A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Họp Ban điều phối chung lần thứ tư Dự án Tăng cường Năng lực Bảo trì Đường bộ Giai đoạn II

Sáng nay (06/12), tại trụ sở cơ quan, Tổng cục ĐBVN đã phối hợp với Đoàn công tác dự án Jica tổ chức cuộc họp Ban điều phối chung lần thứ tư - Dự án tăng cường Năng lực Bảo trì Đường bộ Giai đoạn II. Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện chủ trì cuộc họp.

Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện phát biểu chủ trì.

 

Từ tháng 7 năm 2011 đến tháng 3 năm 2014, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã triển khai một dự án hỗ trợ kỹ thuật về tăng cường năng lực bảo trì đường bộ Giai đoạn I tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tập trung vào khu vực thí điểm là hệ thống quốc lộ thuộc phạm vi quản lý của Cục Quản lý Đường bộ I nhằm tăng cường năng lực quản lý theo chu trình PDCA đối với công tác bảo trì đường bộ bao gồm hệ thống quản lý thông tin đường bộ, lập kế hoạch ngân sách bảo trì mặt đường, công nghệ kiểm tra và sửa chữa công trình đường bộ, thủ tục hành chính và thể chế trong bảo trì đường bộ, và các chương trình đào tạo.

Để nâng cấp các kết quả đầu ra của Dự án Tăng cường Năng lực Bảo trì Đường bộ Giai đoạn I và đưa các kết quả đó áp dụng trên mạng lưới đường bộ trong phạm vi toàn quốc, hỗ trợ công tác luật hóa các kết quả đầu ra thành thể chế của Tổng cục ĐBVN đồng thời triển khai một số công trình sửa chữa thí điểm về công nghệ bảo trì đường bộ mới; JICA và Tổng cục ĐBVN đã tiếp tục phối hợp triển khai "Dự án Tăng cường Năng lực Bảo trì Đường bộ Giai đoạn II" từ tháng 4/2015.

Đến nay, dự án đã thực hiện được gần 3 năm và đã cơ bản thực hiện các nội dung công việc theo kế hoạch của dự án. Cuộc họp ban điều phối chung lần thứ 4 này là cuộc họp Ban điều phối cuối cùng của dự án nhằm báo cáo và đánh giá lại các kết quả của dự án đã thực hiện được; thảo luận và trao đổi các vấn đề cần thực hiện để duy trì và nâng cao các kết quả của dự án sau khi kết thúc dự án và khuyến nghị các bước thực hiện tiếp theo.

 

Ông Tsuneo KATO, Trưởng Đoàn dự án JICA phát biểu tại cuộc họp

 

Sau gần 3 năm thực hiện, dự án có những thành công nhất định như đã khảo sát thu thập dữ liệu tình trạng mặt đường của hơn 6000 km quốc lộ của 04 Cục QLĐB; đã hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý mặt đường trên nền web, đặc biệt là mô đun lập kế hoạch bảo trì mặt đường dựa trên kết quả khảo sát tình trạng mặt đường; triển khai các dự án thí điểm sửa chữa đường bộ về trám vá vết nứt, sửa chữa ổ gà và chống thấm mặt cầu; tổ chức được nhiều khóa đào tạo tại chỗ và tại Nhật Bản cho cán bộ Tổng cục ĐBVN hoàn thiện các ấn phẩm truyền thống như báo cáo thường niên đường bộ 2016, video giới thiệu ngành đường bộ Việt Nam, và các kết quả khác.

Dự án đã góp phần thay đổi nhận thức về công tác quản lý bảo trì công trình đường bộ, thúc đẩy quá trình đổi mới toàn diện công tác bảo trì đường bộ của Tổng cục đường bộ Việt Nam.

 

Ts. Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ KHCN, MT & HTQT, Tổ tưởng Tổ đối tác phát biểu

 

 

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện cho biết, trong thời gian tới để duy trì và nâng cao các kết quả của dự án sau khi kết thúc dự án, Tổng cục ĐBVN sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu tình trạng mặt đường của khoảng 17000 km quốc lộ còn lại của 5 Cục QLĐB và 52 sở GTVT được ủy quyền quản lý quốc lộ; triển khai công tác lập kế hoạch bảo trì mặt đường cho năm kế hoạch 2019; tích hợp phần mềm PMS vào hệ thống quản lý tài sản đường bộ thuộc dự án VRAMP; …

Tuy nhiên, do thời gian chuyển giao và đào tạo về công tác lập kế hoạch, quản lý mặt đường còn hạn hẹp. Dó đó, Tổng cục ĐBVN còn gặp một số khó khăn khi triển khai tiếp. Các khó khăn chính là: Khả năng vận hành phần mềm PMS của các công chức các Vụ tham mưu cũng như của các Cục QLĐB, đặc biệt là của các Sở GTVT còn hạn chế; Phần mềm PMS mới triển khai cho các cục QLĐB, việc triển khai tiếp cho 52 Sở GTVT được ủy quyền quản quốc lộ và Cục QLĐB cao tốc sẽ gặp nhiều thách thức về nguồn nguồn lực và năng lực của chuyên viên cấp Sở; Phần mềm PMS tuy đã được hoàn thiện nhưng vẫn còn tiếp tục phải có những điều chỉnh nhỏ cho phù hợp với thực tế Việt Nam; mặt khác cần tích hợp được với hệ thống quản lý tài sản đường bộ thuộc hợp phần A dự an VRAMP.

"Để giải quyết các khó khăn này, Tổng cục ĐBVN mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Jica để duy trì sự bền vững của các kết quả dự án thông qua hoạt động đào tạo sau dự án; hỗ trợ chuyên gia để hướng dẫn chỉnh sửa phần mềm trong giai đoạn vận hành khai thác." – Tổng Cục Trưởng nhấn mạnh.

Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN cũng đề nghị Tổ đối tác, các Vụ tham mưu, các Cục QLĐB và các đơn vị trực thuộc Tổng cục khẩn trương phối hợp với Đoàn dự án để hoàn thiện các sản phẩm của dự án, lên kế hoạch tiếp nhận và duy trì các sản phẩm của dự án; xây dựng kế hoạch triển khai các kết quả.

 

Toàn cảnh cuộc họp sáng nay (06/12)

 

Phát biểu kết thúc cuộc họp, Tổng Cục trưởng trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản và JICA Việt Nam; sự hỗ trợ của các Vụ thuộc BỘ GTVT: Vụ Kế hoạch đầu tư, Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Kết cấu hạ tầng và Cục quản lý chất lượng xây dựng công trình giao thông; sự hợp tác của Viện Khoa học công nghệ GTVT và Trường đại học GTVT; sự tham gia của Tổ đối tác, các Vụ tham mưu và các đơn vị của Tổng cục ĐBVN đã phối hợp để triển khai thực hiện dự án trong thời gian qua cho các kết quả đạt được của dự án.

 

Chụp ảnh kỷ niệm

 

Nguồn: Tổng cục ĐBVN.


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 1
Hôm qua : 0
Tháng 04 : 2.201
Năm 2024 : 16.109