A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thi tuyển công chức Bộ Giao thông Vận tải

 

Thi tuyển công chức Bộ Giao thông Vận tải,Bộ trưởng Thăng: Sẽ thi tuyển tất cả các vị trí, trừ cấp Thứ trưởng, "Sau khi thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ có kết quả thì sẽ tổ chức thi tuyển tất cả các vị trí, ngoại trừ cấp Thứ trưởng. Việc thi tuyển sẽ loại bỏ được nạn chạy chức chạy quyền và người tài sẽ được trọng dụng" 

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định như vậy tại Hội nghị Thanh tra giao thông vận tải (GTVT) sáng nay 21/2.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thi tuyển là cách tốt nhất để công khai minh bạch trong công tác tổ chức cán bộ, điều này thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT và khi làm nghiêm túc sẽ có kết quả tốt.
"Sau khi thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ có kết quả thì sẽ tổ chức thi tuyển tất cả các vị trí khác, ngoại trừ cấp Thứ trưởng (Thứ trưởng do Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn, không thuộc thẩm quyền bổ nhiệm cấp Bộ). Thi tuyển sẽ loại bỏ được nạn chạy chức chạy quyền và người tài sẽ được trọng dụng" - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói rõ.
Vị tư lệnh của ngành giao thông cũng cho rằng, với một hội đồng Ban giám khảo 15 người do một Thứ trưởng làm Trưởng ban, việc chấm thi sẽ rõ ràng và khách quan. Người ứng tuyển khi đó muốn "chạy" cũng khó vì không thể có sức mà "chạy" đủ cả 15 người chấm thi.

"Sau khi Ban giám khảo chấm thi có kết quả thì Ban cán sự Đảng sẽ thống nhất để ra quyết định bổ nhiệm. Người đạt kết quả cao nhất sẽ là người trúng tuyển và không có lí do nào khác để xem xét thêm. Bộ trưởng không có trong thành phần Ban giám khảo nên cũng không phải lo Bộ trưởng có đồng ý hay không đồng ý" - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, việc thi tuyển sẽ nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và là cách để làm việc rõ ràng, công khai, minh bạch

Trước đó, Bộ GTVT đã công bố thi tuyển chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhấn mạnh không có hạn chế "ngầm" nào đối với bất kỳ thí sinh đạt đủ các tiêu chuẩn chung đã được quy định, việc thi tuyển dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4 tới đây.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ vào tháng 4/2014. Đây được xem là sự thay đổi đáng chú ý trong cơ cấu tổ chức cán bộ của Bộ này với những yêu cầu cao về năng lực làm việc và kinh nghiệm công tác.

Việc thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nằm trong Đề án thí điểm đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt. Bộ GTVT khẳng định không có hạn chế "ngầm" nào đối với bất kỳ thí sinh đạt đủ các tiêu chuẩn chung đã được quy định.
Theo đó, đối tượng tham gia là những người đang giữ chức vụ: Vụ trưởng thuộc Bộ GTVT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục trưởng các Cục trực thuộc Bộ GTVT; Hiệu trưởng các trường Đại học trực thuộc Bộ GTVT, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam; Viện trưởng các Viện trực thuộc Bộ GTVT; Chủ tịch Hội đồng thành viên (Hội đồng quản trị), Tổng Giám đốc các Tổng công ty trực thuộc Bộ GTVT; Giám đốc các Sở GTVT.
Bên cạnh đó, các ứng viên phải có quá trình công tác trong lĩnh vực GTVT ít nhất 10 năm; đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên; thành thạo một ngoại ngữ thông dụng (Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc); tốt nghiệp ĐH phù hợp với lĩnh vực công tác; tốt nghiệp lý luận chính trị cao cấp; tốt nghiệp quản lý hành chính Nhà nước ngạch chuyên viên cap cấp; sử dụng thành thạo máy tính và các trang thiết bị văn phòng phục vụ cho công tác. Đặc biệt, về năng lực lãnh đạo, quản lý, các ứng viên phải bảo đảm hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; có năng lực nắm bắt, dự báo tình hình, định ra được mục tiêu, chương trình dài hạn, ngắn hạn của đơn vị đồng thời biết tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Theo yêu cầu thi tuyển, ứng viên phải có năng lực xây dựng tổ chức và sắp xếp nhân sự của đơn vị, bố trí đúng người, đúng việc, phát huy được năng lực cá nhân; có năng lực tham mưu, tổ chức, lãnh đạo, quản lý thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành; có năng lực điều hành, có khả năng quy tụ, đoàn kết, tổ chức đội ngũ công chức trong đơn vị và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ…
Việc chấm tuyển sẽ do một hội đồng Ban giám khảo gồm 15 người và do một Thứ trưởng làm trưởng Ban. Các thành viên của Ban Giám khảo phải là người không trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật; không có vợ hoặc chồng, con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột của mình và của vợ hoặc của chồng là người dự thi.
Các ứng viên dự thi phải trải qua 2 phần thi là thi viết và bảo vệ chương trình hành động. Nội dung này đều được thông báo công khai cho người đăng ký dự thi biết. Cụ thể, người dự thi phải viết chương trình hành động phát triển Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong 10 năm tới theo hình thức tự luận và không được sử dụng điện thoại, tài liệu trong quá trình làm bài. Thời gian làm bài là 240 phút. Bài viết chương trình hành động được chấm theo thang điểm 100.
Phần bảo vệ chương trình hành động theo hình thức thuyết trình và trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo. Người dự thi thuyết trình tóm tắt chương trình hành động của mình bằng công cụ trình chiếu Power Point; sau khi người dự thi thuyết trình, các ủy viên Ban Giám khảo đặt câu hỏi. Điểm bảo vệ chương trình hành động của người dự thi được đánh giá theo thang điểm 100.

Kết quả điểm thi tuyển là tổng số điểm chấm bài thi viết và điểm bảo vệ chương trình hành động. Kết quả thi này chính là căn cứ để bổ nhiệm Tổng cục trưởng vì những người được tham dự thi đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm.
Người trúng tuyển là người có kết quả thi cao nhất. Căn cứ vào kết quả thi tuyển được thông báo công khai này, Bộ trưởng Bộ GTVT là người ký quyết định bổ nhiệm người trúng tuyển giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định.

Sau cuộc thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam trên, Bộ GTVT sẽ tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện từ đó rút ra những kinh nghiệm. Nếu đạt kết quả tốt sẽ tiếp tục thực hiện mở rộng việc thi tuyển đối với các chức danh lãnh đạo khác; nếu còn hạn chế, vướng mắc sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương và kinh nghiệm của các cơ quan, địa phương để có phương án thực hiện phù hợp hơn.

Để tham dự thi tuyển các ứng viên phải đáp ứng điều kiện: Là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có lý lịch rõ ràng; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có nhận xét, đánh giá trong thời hạn 3 năm liên tục trước đó đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bảo đảm tuổi khi bổ nhiệm không quá 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ. Các ứng viên phải bảo đảm sức khỏe công tác.
Châu Như Quỳnh nguồn tin dantri.com.vn


Nguồn: drvn.gov.vn
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 12
Hôm qua : 137
Tháng 04 : 2.498
Năm 2024 : 16.406