Công điện, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 12593 của liên Bộ GTVT - Bộ Công an theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; Bố trí các điểm KTTTX lưu động tập trung kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô vận tải, để xử lý, ngăn chặn kịp thời các xe ô tô chở hàng quá trọng tải trước khi lưu thông trên các tuyến đường và xử lý vi phạm về kích thước thùng xe; Nâng cao công tác quản lý nhà nước về vận tải đường bộ, giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý kho, cảng, bến bãi, nhà ga, các doanh nghiệp, chủ xe, quản lý chặt chẽ việc xếp hàng hóa lên xe ô tô ngay tại gốc, đảm bảo đúng trọng tải mới cho xe xuất phát.

Đồng thời các cơ quan đơn vị cũng cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện ký cam kết đối với các đơn vị chưa thực hiện và mở rộng đối tượng như bến, cảng thủy nội địa, ga, cảng hàng không và các đơn vị thi công các công trình lớn; Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, thực hiện các giải pháp đồng bộ, kịp thời tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không để giảm áp lực cho vận tải đường bộ…

Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an đã có đề xuất nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các địa phương,  công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đã đạt được kết quả bước đầu hết sức quan trọng, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ và bước đầu tạo được niềm tin trong nhân dân của người dân, doanh nghiệp và lái xe.; việc chở quá tải trọng hành khách và hàng hóa đã giảm bớt. Tuy vậy, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện còn hết sức phức tạp, xuất hiện sự chống đối, tìm cách tránh né, mua chuộc, hối lộ…; một bộ phận doanh nghiệp, lái xe, người dân còn nghi ngờ, chưa tin vào kết quả, các giải pháp cũng như quyết tâm thực hiện không còn xe chở quá tải.

Để tiếp tục thực hiện chỉ thị của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng đề nghị Bộ Công an và Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai đồng loạt các giải pháp trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp, lái xe; kiểm soát, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, thúc đẩy thị trường vận tải phát triển lành mạnh; công khai, minh bạch giá cước vận tải, tạo sự phù hợp về giá cước giữa các loại hình vận tải khác nhau. Bộ trưởng khẳng định quyết tâm quyết liệt đến cùng theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; các cơ quan thông tin đại chúng, Bộ GTVT, Bộ Công an, Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách quy định, tạo niềm tin với người dân trong công cuộc kiểm soát tải trọng phương tiện; cần có sự kiên trì, bền bỉ, thu xếp đủ lực để thực hiện một cách lâu dài.

Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng mở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo được kỷ cương phép nước, nghiêm trị các đối tượng vi phạm, chống đối lực lượng thi hành công vụ… Đồng thời, tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức của người thực thi công vụ, không dung túng, bao che; xử phạt nghiêm minh, không bỏ lọt người vi phạm đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Trung ương, các địa phương với đơn vị, người thực thi nhiệm vụ. Cục Đăng kiểm Việt Nam và Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải báo cáo được từng địa phương có doanh nghiệp vận tải nào còn xe quá tải, số lượng xe là bao nhiêu?

Bộ trưởng cũng yêu cầu phải xử lý nghiêm những chủ hàng, chủ xếp dỡ, chủ phương tiện và lái xe, quy định rõ trong chế tài xử phạt, siết chặt lại nơi xếp hàng; cần rà soát, nâng cao chế tài xử phạt, tính mức phạt lũy tiến theo độ dài quãng đường, đồng thời tiếp tục thực hiện kết nối vận tải giữa các phương thức vận tải, nâng cao chất lượng, dịch vụ Logistic, giảm giá cước vận tải nói chung nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ trưởng giao Vụ Vận tải nhanh chóng hoàn chỉnh lại những văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay mới; quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu không còn xe quá tải trong năm 2015. Đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các Sở Công an cùng phối hợp với Bộ GTVT, các Sở GTVT để thực hiện tốt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, duy trì các trạm cân, các trạm kiểm soát lưu động, đạt được hiệu quả cao trong việc kiểm soát tải trọng phương tiện./.

 Nguồn mt.gov.vn


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 128
Hôm qua : 133
Tháng 04 : 2.998
Năm 2024 : 16.906