A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng cục ĐBVN có buổi làm việc trao đổi kinh nghiệm với Viện Đào tạo Công chính và Vận tải Lào

Sáng 12/9, tại trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN đã chủ trì buổi làm việc trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về quản lý mạng lưới đường bộ với Đoàn công tác Lào do ông Siriphone INTHIRATH - Viện trưởng Viện Đào tạo Công chính và Vận tải Lào làm Trưởng Đoàn.

Buổi làm việc trao đổi kinh nghiệm với Viện Đào tạo Công chính và Vận tải Lào sáng ngày 12/9 tại trụ sở Tổng cục ĐBVN

 

Tham dự buổi làm việc có đại diện các Vụ: Quản lý bảo trì đường bộ, Kế hoạch đầu tư, Tổ chức cán bộ, Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế và Cục Quản lý xây dựng đường bộ.

Tại buổi làm việc, Tổng cục ĐBVN đã giới thiệu tổng quan về sơ đồ tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Tổng cục, đồng thời trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về chiến lược, kế hoạch phát triển và quản lý mạng lưới đường bộ; quản lý bảo trì đường bộ quốc gia và địa phương; chiến lược phát triển nguồn nhân lực và chương trình xây dựng năng lực cho cán bộ.

Trình bày về chức năng nhiệm vụ, chiến lược phát triển nguồn nhân lực và chương trình xây dựng năng lực cho cán bộ của Tổng cục, Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, Tổng cục ĐBVN là cơ quan tham mưu cho Bộ GTVT về quản lý chuyên ngành đường bộ. Tuy nhiên nhiệm vụ quản lý nhà nước về đường bộ do nhiều cơ quan thực hiện. Vai trò chính của Tổng cục: Tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Tổ chức quản lý, bảo trì, khai thác hệ thống Quốc lộ; Tham mưu về vận tải đường bộ, sát hạch cấp Giấy phép lái xe.

Mục tiêu chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Tổng cục là trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.

Chương trình nâng cao năng lực CC, VC của Tổng cục trong thời gian qua đã bám sát mục tiêu chiến lược phát triển nguồn năng lực của Chính phủ và Bộ GTVT, Tổng cục đã có những hành động quyết liệt, cụ thể, từng bước xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực thực thi công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành GTVT đường bộ trong hiện tại và tương lai.

Về công tác bảo trì đường bộ tại Việt Nam, Đại diện Vụ Quản lý bảo trì đường bộ nhấn mạnh, hệ thống quốc lộ hiện nay bao phủ khắp lãnh thổ và đóng vai trò trục chính kết nối vận tải giữa các vùng miền, kết nối mạng lưới giữa các vùng, miền, các cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu và bao gồm tổng số có 146 tuyến với tổng chiều dài là 23.816 km; Phân theo loại mặt đường hiện có: Bê tông nhựa: 14.931 km (61,3%); Đá dăm láng nhựa: 6.860 km (27,7%); Bê tông xi măng: 1,111km (4%); Cấp phối, đá dăm: 302 km (1,4%); Đất: 24 km (0,3%); Các đoạn ngắn xen kẹp bao gồm nhiều loại kết cấu: 1.262 km (5,3%).

Chính phủ Việt Nam quy định bảo trì là các hoạt động nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường và an toàn của Công trình trong quá trình khai thác sử dụng. Nội dung bảo trì bao gồm 5 nhóm công việc như: Kiểm tra công trình; Bảo dưỡng công trình; Sửa chữa công trình; Quan trắc công trình; Kiểm định chất lượng công trình.

Nguồn tài chính cho công tác bảo trì: Các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT thì kinh phí để bảo trì tuyến đường được lấy từ chi phí bảo trì đã quy định trong Hợp đồng BOT; Các tuyến đường chuyên dùng Chủ sở hữu hoặc Người quản lý sử dụng tuyến đường bỏ kinh phí để bảo trì; Tại các vùng nông thôn còn có hình thức cộng đồng dân cư ở nông thôn tự thực hiện công tác bảo trì bằng nguồn lực tại chỗ.

Một số giải pháp chính về bảo trì được nhấn mạnh như: Hoàn thiện thể chế: Sửa lại Luật Giao thông đường bộ, sửa đổi Thông tư số 52/2013/TT–BGTVT quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ (đã được thay thế bằng Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ) và hoàn thiện các văn bản thể chế khác; Triển khai áp dụng các dự án hỗ trợ kỹ thuật về Bảo trì Đường bộ của JICA, WB, KOICA, Chính phủ Úc và các tổ chức khác. Tiếp nhận và đào tạo nhân lực thu thập cơ sở dữ liệu quản lý mặt đường (PMS), lập kế hoạch bảo trì và quản lý theo chu trình PDCA và các nhiệm vụ của Dự án tăng cường năng lực bảo trì giai đoạn II; Hoàn thiện hệ thống xây dựng và thu thập cơ sở tài sản hạ tầng đường bộ và Mở rộng hình thức Hợp đồng PBC trong Dự án VRAMP, Dự án LRAMP vv… Đẩy mạnh việc đổi mới về khoa học công nghệ trong bảo trì; Hoàn chỉnh tổ chức Ban bảo trì cho các Sở GTVT, đồng thời xây dựng Thông tư phân cấp quản lý bảo trì cho các cấp (Dự kiến đầu năm 2019 ban hành); Tiếp tục thực hiện Đề án đổi mới công tác Bảo trì đường bộ và việc Xã hội hóa công tác bảo trì đường bộ; Nâng cao năng lực các nhà thầu tham gia bảo trì thông qua yêu cầu về năng lực thiết bị, nhân lực, đổi mới việc thực hiện duy tu bảo dưỡng cầu, đường.

Phát biểu chủ trì buổi làm việc, Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN đã khẳng định mối quan hệ truyền thống, tình cảm gắn gó của nhân nhân 2 nước và bày tỏ sự vui mừng đón tiếp Đoàn công tác.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Mạnh Thắng trao quà lưu niệm và chúc Viện trưởng Siriphone INTHIRATH có chuyến công tác thành công tại Việt Nam.

 

Viện trưởng Viện Đào tạo Công chính và Vận tải Lào Siriphone INTHIRATH cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu của Tổng Cục ĐBVN và mong muốn sẽ có cơ hội được làm việc với Tổng cục ĐBVN trong những lần công tác tiếp theo.

Chụp ảnh lưu niệm

Nguồn: TCĐBVN

 


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 15
Hôm qua : 137
Tháng 04 : 2.501
Năm 2024 : 16.409