A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất trồng cây ven đường có tác dụng chống sạt lở

Đề nghị Bộ GTVT có chủ trương trồng cây ven đường nhằm hạn chế ảnh hưởng của thiên tai đối với đường bộ - Đó là đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) gửi Bộ GTVT tại Văn bản số 7477/TCĐBVN-QLBTĐB ngày 30/12/2016 về việc đề xuất trồng cây ven đường có tác dụng chống sạt lở.

Việc trồng cây ven đường bộ ngoài tác dụng hạn chế ô nhiễm môi trường nói chung còn có những tác động đối với giao thông đường. Ảnh minh họa: internet.

  

Theo đánh giá của Tổng cục ĐBVN, mặc dù việc trồng cây ven đường bộ có một số hạn chế như: Các loại cây thân gỗ, cây cao có thể gây hạn chế tầm nhìn của người tham gia tại các nút giao, đường cong, hoặc che khuất biển báo làm ảnh hưởng đến tốc độ khai thác, an toàn giao thông; Khi bị gãy đổ ảnh hưởng đến giao thông đường bộ và phải có chi phí để chăm sóc, cắt tỉa, trồng cây. Tuy nhiên, việc trồng cây ven đường bộ ngoài tác dụng hạn chế ô nhiễm môi trường nói chung còn có những tác động tốt đối với giao thông đường bộ, cụ thể như: Hạn chế ảnh hưởng của khí hậu gây xói mòn, sạt lở đối với công trình đường bộ; Ngăn đất đá sạt lở làm hư hỏng công trình giao thông đường bộ và ảnh hưởng đến giao thông (gây ùn tắc) tại các vị trí ta luy dương; Giảm thiểu ảnh hưởng của giao thông trên tuyến đường bộ đến các hộ dân hai bên đường, cụ thể: giảm hàm lượng bụi và tiếng ồn phương tiện giao thông gây ra, hạn chế lão hóa và chảy nhựa mặt đường, đồng thời bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và hạn chế đấu nối vào đường bộ.

 

Để việc trồng cây bên đường phát huy được tác dụng, đồng thời đảm bảo an toàn giao thông, Tổng cục ĐBVN đã có Văn bản đề nghị Bộ GTVT có chủ trương trồng cây ven đường nhằm hạn chế ảnh hưởng của thiên tai đối với đường bộ với những nội dung cụ thể liên quan đối với các dự án xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp đường bộ hoặc đối với các tuyến đường bộ đang khai thác…

 

Văn bản đề xuất cũng nêu rõ, để việc trồng cây không ảnh hưởng đến việc quan sát biển báo và tầm nhìn các phương tiện giao thông trên đường và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành; Cục QLĐB, Sở GTVT cần tham khảo ý kiến của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Chi cục Kiểm lâm (nếu có) để lựa chọn loại cây phù hợp.

 

Kiến nghị: Để việc trồng cây ven đường đảm bảo hiệu quả, trong điều kiện công tác bảo trì đường bộ hiện không có nội dung này, kính đề nghị Bộ GTVT:

 

Đối vối các loại cỏ bản địa thông thường: Tổng cục ĐBVN khi phê duyệt dự án có đắp nền, bạt mái ta luy: Sau khi thi công xong nền sẽ trồng cỏ bảo vệ mái ta luy.

 

Đối với các loại cây thân gỗ, cây cao, cây ngoại lai (không phải cây bản địa): Trước mắt sẽ thí điểm trồng cây ven đường trên một số tuyến quốc lộ đã được đầu tư xây dựng phù hợp Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Việt Nam (tránh trường hợp phải chặt bỏ khi đầu tư nâng cấp) để đánh giá hiệu quả và tác động môi trường. Căn cứ kết quả đánh giá để xem xét nhân rộng.

 

Kinh phí thực hiện trồng và chăm sóc cây bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ.

 

Việc trồng cây ven đường bộ có tác dụng giảm hàm lượng bụi và tiếng ồn phương tiện giao thông gây ra, hạn chế lão hóa và chảy nhựa mặt đường, đồng thời bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và hạn chế đấu nối vào đường bộ.Hình ảnh minh họa nguồn: internet.

 

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT giao Tổng cục ĐBVN nghiên cứu đề xuất các loại cây trồng bảo vệ nền đường nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thực hiện chỉ đạo trên, Tổng cục ĐBVN đã có văn bản số 5099/TCĐBVN-QLBTĐB ngày 15/9/2016 đề nghị các Cục Quản lý đường bộ, các Sở Giao thông vận tải rà soát, cung cấp thông về các loại cây trồng hai bên đường bộ có tác dụng giảm thiểu ảnh hưởng của mưa bão đối với bền vững công trình đường bộ. Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị gửi về, Tổng cục Đường bộ báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

 

Hiện nay, trên hệ thống đường bộ nói chung và hệ thống quốc lộ nói riêng, việc trồng cây ven đường bộ để bảo vệ nền đường hầu như chưa được ngành đường bộ nghiên cứu và triển khai thực hiện, chỉ có một số tuyến đường bộ mới được đầu tư xây dựng có trồng cỏ vertiver trên mái ta luy tại một số vị trí để chống sạt lở như đường Hồ Chí Minh, một số tuyến đường địa phương tại Quảng Nam, Đà Nẵng v.v… Đối với công tác quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ hiện chưa có nội dung trồng cây để bảo vệ nền đường (chỉ có nội dung chăm sóc cây cảnh trên dải phân cách giữa hoặc đảo giao thông, phát cây đảm bảo tầm nhìn).

 

Một số Sở GTVT như Sở GTVT Hải Dương đã triển khai trồng cây bạch đàn, keo tai tượng, phi lao hai bên đường trên hệ thống đường tỉnh; Sở Hải Dương đánh giá đây là loại cây rễ cọc, mọc thẳng đứng có tác dụng góp phần chống sạt lở lề đường, không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông, ngoài ra còn góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm đáng kể hàm lượng bụi và độ ồn do phương tiện giao thông gây ra, hạn chế lão hóa và chảy nhựa mặt đường, đồng thời bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và hạn chế đấu nối vào đường bộ. 

 

Mặc dù chưa có các nghiên cứu, đánh giá cụ thể, qua quá trình quản lý, khai thác và bảo trì các tuyến đường bộ, các Sở GTVT, Cục Quản lý đường bộ đã đề xuất nghiên cứu các loại cây trồng trên ta luy đường cụ thể như sau:

 

Đối với các vị trí mái dốc ta luy dương nền đào: Trồng các loại cỏ bản địa như cỏ mật, cỏ lá tre, cỏ lau, cỏ tranh, lạc dại, dương xỉ v,v… để chống xói mòn, sạt lở; Trồng các loại cây như tre, trúc, cây thân gỗ để giữ ổn định mái ta luy, ngăn đất đá rơi xuống mặt đường như các loại cây: thông, samu, bạch đàn, lát hoa, sung, si, keo, tràm, mỏ két, dầu, gừa, v.v..

 

Đối với nền đắp, mái ta luy âm: Trồng các loại cỏ như: cỏ mật, cỏ lá tre, cỏ lau, cỏ tranh, cỏ đậu phộng, cỏ ba lá, cỏ dã quỳ, lạc dại, thủy trúc, v,v… để chống xói mòn, sạt lở; Trồng cây giữ ổn định mái ta luy như ta luy dương.

 

Đối với nền đường đi dọc sông suối: Trồng các loại cỏ như cỏ mật, cỏ lá tre, cỏ lau, cỏ tranh, cỏ 3 lá, lạc dại, lau, sậy, v,v… để chống xói mòn, sạt lở; Trồng các loại cây trên nền đường hoặc ta luy, hành lang an toàn để giữ đất ổn định, hạn chế tác động của dòng chảy đối với nền đường như cây tre, cây gừa, cây mắm, cây dừa nước, cây tràm, cây bạch đàn, cây bần, dứa dại, hoa vối, liễu rũ si, lộng vừng, v.v….

 

 Đối với nền đường đi qua ao, hồ, đầm phá, kênh mương: Trồng các loại cỏ như: cỏ mật, cỏ lá tre, cỏ lau, cỏ tranh, lạc dại, cỏ đậu phộng v,v… để chống xói mòn, sạt lở; Trồng các loại cây trên nền đường hoặc ta luy, hành lang an toàn để giữ đất ổn định, hạn chế tác động đối với nền đường như tre, cây gừa, cây mỏ két, cây dừa nước, cây vẹt, cây đước, bằng lăng tím, cây gáo, cây bạch đàn, cây dứa dại, lộc vừng, sung, si, v.v…

 

Riêng cỏ vertiver để giữ  đất, chống sạt lở, xói mòn đất đã thí điểm ở đường Hồ Chí Minh; tuy nhiên chi phí đắt và không phù hợp, nhiều nơi đã bỏ (Hà Tĩnh); cần nghiên cứu việc áp dụng cụ thể phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của các địa phương.

 

Nguồn: Tổng cục ĐBVN


Nguồn: drvn.gov.vn
Văn bản mới ban hành
Liên kết website
Thông kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 3
Hôm nay : 7
Hôm qua : 137
Tháng 04 : 2.493
Năm 2024 : 16.401