A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đi lại thông minh để thành phố thông minh hơn

Giao thông thông minh là phải tạo ra sự đi lại thuận tiện cho người dân và tác động ít nhất đến môi trường, trong đó phi cơ giới đang là một trong nhiều giải pháp được khuyên khích áp dụng hiện nay tại Việt Nam.

Vận tải hành khách công cộng sẽ hạn chế phương tiện cá nhân. Ảnh: VGP/Nam Đàn

 

Thành phố thông minh là chủ đề cấp thiết và là chiến lược giải quyết tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm, tiêu thụ nhiên liệu, xử lý rác…, trong đó đi lại thông minh là một trong những vấn đề mấu chốt bao gồm phương tiện thông minh (có tính kết nối, tiết kiệm nhiên liệu, gồm các loại xe điện, thân thiện môi trường…) và nguồn dữ liệu lớn theo thời gian thực được thu thập, chia sẻ và sử dụng bởi các nhà quản lý, người tham gia giao thông, phương tiện và cơ sở hạ tầng. Trên cơ sở đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ có những quyết sách đúng đắn để cải thiện điều kiện đi lại, giảm tiêu thụ nhiên liệu và các tác động môi trường.

Đây là chủ đề được nêu lên tại hội thảo "Đi lại thông minh để thành phố thông minh hơn" do Trường Đại học Việt Đức và Hiệp hội Nghiên cứu giao thông Đông Á (EASTS) tổ chức ngày 13/9 tại TPHCM.

Giáo sư tiến sĩ Akimasa Fujiwara – Đại học Hiroshima, Nhật Bản chia sẻ mô hình xe điện mặt đất tại thành phố Hiroshima nhằm hạn chế va quệt giữa xe hơi với phương tiện vận tải công cộng. Cùng với đó, thành phố Hiroshima đang tiến tới mô hình phương tiện tự hành thông minh thông qua việc tự động hóa vừa đảm bảo trật tự vừa đảm bảo an ninh giao thông.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu chia sẻ về công nghệ và các hệ thống đi lại thông minh, cơ sở dữ liệu, ảnh hưởng môi trường và kinh tế, thể chế và tài chính, các thách thức trong giao thông đi lại, các nguồn vốn đầu tư tài chính phát triển đường sắt đô thị, sức khỏe người dân trong quy hoạch hế thống giao thông… 

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, giao thông thông minh là phải tạo ra sự đi lại thuận tiện cho người dân và tác động ít nhất đến môi trường, trong đó phi cơ giới đang là một trong nhiều giải pháp được khuyên khích áp dụng hiện nay tại Việt Nam.

Chia sẻ câu chuyện việc hàng ngày đi đến cơ quan bằng xe đạp, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, muốn người dân đô thị lựa chọn phương tiện này, trước hết các lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước cần thực hiện đầu tiên. Trong một không gian đô thị mà đường sá không được mở rộng, thời gian đi lại giữa các phương tiện gần như nhau thì việc đi xe đạp sẽ không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc mà còn nâng cao sức khỏe, tiết kiệm nhiên liệu và giảm thải ô nhiễm môi trường.

Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, ở tại bất cứ quốc gia nào, việc tăng năng lực kết cấu hạ tầng để đáp ứng tuyệt đối nhu cầu giao thông cá nhân là không thể, ngay cả nhiều thành phố của Mỹ với mật độ hạ tầng giao thông chiếm đến 36% diện tích đô thị cũng không thể tránh khỏi ùn tắc. Do đó, cùng với việc phát triển kết cấu hạ tầng, cần tăng cường vai trò quản lý giao thông, kiểm soát, điều tiết giao thông hợp lý gắn với công tác quy hoạch đô thị khoa học, đảm bảo bản thân khu vực đô thị được quy hoạch phải đáp ứng vấn đề đi lại, giảm số chuyến đi, giảm diện tích đường bị phương tiện giao thông chiếm dụng trong giờ cao điểm.

Về giao thông TPHCM trong 10 năm tới, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, thành phố sẽ có ít nhất 3 tuyến tàu điện ngầm (metro), mặc dù chưa hẳn mang lại "thiên đường" về giao thông nhưng sẽ định hình khung phát triển không gian đô thị và là cơ hội điều chỉnh quản lý phương tiện công cộng khác, giảm phương tiện cá nhân (xe máy, xe hơi) để chuyển sang vận tải công cộng nhưng vẫn còn một tỷ lệ nhất định lượng xe máy.

Theo chinhphu.vn


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 136
Hôm qua : 339
Tháng 03 : 2.156
Năm 2024 : 13.504