A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý, sửa chữa mặt đường đảm bảo giao thông trên QL1 đoạn từ phía nam Tp. Hà Nội đến hết địa phận tỉnh Ninh Bình

Ngày 18/12/2015, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện vừa ký ban hành Văn bản số 7030/TCĐBVN-QLBTĐB về việc quản lý, sửa chữa mặt đường đảm bảo giao thông trên QL1 đoạn từ phía nam Tp. Hà Nội đến hết địa phận tỉnh Ninh Bình gửi Cục Quản lý Đường bộ I; Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC); Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng (FCC); Sở Giao thông vận tải Ninh Bình.

Theo nội dung Văn bản, ngày 14/12/2015 Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra tuyến Quốc lộ 1 đoạn từ phía nam Thành phố Hà Nội đến hết địa phận tỉnh Ninh Bình. 

Sau khi kiểm tra, Tổng cục ĐBVN có một số nhận xét về chất lượng mặt đường các đoạn tuyến như sau:

1. Địa bàn Thành phố Hà Nội (từ Km181+571 đến Km215+775):

1.1. Đoạn từ Km181+571 đến Km182+300: Do Thành phố Hà Nội quản lý và bảo trì bằng ngân sách của thành phố.

1.2. Đoạn từ Km182+300 đến Km212+475: thuộc Dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (do Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ làm Chủ đầu tư), hiện mới đưa vào khai thác, thu phí.

1.3. Đoạn nhánh rẽ từ nút giao Đại Xuyên (Km211+600) vào đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình đi dưới cầu vượt hướng Hà Nam – Hà Nội: do Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, khai thác và bảo trì. Mặt đường hiện bị hư hỏng nặng, mặt đường trồi lún, nứt giữa mặt đường ảnh hưởng tới an toàn giao thông.

1.4. Đoạn từ Km212+475 đến Km215+775: Do Cục QLĐB I quản lý, bảo trì bằng nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ. Sau nhiều năm khai thác, mặt đường bị lún lõm, bạc đầu, rạn nứt, một số vị trí mặt đường bị dồn sóng. Năm 2015, và 2016 đã được bố trí kinh phí để sửa chữa cục bộ một số vị trí hư hỏng nặng.

2. Địa bàn tỉnh Hà Nam (từ Km215+775 đến Km251+050):

2.1. Đoạn từ Km215+775 đến Km235+885: thuộc Dự án ĐTXD công trình QL.1 tránh TP. Phủ Lý và tăng cường mặt đường QL.1 tỉnh Hà Nam theo hình thức hợp đồng BOT, do Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng FCC (Nhà đầu tư) quản lý từ ngày 01/7/2015. Tình trạng mặt đường có một số vị trí hư hỏng, lún, nứt, rạn, một số vị trí bị lún vệt bánh xe, ảnh hưởng tới an toàn giao thông.

2.2. Đoạn từ Km235+885 đến Km251+250: thuộc Dự án nâng cấp QL1 do Sở GTVT Hà Nam làm Chủ đầu tư, bàn giao đưa vào khai thác từ ngày 24/6/2013, hiện đang trong giai đoạn bảo hành. Sau hai năm khai thác, mặt đường đã xuất hiện một số hư hỏng nhẹ, lún vệt bánh xe, rạn nứt nhỏ nhưng chưa ảnh hưởng nhiều đến điều kiện khai thác và an toàn giao thông.

3. Địa bàn tỉnh Ninh Bình (từ Km251+050 đến Km285+400 - Dốc Xây):

3.1. Đoạn từ Km251+050 đến Km258+700: thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (giai đoạn II) do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư, bàn giao đưa vào khai thác từ 01/7/2015, đang trong thời gian bảo hành. Tình trạng mặt đường tại các vị trí lún vệt bánh xe đã được cào bạt phẳng, nhưng vệt cào trên mặt đường sâu, không đảm bảo êm thuận, phẳng, nhẵn. Mặt khác khi mưa sẽ bị ngấm nước ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường và mỹ quan. Một số đoạn tiếp tục xuất hiện hằn lún, diện tích hằn lún khá lớn (khoảng 55.000m2), ảnh hưởng đến điều kiện khai thác và an toàn giao thông trên tuyến. Do đó cần sửa chữa, khắc phục ngay.

3.2. Đoạn từ Km258+700 đến Km262+700: thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (giai đoạn I) do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư, bàn giao đưa vào khai thác từ ngày 12/9/2013, chưa được xác nhận hết bảo hành. Sau hai năm khai thác, mặt đường đã xuất hiện một số hư hỏng nhẹ, lún vệt bánh xe, rạn nứt nhỏ, tuy chưa ảnh hưởng nhiều đến điều kiện khai thác và an toàn giao thông, nhưng cần sửa chữa những vị trí không đảm bảo điều kiện khai thác. 

3.3. Đoạn từ Km262+700 đến Km267+400 (nội thị Tp. Ninh Bình): Do Cục QLĐB I quản lý, bảo trì bằng nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ. Sau nhiều năm khai thác, mặt đường đã xuất hiện một số hư hỏng nhẹ, lún vệt bánh xe, rạn nứt nhỏ, tuy chưa ảnh hưởng nhiều đến điều kiện khai thác và an toàn giao thông, nhưng cần theo dõi nếu xuất hiện nguy cơ mất ATGT thì phải sửa chữa ngay.

3.4. Đoạn từ Km267+400 đến Km276+844 gồm hai làn:

- Làn phải thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (giai đoạn I) do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư, bàn giao đưa vào khai thác từ ngày 12/9/2013, chưa được xác nhận hết bảo hành. Tình trạng mặt đường bình thường; 

- Làn trái thuộc Dự án WB4 bàn giao đưa vào sử dụng năm 2011, hiện do Cục QLĐB I quản lý, bảo trì bằng nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ. Sau nhiều năm năm khai thác, mặt đường đã xuất hiện một số hư hỏng nhẹ, lún vệt bánh xe, rạn nứt nhỏ, tuy chưa ảnh hưởng nhiều đến điều kiện khai thác và an toàn giao thông, nhưng năm 2016 đã được bố trí kinh phí để sửa chữa. Do đó cần sớm khởi công dự án sửa chữa định kỳ trong khế hoạch 2016.

3.5. Đoạn từ Km276+844 đến hết địa bàn tỉnh Ninh Bình Km285+400 (Dốc Xây): thuộc Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 (giai đoạn II) do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư, bàn giao đưa vào khai thác từ 01/7/2015, đang trong thời gian bảo hành. Tình trạng mặt đường tại các vị trí lún vệt bánh xe đã được cào bạt phẳng, nhưng vệt cào trên mặt đường sâu, không đảm bảo êm thuận, phẳng, nhẵn. Mặt khác khi mưa sẽ bị ngấm nước ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường và mỹ quan. Một số đoạn tiếp tục xuất hiện hằn lún, diện tích hằn lún khá lớn (khoảng 57.000m2), ảnh hưởng đến điều kiện khai thác và an toàn giao thông trên tuyến. Do đó cần sửa chữa, khắc phục ngay các tồn tại mất ATGT.

Tổng cục ĐBVN yêu cầu các cơ quan, đơn vị và các Chủ đầu tư dự án:

1. Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC): Tiến hành sửa chữa ngay các vị trí mặt đường bị lún, nứt, ảnh hưởng tới an toàn giao thông đoạn nhánh rẽ từ nút giao Đại Xuyên (Km211+600) vào đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình (các tồn tại nêu tại Điểm 1.3 - Mục 1 - Phần I).

2. Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng FCC: Tiến hành sửa chữa ngay các vị trí lún, nứt mặt đường, ảnh hưởng tới an toàn giao thông đoạn từ Km215+775 đến Km235+885 (các tồn tại nêu tại Điểm 2.1 – Mục 2 – Phần I).

3. Sở GTVT Hà Nam và Sở GTVT Ninh Bình: Trong thời gian bảo hành, yêu cầu các Sở GTVT thực hiện trách nhiệm chủ đầu tư, kiểm tra, chỉ đạo các Ban QLDA và Nhà thầu có biện pháp giải quyết, xử lý dứt điểm các đoạn tuyến đã cào bạt nhưng còn vết cào trên mặt đường; tiếp tục xử lý những vị trí mặt đường bị lún vệt bánh xe với chiều sâu h>2,5cm  để đảm bảo an toàn giao thông (các tồn tại nêu tại Điểm 2.2 – Mục 2; Điểm 3.1, 3.2, 3.4 và 3.5 – Mục 3 – Phần I).

4. Cục Quản lý đường bộ I:

- Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ;

- Khẩn trương triển khai công tác lựa chọn nhà thầu các công trình SCĐK theo kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2016 trên các đoạn tuyến Cục QLĐB I quản lý. Trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, khi cần phải thực hiện công tác sửa chữa đảm bảo giao thông, kinh phí lấy từ nguồn dự phòng của dự án;

- Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong địa bàn phối hợp với các Sở GTVT thường xuyên kiểm tra toàn bộ tuyến đường Quốc lộ 1 đoạn từ phía nam Thành phố Hà Nội đến hết địa phận tỉnh Ninh Bình:

   + Kiểm tra, giám sát, đôn đốc và yêu cầu các cơ quan (Chủ đầu tư, Nhà đầu tư BOT, VEC, nhà thầu quản lý bảo dưỡng thường xuyên) nghiêm túc thực hiện công tác sửa chữa mặt đường đảm bảo giao thông.

   + Xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

   + Báo cáo Tổng cục ĐBVN mỗi tháng 1 lần (trước ngày 25 hàng tháng) và báo cáo khi cần.

Căn cứ nội dung trên, Cục Quản lý Đường bộ I; Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC); Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng (FCC); Sở Giao thông vân tải Hà Nam; Sở Giao thông vận tải Ninh Bình khẩn trương thực hiện.

Nguồn: Tổng cục ĐBVN.


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 59
Hôm qua : 55
Tháng 04 : 2.315
Năm 2024 : 16.223