A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cách nào thu hút tư nhân đầu tư trạm dừng nghỉ?

Được kỳ vọng để xóa nạn “cơm tù”, “cơm ép”, nhưng hoạt động của các trạm dừng nghỉ đa số hiện vẫn “nhếch nhác”...

 

Trạm dừng nghỉ QL6 đìu hiu, nước mưa đọng thành vũng sau mỗi trận mưa - Ảnh: K.Linh

 

Được kỳ vọng lớn để xóa nạn "cơm tù", "cơm ép", đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, nhưng hoạt động của các trạm dừng nghỉ đa số hiện vẫn "nhếch nhác", vắng khách và gần như không có xe vào nghỉ. Trước thực tế này, Tổng cục Đường bộ VN đang lập đề án xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút tư nhân đầu tư mạnh mẽ vào các trạm dừng nghỉ này.

Đầu tư lớn, hiệu quả thấp

Ba trạm dừng nghỉ đường bộ thuộc Quy hoạch tổng thể hệ thống trạm dừng nghỉ đường bộ tại Việt Nam do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với trị giá hàng chục tỷ đồng thí điểm xây dựng tại 3 địa điểm: Song Khê (Bắc Giang), Tân Lạc (Hòa Bình) và Ninh Bình từ năm 2009. Việc xây dựng các trạm này không gì khác ngoài mục đích bảo đảm ATGT, hạn chế tình trạng "cơm tù", "cơm ép" gây bức xúc trong dư luận. Thế nhưng, đến nay, hoạt động của các trạm này không như kỳ vọng, đa số vẫn "nhếch nhác", vắng khách và gần như không có xe vào nghỉ.

Ngày 7/7, ghi nhận thực tế tại trạm dừng nghỉ Tân Lạc, PV Báo Giao thông tận thấy cảnh đìu hiu và hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng tại đây. Trạm nghỉ này thực hiện đúng các công năng theo tiêu chuẩn như: Cung cấp dịch vụ nghỉ ngơi, thư giãn, vệ sinh cho lái xe và hành khách, cung cấp thông tin về du lịch giao thông của khu vực, giới thiệu các sản phẩm địa phương... Thế nhưng, nhiều tiếng đồng hồ đứng ở đây PV không hề thấy có bất kỳ chiếc xe nào ghé lại. Gian trưng bày các sản phẩm của địa phương giờ đã thành một cái kho chứa đồ. Trạm hiện chỉ còn 2 nhân viên làm việc lay lắt, ngồi bán vài thứ đồ uống lặt vặt. PV gọi đồ ăn trưa thì chỉ được phục vụ duy nhất bằng hai gói mì úp, vì ở đây không bán cơm.

Theo quy hoạch hệ thống trạm nghỉ trên quốc lộ đến năm 2015 sẽ xây dựng, mở rộng hoàn thiện khoảng 30 - 40 trạm trên QL1 và khoảng 15 - 20 trạm trên các quốc lộ khác. Giai đoạn 2016-2020, hoàn thiện 100% số trạm dừng nghỉ trên QL1, nhằm đảm bảo ít nhất mỗi tỉnh có một trạm dừng nghỉ (khoảng 45–50 trạm) và 25-30 trạm trên các quốc lộ khác. Giai đoạn 2021 - 2030, xây dựng, mở rộng hoàn thiện trên hệ thống đường quốc lộ phải có khoảng 100 - 120 trạm. Diện tích tối thiểu và các hạng mục công trình bắt buộc của trạm dừng nghỉ phải tuân theo quy định tại Thông tư số 48 của Bộ GTVT về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trạm dừng nghỉ đường bộ.

Lý giải về thực trạng này, ông Hà Ngọc Toàn, Phó giám đốc Công ty CP 26/3 (đơn vị quản lý trạm) cho biết, sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, trạm này chưa được như kỳ vọng. Trong khi tiềm năng khách qua đây rất đông, nhưng trạm có diện tích quá nhỏ không đáp ứng yêu cầu. "Công ty đang làm thủ tục xin mở rộng diện tích mở thêm bãi đỗ vì hiện chỉ vài chiếc xe container vào nghỉ đã chiếm hết bãi đỗ xe, khu ăn, nghỉ và đầu tư thêm trạm xăng nhưng thủ tục xin mở rộng đang gặp nhiều khó khăn", ông Toàn nói.

Các trạm dừng nghỉ tại Ninh Bình, Song Khê đều chung cảnh ngộ, hoạt động không hiệu quả và vắng khách triền miên. Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, những điểm bất hợp lý về vị trí, quản lý và dịch vụ đã khiến các trạm rơi vào tình trạng lãng phí như hiện nay. Trạm dừng nghỉ để phục vụ vận tải khách đường dài, tuyến cố định, nên tiêu chí đầu tiên phải phù hợp với tuyến đường và đáp ứng các điều kiện cần thiết của khách. Song thực tế, các trạm trên đều nằm ở vị trí không phù hợp, chất lượng dịch vụ, phục vụ thiếu linh hoạt, khó thu hút được khách.

"Hiện có quá nhiều điểm dừng nghỉ tự phát của tư nhân trên các tuyến quốc lộ, đồng thời người dân được tự do xây dựng cơ sở kinh doanh, tạo mạng lưới hàng quán dày đặc. Bên cạnh đó, người lái xe luôn gắn bó với những quán ăn bên đường để được hưởng lợi một phần thông qua việc khách sử dụng dịch vụ tại quán nên khi các trạm dừng nghỉ dù đầu tư lớn vẫn không thu hút được khách", ông Thanh nói.

Doanh nghiệp không mặn mà

Theo quy hoạch, hệ thống trạm dừng nghỉ trên quốc lộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Bộ GTVT phê duyệt, đến năm 2030 sẽ có 120 trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, đến nay, trên địa bàn cả nước Tổng cục mới công bố được 10 trạm, trong khi mục tiêu đến năm 2015 theo quy hoạch phải có 85 trạm.

"Việc phát triển trạm dừng nghỉ còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng trạm được đầu tư, xây dựng và công bố rất thấp so với yêu cầu. Nguyên nhân chính của thực trạng này là do chưa có các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút xã hội hóa đầu tư, khai thác trạm dừng nghỉ, do đó không hấp dẫn và khó thu hút được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư, khai thác. Bên cạnh đó, khó khăn trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn hạn hẹp cũng là một rào cản khiến doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà đầu tư", bà Hiền trăn trở và cho rằng, nên để tư nhân đầu tư quản lý kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao. Vai trò của Nhà nước là công bố quy hoạch, ban hành quy chuẩn quốc gia, các chính sách ưu đãi… phù hợp để các trạm dừng nghỉ phát triển hiệu quả.

"Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng Đề án: "Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác trạm dừng nghỉ trên hệ thống quốc lộ Việt Nam" với nhiều phương án ưu đãi như: Xin Chính phủ miễn thuế đất với những diện tích dành cho dịch vụ công cộng không thu phí như bãi đỗ xe, chỗ nghỉ ngơi công cộng, khu vệ sinh. Việc miễn giảm thuế cũng được nghiên cứu, đề xuất với các địa phương nhằm thu hút được nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư và khai thác trạm dừng nghỉ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách", bà Hiền nói.

Ông Vũ Đức Hoàng, Phó giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long cho biết, đơn vị có gần 100 xe giường nằm vận chuyển khách tuyến Bắc - Nam nhưng không đầu tư trạm dừng nghỉ mà hợp tác với 50 nhà hàng ven đường để làm điểm dừng nghỉ. Việc này rất tiện lợi và không phải bỏ ra chi phí lớn để xây dựng và nuôi nhân công, phí quản lý.

"Việc đầu tư trạm dừng nghỉ sẽ không mang lại lợi nhuận nếu không có chính sách ưu đãi về đất, thuế. Đầu tư trạm dừng nghỉ mà phải đi mua hay thuê đất doanh nghiệp không đủ sức làm. Cùng đó, doanh nghiệp đầu tư trạm dừng nghỉ phải được đảm bảo không có tình trạng cục bộ địa phương, nạn "đầu gấu" tranh giành khách", ông Hoàng chia sẻ. 

Nguồn: Báo Giao thông

 


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 119
Hôm qua : 339
Tháng 03 : 2.139
Năm 2024 : 13.487